Có thể tránh lý thuyết được không?

Có thể tránh lý thuyết được không?

Trong bài các hình thức phê bình, tôi đi đến kết luận: Phê bình văn học trên thế giới càng ngày càng có xu hướng lý thuyết hoá; ranh giới giữa phê bình và lý thuyết văn học càng lúc càng mờ; nhưng riêng tại Việt Nam, tiếc thay, lý thuyết vẫn còn là một cái gì hết sức xa lạ.

Vấn đề là: Liệu chúng ta có thể bất cần lý thuyết mãi được không?

Câu trả lời, theo tôi, là: Không.

Lý do có thể tóm lại thành bốn điểm.

Thứ nhất, tính lý thuyết, trong mức độ nào đó, gắn liền với tính nhân văn.

Thứ hai, mọi việc tiếp cận văn học, dù một cách tự giác hay không, đều gắn liền với một khung lý thuyết nhất định.

Thứ ba, sáng tác, phê bình cũng như nghiên cứu văn học chỉ có thể khởi sắc trên nền tảng những lý thuyết mới.

Cuối cùng, riêng trong trường hợp Việt Nam, điều chúng ta thiếu nhất, do đó, cần nhất, chính là một lý thuyết văn học để, một mặt, thay thế những giáo điều cũ mòn hiện nay; mặt khác, giảm thiểu những tác hại của chủ nghĩa phản trí thức và đặc biệt chủ nghĩa tầm thường vốn là những đặc trưng rất nổi bật trong nền văn hoá văn chương Việt Nam, những yếu tố góp phần hình thành một nếp nghĩ rất phản sáng tạo: không những thích đi theo lối mòn mà còn xem việc đi theo lối mòn ấy như một sự tất yếu, hơn nữa, một điều đáng biểu dương: cũ là trung thực và bảo vệ truyền thống là đạo đức.

Về điểm thứ nhất, Terry Eagleton, một nhà lý luận văn học Mác-xít người Anh, trong cuốn “The Significance of Theory” (1990:24-25), có một ý tưởng mà tôi rất tâm đắc: lý thuyết gắn liền với mọi hoạt động xã hội của con người. Theo ông, khác với các loài vật khác, con người không phải chỉ sống trong không gian vật lý mà còn sống trong một thế giới ý nghĩa được tạo thành bởi các ký hiệu.

Kể cũng dễ hiểu: ý nghĩa của các ký hiệu ấy, tự bản chất, là những khái niệm; và khái niệm, tự bản chất, có tính trừu tượng. Những khái niệm trừu tượng ấy, với nhiều mức độ và dưới nhiều hình thức khác nhau, liên kết với nhau thành những hệ thống nhất định; mỗi hệ thống như thế là một “lý thuyết”, dù phần nhiều rất sơ khai.

Thử nêu một ví dụ nhỏ: nhà.

Rõ ràng là chúng ta không phải chỉ sống trong những ngôi nhà vật chất cụ thể mà còn sống trong khái niệm “nhà”, một khái niệm không những có khả năng bao quát hàng triệu ngôi nhà với những những vật liệu, những hình thức và những kích thước khác nhau mà còn có khả năng làm cho ngôi nhà vật thể chúng ta đang ở bỗng dưng trở thành một cái-tôi-mở-rộng: nó đồng nhất cái tôi và cái không gian chung quanh cái tôi ấy để, một mặt, làm cho cái tôi trở thành bao la hơn hẳn; mặt khác, làm cho nhiều cái khác, ngoài cái tôi, trở thành một phần của cái tôi. Chính vì vậy, chúng ta không phải chỉ thấy hình ảnh “nhà” trong từng căn nhà cụ thể mà còn thấy “nhà” ở hình ảnh người phối ngẫu (trong kiểu nói “nhà tôi” dùng để chỉ vợ hoặc chồng) và ngay cả ở quê hương (trong kiểu nói “quê nhà”). Như thế, ngay trong một chữ “nhà” đã có vô số những mối quan hệ chằng chịt làm nên một hệ thống ít nhiều mang tính lý thuyết.

Liên quan đến văn học, tính lý thuyết ấy lại càng rõ.

Rất phổ biến những lời nhận xét đại loại như thế này: “Cuốn tiểu thuyết này hay dễ sợ. Ðọc, cứ thấy như thật. Nhiều lúc muốn khóc luôn.”

