Tranh luận về vấn đề đạo đức chiếm phần lớn phiên khai mạc Quốc hội Mỹ

Tranh luận về vấn đề đạo đức chiếm phần lớn phiên khai mạc Quốc hội khóa 115 của Mỹ.

Một cơ hội hiếm có đã đến hôm thứ Ba 3/1 khi Điện Capitol trở lại làm việc trong phiên khai mạc quốc hội khoá 115 do Đảng Cộng hoà kiểm soát. Nhưng nghị trình đầy tham vọng của chính đảng này đã bị gác sang một bên khi các đại biểu Cộng hòa tại Hạ viện đề nghị thay đổi các quy định để điều tra các hành vi vi phạm các nguyên tắc đạo đức của các nhà lập pháp, khiến vấn đề này chiếm phần lớn thời gian trong ngày. Từ Điện Capitol, thông tín viên Katherine Gypson của VOA gởi về bài tường trình sau đây.

Điểm tranh cãi trong phiên khai mạc Quốc hội là khi các đại biểu Cộng hòa đề nghị thay đổi nội quy của Hạ viện nhằm giới hạn chức năng của cơ chế giám sát độc lập chuyên điều tra các hành vi vi phạm đạo đức của các nhà lập pháp.

Cuộc biểu quyết kín vào khuya thứ Ba đã gây phẫn nộ cho các thành viên đảng Dân chủ tại Thượng viện.

Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen nói:

"Đây là một thực thể độc lập có nhiệm vụ sàng lọc hồ sơ khiếu nại xem vụ nào nên xúc tiến điều tra. Bãi bỏ chức năng đó là vi phạm sự tin tưởng của công chúng. Điều đó làm tăng kích thước của ‘bãi đầm lầy’ và trao nhiều quyền hơn cho nó."

Trong ngày làm việc đầu tiên của bà, nữ dân biểu gốc Việt đầu tiên đắc cử vào quốc hội Stephanie Murphy nói thay đổi đó sẽ xoá bỏ nghĩa vụ của bà và các đồng nghiệp phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

"Tôi cho rằng đó không phải là xu hướng mà chúng ta thực sự muốn thiết lập vào lúc khởi đầu của Quốc hội khoá 115."

Tổng thống đắc cử Donald Trump, người mà trong chiến dịch vận động tranh cử đã lớn tiếng kêu gọi phải dẹp bỏ tham nhũng tại Washington, với khẩu hiệu: “Hãy quét sạch bãi đầm lầy” viết trên Twitter rằng ‘thời điểm này không thích hợp’.

Giữa lúc lễ tuyên thệ nhậm chức của các đại biểu diễn ra long trọng, các nhà lập pháp Cộng hòa dường như đã rút lại lời cam kết. Những thay đổi đó đã gây mất tập trung trong khi phe Cộng hòa ở Quốc hội chuẩn bị cho các công việc nặng nề trước mắt.

Thượng nghị sĩ John Cornyn nói:

"Tôi biết chúng ta còn rất nhiều việc cần làm trước mắt, và tôi tin chắc rằng với tinh thần hợp tác, chúng ta có khả năng giúp Quốc hội thứ 115 đáp ứng các nhu cầu của nhân dân Mỹ."

Thông điệp này được lặp lại bởi ông Paul Ryan, người vừa được bầu lại vào chức vụ Chủ tịch Hạ viện.

"Bất chấp những tương phản giữa chúng ta rõ rệt đến thể nào đi nữa, thì điều đó cũng không nên ngăn cản chúng ta tìm ra được mẫu số chung mà chúng ta cùng chia sẻ."

Dân biểu Nancy Pelosi, trở lại với vai trò lãnh tụ khối thiểu số tại Hạ viện, cũng tán đồng quan điểm đó.

"Chúng ta có nhiệm vụ và quyền lực để nâng cao niềm hy vọng cũng như cuộc sống của nhân dân Mỹ."

Nhưng trong ngày đầu tiên phiên họp quốc hội khoá 115, những dấu hiệu đầy hy vọng cho tương lai có thể trở thành những điểm tranh cãi bị công chúng chống đối, theo ông Norm Eisen, người đứng đầu cơ chế giám sát vấn đề đạo đức dưới thời cựu Tổng thống Bush. Ông nhận định:

"Tổng thống đắc cử Donald Trump thường nương theo sau những làn sóng trong công chúng, và điều đó cho phép tôi hy vọng rằng người dân Mỹ sẽ thực hiện nghĩa vụ để giám sát và buộc Đảng Cộng hoà, là đảng chiếm thế đa số tại cả Tòa Bạch Ốc và quốc hội, phải chịu trách nhiệm về các hành động của mình."

Đó là một dấu hiệu cho thấy là ngay cả trong trường hợp Quốc hội Mỹ xúc tiến nghị trình đầy tham vọng của mình, giới lãnh đạo Ðảng Cộng hòa sẽ lắng nghe nguyện vọng của cử tri.