Sau gần 3 năm chuẩn bị, cuộc triển lãm “Chiến tranh Việt Nam: 1945-1975” khai mạc hôm thứ Tư tuần này tại Viện Bảo tàng Lịch sử New York.
Cuộc chiến đã làm xã hội chia rẽ sâu xa và phơi bày những giới hạn của sức mạnh quân sự Mỹ, là chủ đề của một cuộc triển lãm mới về một đề tài cũ nhưng hãy còn nhiều tiếng vang trên chính trường đầy chia rẽ của nước Mỹ ngày nay, theo lời người phụ trách triển lãm, bà Marci Reaven.
Cách đây vài năm, khi ý kiến tổ chức một cuộc triển lãm về Chiến tranh Việt Nam được nêu lên tại Bảo tàng Lịch sử New York, một thành viên của Hội đồng Quản trị, ông James Grant, kể lại rằng hơn 40 năm sau cuộc chiến, chiến tranh Việt Nam vẫn khơi lên những xúc cảm mãnh liệt.
Ông Grant, một cựu chiến binh hải quân Mỹ phục vụ tại Việt Nam vào giữa thập niên 1960, nói một cuộc tranh luận sôi nổi đã nổ ra giữa ông với một thành viên khác trong Hội đồng quản trị về động cơ của Hoa Kỳ khi tham chiến, bản chất cuộc xung đột, và liệu các nỗ lực và những sự hy sinh đó rốt cuộc chỉ vô ích?
Với những kỷ vật và chứng tích được trưng bày, bằng cả âm thanh và hình ảnh, cuộc triển lãm có tính tương tác kể lại câu chuyện của cuộc xung đột từ gốc của nó sau Thế chiến Thứ Hai, khi mà Hoa Kỳ hậu thuẫn cho quân đội Pháp để tìm cách duy trì chế độ cai trị thực dân của nước này ở Đông Dương.
Cuộc triển lãm miêu tả giai đoạn leo thang chiến tranh, cũng như giai đoạn khép lại cuộc chiến, triệt thoái binh sĩ Mỹ về nước giữa lúc phong trào chống chiến tranh nổi lên ở trong nước, cũng như các cuộc biểu tình sôi nổi không kém ủng hộ các nỗ lực chiến tranh.
Theo bà Marci Reaven, Giám Đốc phụ trách triển lãm, thì câu chuyện chiến tranh Việt Nam được kể từ cả hai phía. Tại triển lãm, khách có thể xem một tác phẩm sơn mài tuyên truyền của miền Bắc năm 1962, do một nghệ sĩ còn sống tái tạo lại độc quyền cho Bảo tàng Lịch sử New York.
Các chứng tích được trưng bày gồm một phi đạn Bullpup gắn trên máy bay ném bom F-105, một chiếc xe jeep, và hai dãy màn ảnh video thuật lại từng giai đoạn của cuộc chiến. Khách có thể chọn đoạn video kể lại từng giai đoạn lịch sử của cuộc chiến.
Trong các kỷ vật được trưng bày còn có giấy gọi nhập ngũ mà thanh niên Mỹ tuổi từ 18 tới 26 thời đó phải luôn mang theo mình, nhiều người đã mang ra đốt giấy này để nói lên sự chống đối của mình, và thách thức lệnh nhập ngũ. Chính sự chống đối này đã dẫn tới việc bãi bỏ lệnh nhập ngũ vào năm 1973, không lâu sau khi những binh sĩ Mỹ cuối cùng rút ra khỏi Việt Nam.
Tất cả những chi tiết nghe tương tự như những gì đã nghe về bộ phim tài liệu 10 tập của đạo diễn Ken Burns và đạo diễn Lynn Novick vừa được trình chiếu trên đài PBS mới đây, chỉ là do “tình cờ ngẫu nhiên”, theo bà Marci Reaven.
Khách đến xem triển lãm được khuyến khích ghi lại, hoặc ghi âm những sự suy nghĩ của mình về chiến tranh Việt Nam, để lại cho các thế hệ mai sau.
“Chúng tôi muốn các thế hệ đến sau trải nghiệm, như chúng ta đã trải nghiệm, rằng chiến tranh là sản phẩm của nhiều quyết định do các chính quyền và cá nhân làm ra, và điều quan trọng là phải tìm hiểu các quyết định đó, chú ý tới các quyết định đó khi mà chúng đang được làm.”
Cuộc triển lãm “Chiến tranh Việt Nam: 1945-1975” tại Viện Bảo Tàng Lịch sử sẽ mở cho tới ngày 22/4/2018.