Phổ biến? Ðã đành. Tuy nhiên, chắc chắn những nhận xét kiểu như thế chỉ có thể phổ biến ở Việt Nam từ đầu thế kỷ 20 trở lại đây mà thôi. Những người đồng thời với Nguyễn Trãi, dù yêu thích văn học đến mấy, cũng không thể thốt lên những lời như thế. Trước hết, thời ấy, chưa có khái niệm và cũng chưa có hình thức tiểu thuyết theo nghĩa chúng ta đang có hiện nay. Nhóm từ “cuốn tiểu thuyết này...” ẩn chứa đằng sau nó cả một lý thuyết về thể loại, ở đó, tiểu thuyết không những được phân biệt với thơ hay với kịch mà còn được phân biệt với cả truyện ngắn và cả thể truyện truyền thống như các loại “liệt truyện” hay truyện kiếm hiệp nữa. Gắn liền với lý thuyết thể loại ấy là một lý thuyết về ngôn ngữ: với “lý thuyết” ấy, người ta chấp nhận là nghệ thuật những câu văn được cấu trúc như những lời nói thông thường hằng ngày.

Tưởng điều này hiển nhiên hay đơn giản lắm sao? Không phải đâu. Phải nhờ sự chỉ dẫn của một vị giáo sư triết học, ông Jourdain, nhân vật chính trong vở “Trưởng giả học làm sang” của Molière, mới biết những gì ông ấy nói trong suốt cả 40 năm trong đời là “văn xuôi” đấy! Vào thế kỷ 18, khi các cuốn tiểu thuyết hiện thực đầu tiên của Samuel Richardson và Henry Fielding được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, hầu hết độc giả Pháp, ngay cả những người được xem là tinh tế nhất, cũng không thưởng thức được: họ cho là vô vị, tục tằn, toàn những chuyện lặt vặt trong đời sống hằng ngày, còn nhân vật thì nói năng những câu tầm thường, chẳng có chút gì là “văn chương” cả.

Ở Việt Nam, chỉ mới giữa thế kỷ 19 thôi, Cao Bá Quát còn rất e dè khi đọc cuốn truyện Nôm “Hoa Tiên” của Nguyễn Huy Tự, được Nguyễn Thiện nhuận sắc. Khen, ừ, thì khen, nhưng ông vẫn phân vân không biết với chữ Nôm, người ta có thể làm ra cái gọi là văn chương hay không.

Chữ Nôm mà còn thế, huống gì là chữ quốc ngữ. Thơ lục bát mà còn thế, huống gì là văn xuôi hiện đại. Cho nên, thú thực, tôi không thể tưởng tượng nổi phản ứng của Cao Bá Quát sẽ như thế nào nếu, nhờ một phép lạ nào đó, ngày ấy ông được đọc một cuốn tiểu thuyết đại loại như Số đỏ của Vũ Trọng Phụng hay các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp sau này. Tôi không tưởng tượng nổi, nhưng tôi biết chắc một điều: ông không xem đó là văn học. Mà đã không xem là văn học thì không có chuyện thích. Càng không có chuyện khen.

Rồi nhận xét “thấy như thật” cũng tiết lộ ít nhiều ảnh hưởng của lý thuyết mỹ học hiện thực chủ nghĩa, ở đó, người ta không những tin văn học có khả năng tái hiện được hiện thực để hình thành những bức tranh bằng chữ “như thật” mà còn tin tính chất “như thật” ấy là một trong những biểu hiện của cái hay trong nghệ thuật. Thời xưa, khi chủ nghĩa hiện thực chưa được du nhập vào Việt Nam, khi khí quyển văn học Việt Nam vẫn còn bị thống trị bởi những quan niệm văn học cổ điển đến từ Trung Hoa như thuyết thi ngôn chí hay văn dĩ tải đạo, thì cái “chí” và cái “đạo” mới được nằm ở vị trí trung tâm trong bảng giá trị. Người ta có khen tác phẩm văn học nào đó thì cũng chỉ khen cái “chí” và cái “đạo” chứ nhất định không phải là cái “thực” trong đó. Thực hay không thực, với họ, chẳng có ý nghĩa gì cả. Thậm chí, ngược lại, khi văn học bị khống chế bởi tính ước lệ và thói quen sử dụng điển cố, những yếu tố đến thẳng từ đời sống có khi lại bị xem là suồng sã, phi nghệ thuật và phi thẩm mỹ.

Nhớ lại các lời tranh cãi chung quanh Truyện Kiều từ đầu thế kỷ 20 trở về trước mà xem. Có phải những gì được chúng ta khen ngợi nhiều nhất sau này, xem như là những kết tinh của tính nhân đạo và tính hiện thực trong cái nhìn của Nguyễn Du đều bị người xưa chê bai thậm tệ, kẻ thì cho hỗn hào, người thì cho là tục tĩu, đến mức cho là dâm thư và khuyên con cháu, nhất là phái nữ, đừng đọc?

