Tranh chấp Biển Đông: Ưu tiên trong nghị trình thượng đỉnh ASEAN

Tổng thống Obama theo dự kiến sẽ đề cập đến tranh chấp Biển Đông khi tới Campuchia.

Tổng thống Mỹ Barack Obama theo dự kiến sẽ đề cập đến tranh chấp Biển Đông khi tới Campuchia vào đầu tuần tới để dự thượng đỉnh Đông Á lần thứ 7 kéo dài hai ngày.

Giới phân tích cho rằng an ninh hàng hải ở Biển Đông một lần nữa sẽ trở thành chủ đề thảo luận trọng tâm hàng đầu tại các cuộc họp cấp cao dịp này.

Ông Ian Storey, phân tích gia về an ninh khu vực thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore, nói các động thái dành chủ quyền gần đây của Trung Quốc khiến nhiều nước Châu Á-Thái Bình Dương quan ngại và các nước đang trông chờ một sự đảm bảo chiến lược từ Hoa Kỳ.

Tổng thống Hoa Kỳ tham dự thượng đỉnh Đông Á lần này có phần chắc sẽ tái khẳng định rằng Mỹ có lợi ích căn bản trong quyền tự do hàng hải ở Biển Đông đồng thời kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thống nhất một bộ quy tắc ứng xử.

Theo giới phân tích, thượng đỉnh ASEAN và các cuộc họp cấp cao liên quan tại Campuchia từ ngày 15 đến 20 tháng này thật sự là một trắc nghiệm cho các nước Đông Nam Á trong việc đương đầu với các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Thách thức đối với ASEAN hiện nay là gầy dựng một tiếng nói chung trước các mâu thuẫn ở vùng biển đầy tranh chấp này.

Vấn đề chính nằm ở lập trường không dứt khoát của Campuchia trong cương vị nước chủ tọa Thượng đỉnh ASEAN năm nay. Dù Phnom Penh cam kết bám sát Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông, nhưng các nước thành viên Đông Nam Á đang trông chờ Campuchia đưa ra quan điểm quốc gia tại thượng đỉnh lần này.

Phân tích gia Storey cho rằng dù không muốn để xảy ra bế tắc như tại thượng đỉnh hồi tháng 7, nhưng Campuchia, một đồng minh thân cận của Bắc Kinh, sẽ không ủng hộ các động thái nào có thể khiến Trung Quốc bực bội.

Đáp lại, Campuchia khẳng định đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo hòa bình, hữu nghị, và hợp tác trong khu vực.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao CampchIa, ông Kao Kim Hourn, nhấn mạnh:

“Trong khung làm việc của ASEAN có một thông lệ là chúng ta có thể đồng ý là không đồng quan điểm về nhiều vấn đề. Rõ ràng là trong cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia đã cố gắng giải quyết nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là các vấn đề nhạy cảm. Điều tối quan trọng là chúng ta có một vị trí có chừng mực, vì nhìn chung, nếu chúng ta không thể nhất trí về một điểm nào đó, chúng ta không thể đưa nó vào một văn kiện chung.”

Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu Hợp tác và Hòa bình của Campuchia, ông Chheang Vannarith, nói:

“ASEAN không có một cơ chế để giải quyết xung đột. ASEAN chỉ là một cơ chế giúp thỏa hiệp và ngăn ngừa leo thang xung đột mà thôi.”

Bộ trưởng thông tin, Khieu Kanharith của Campuchia cho rằng sự tham dự của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Thủ tướng Ôn Gia Bảo của Trung Quốc tại thượng đỉnh ASEAN lần thứ 21 và các thượng đỉnh liên quan phản ánh vai trò quan trọng của ASEAN trên trường quốc tế.

Trước thềm thựơng đỉnh ASEAN, Ngoại trưởng Shanmugam của Singapore đã cảnh báo về các nguy cơ có thể phát sinh từ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Ông Shanmugam thúc giục lãnh đạo các nước chớ nên đánh giá thấp các hậu quả, rủi ro vì tranh chấp có thể sẽ phức tạp thêm lên do sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc tại một số nước.

Trong vài năm gần đây, Biển Đông đã trở thành một điểm nóng.

Trong vài năm gần đây, Biển Đông đã trở thành một điểm nóng. Nhiều cơ quan quốc tế xem khu vực này là một điểm nóng toàn cầu có thể gây nên các mâu thuẫn mới và rộng hơn tại Châu Á.

Biển Đông có tầm quan trọng không những đối với khu vực mà còn với cả thế giới vì nguồn tài nguyên dồi dào và là một trong những thủy lộ quốc tế bận bịu nhất toàn cầu, với hơn 100 đảo nhỏ và bãi đá trải dài 158 dặm vuông, bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền.

Việt Nam, Singapore, và Philippines đã tỏ ý mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục hiện diện trong khu vực. Việt Nam đã mở cửa Vịnh Cam Ranh đón các tàu hải quân Mỹ tới thăm. Singapore sẽ cho Mỹ dùng cảng của Singapore làm căn cứ cho các tàu cận chiến duyên hải của Hoa Kỳ. Philippines và Mỹ tái khẳng định Hiệp ước Phòng thủ chung bằng Tuyên bố Manila ký kết hồi tháng 11 năm ngoái.

Hiện Indonesia là thành viên ASEAN duy nhất có thể làm trung gian hòa giải tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa các nước Đông Nam Á với Trung Quốc.

Nguồn: AFP, Xinhua, Zambo Times, Xinhua, CNA

http://www.youtube-nocookie.com/embed/haZsNHtEmRY?rel=0