Ngay cả một trong những người thuộc loại thông minh và tài hoa nhất trong nửa đầu thế kỷ 19 như Nguyễn Công Trứ, người sống gần như cùng thời với Cao Bá Quát, cũng không hề thấy chút gì gọi là “như thật” trong Truyện Kiều, và giả dụ - chỉ giả dụ thôi - nếu mơ hồ thoáng thấy, chắc ông cũng không hề xem đó như một biểu hiện của sự thành công trong nghệ thuật sáng tác của Nguyễn Du.

Ngoài ra, chi tiết “nhiều lúc muốn khóc luôn” cho thấy, với người phát ngôn, mức độ gây cảm xúc lên người đọc là một trong những yếu tố rất đáng kể, nếu không muốn nói là một trong những bằng chứng của sự thành công trong nghệ thuật tự sự. Ít nhiều đây là dấu ấn của mỹ học lãng mạn chủ nghĩa. Ngày xưa, có khi người ta cũng đề cao tính chất truyền cảm và gợi cảm trong văn học. Nhớ, Khổng Tử từng nói: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán...” Tuy vậy, hình như không ai có chủ trương hoặc đề cao loại tình cảm ướt át, đọc xong, nước mắt cứ tuôn rơi sụt sùi, có lúc nghĩ đến cả chuyện quyên sinh: hiện tượng ấy chỉ xảy ra ở Việt Nam từ những năm 1920, thời kỳ của những “Tố Tâm”, những “Ðồi thông hai mộ” mà thôi.

Cho nên, có lẽ không có gì quá đáng khi chúng ta cho chính các lý thuyết thể loại (ở đây là tiểu thuyết), lý thuyết ngôn ngữ (ở đây là chữ quốc ngữ và văn xuôi), và lý thuyết mỹ học (ở đây là chủ nghĩa hiện thực, và phần nào, chủ nghĩa lãng mạn) đã làm cho những người đọc bình thường nhất hiện nay có thể cảm thụ được các tác phẩm văn học đương đại.

Dĩ nhiên, trong hầu hết các trường hợp, người đọc chỉ tiếp nhận các lý thuyết ấy một cách gián tiếp và hoàn toàn tự phát: một số mảnh vụn của các lý thuyết ấy đã đến với họ qua hệ thống giáo dục trong nhà trường hoặc qua các phương tiện truyền thông đại chúng như những kiến thức phổ thông tồn tại riêng lẻ và rời rạc. Chúng bị tách ra khỏi hệ thống ban đầu của chúng, do đó, chúng không mang hình thức lý thuyết như chúng vốn là.

Chính vì vậy, vô số người nghĩ là họ có thể tiếp tục sáng tác hay phê bình mà không cần biết đến bất cứ một lý thuyết văn học nào. Thật ra, đó chỉ là một ảo tưởng. Trên thực tế, như Murray Krieger, trong cuốn “Theory of Criticism, a Tradition and Its System” (1981:7), nhận xét, người ta chỉ có thể có một trong hai lựa chọn: hoặc tiếp nhận lý thuyết một cách tự giác hoặc tiếp nhận nó một cách thụ động.

Ðiều này có nghĩa là từ chối đi sâu vào các khía cạnh lý thuyết cũng tức là chấp nhận tự biến mình thành một nơi giao thoa thụ động của các loại lý thuyết khác nhau.

Hậu quả là, thứ nhất, tiếp nhận một cách thụ động, quan niệm văn học sẽ thiếu hẳn tính nhất quán, và cùng với tính nhất quán, chiều sâu của nhận thức: người ta chỉ thấy được những mảnh vụn kiến thức chứ không thấy được cả hệ thống của chúng. Mất tính hệ thống ấy, người ta đánh mất mối liên hệ với lý thuyết. Mất mối liên hệ ấy, người ta trở thành những đứa con rơi của lý thuyết: họ được đúc khuôn từ một lý thuyết nhất định nhưng lại không còn khả năng truy nguyên và nhận diện cái lý thuyết ấy. Họ trở thành sản phẩm của lý thuyết thay vì là những người vận dụng lý thuyết.

Thứ hai, sự thành công và thất bại trong hoạt động sáng tác hay phê bình của người ta sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự may mắn, chủ yếu nằm ở môi trường giáo dục và môi trường sống của họ: người sống trong môi trường tiến bộ sẽ tiến bộ; và ngược lại, người sống trong môi trường lạc hậu sẽ lạc hậu: ở đây, số phận tập thể và số phận cá nhân sẽ là một: tài năng và phong cách cá nhân, do đó, bị triệt tiêu.

Bởi vậy, có thể đi đến kết luận: Phê bình không thể tránh được lý thuyết. Vấn đề là chúng ta cần phải làm gì để tiếp cận và phát triển được lối phê bình - lý thuyết ấy.

Dĩ nhiên, đó là một vấn đề khó khăn và đầy thử thách.