Tại buổi họp báo quý I/2019 diễn ra chiều 25/3/2019, lần đầu tiên 0,5% trong tổng số 200 tướng công an Việt Nam đã ‘can đảm’ nêu tên Trương Duy Nhất. Đó là Trung tướng Trần Văn Vệ, Chánh văn phòng cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an.
Thập thò tướng công an…
Trương Duy Nhất là blogger đã bị mất tích tại Bangkok vào cuối tháng Giêng năm 2019 với nhiều nghi ngờ của dư luận về ‘Trương Duy Nhất bị mật vụ Việt Nam bắt cóc’. Tuy nhiên trong cuộc họp báo trên, tướng Vệ đã chỉ nói về mối liên đới của ông Nhất với vụ ‘Vũ ‘Nhôm’ chứ hoàn toàn không dám đề cập đến câu chuyện mà dư luận xôn xao: Trương Duy Nhất đã bị một cơ quan mật vụ nào đó bắt hoặc ở Thái Lan, hoặc ở Lào, hoặc bắt ở Thái Lan rồi sau đó ‘vận chuyển’ qua Lào về Việt Nam và ‘bàn giao’ cho Bộ Công an.
Cũng không thấy tướng Vệ đả động về việc Trương Duy Nhất đang bị giam giữ ở đâu, trong khi ngay trước đó một tin tức “từ trên trời rơi xuống” thình lình đến với người nhà của ông Nhất: Trương Thục Đoan, con gái của ông Trương Duy Nhất, hiện đang ở Canada cho báo chí nước ngoài biết rằng phía trại giam thông báo cho mẹ của cô là ông Nhất bị bắt vào ngày 28 Tháng Giêng và bị đưa vào trại T16 ở Thanh Oai, Hà Nội trong cùng ngày.
Không rõ cách thức thông báo trên bằng cách nào, nhưng không có bất kỳ giấy tờ nào được chuyển cho gia đình ông Nhất.
Sau đó, bà Cao Thị Xuân Phượng - vợ của ông Trương Duy Nhất và là mẹ của Trương Thục Đoan - vào ngày 20 tháng Ba đã đến Trại giam T16 với mục đích được thăm gặp chồng; nhưng cán bộ trại không cho gặp với lý do việc điều tra chưa xong. Tuy nhiên, việc Trại T16 chịu nhận một ít thực phẩm và áo quần do bà Cao Thị Xuân Phượng gửi vào cho chồng là một bằng chứng về “Trương Duy Nhất ở trong đó.”
Bình luận về tin tức “từ trên trời rơi xuống”, nhiều người cho rằng Bộ Công an đã không dám thông báo về tình trạng Trương Duy Nhất theo đường chính thống, mà đã phải cho một ai đó gọi điện nặc danh báo cho gia đình ông Nhất biết về Trại giam T16 đang giam giữ ông.
Vì sao lại hiện ra hành vi trên? Vì sao Bộ Công an không ‘ém’ luôn thông tin về Trương Duy Nhất mà phải tìm cách gián tiếp báo cho gia đình?
Theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, khi bắt người, trong vòng 24 giờ, cơ quan bắt giữ phải thông báo cho gia đình. Còn theo sổ thăm nuôi của Trại T16 mà vợ ông Nhất nhìn thấy, ngày Trương Duy Nhất bị bắt là 28/1/2019. Như vậy, rất có thể các cơ quan ‘có trách nhiệm’ của Bộ Công an lo sợ báo tin quá trễ sẽ vi phạm Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự mà về sau này có thể bị gia đình ông Nhất kiện cáo, nên đã ‘mở lòng’ thông báo lén cho gia đình về tình trạng Trương Duy Nhất.
Từ ‘á khẩu’ đến ‘cấm khẩu’
Tình thế Bộ Công an ‘á khẩu’ khi thông báo về Trương Duy Nhất nhưng không hề xác nhận ‘đã bắt’ và nơi giam giữ ông Nhất cho thấy dường như đã xảy ra một lo ngại nhìn trước ngó sau ghê gớm khi buộc phải phát ra thông báo này - trong bối cảnh không chỉ áp lực dư luận trong nước mà còn cả nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, thậm chí cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam và Thái Lan phải có trách nhiệm công bố việc có dính líu hay không đến vụ việc ‘Trương Duy Nhất mất tích/bị bắt cóc’ ở Bangkok.
Dù cách thức đơn giản nhất của Việt Nam là chối phắt ‘không bắt cóc Trương Duy Nhất’, hoặc cùng lắm thì tuyên bố ‘Trương Duy Nhất tự nguyện về nước đầu thú’ theo cách mà Bộ Công an và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã ‘đạo diễn’ cho Trịnh Xuân Thanh, sau khi Nhà nước Đức tố cáo rằng mật vụ việt Nam đã nhảy xổ vào Berlin để bắt cóc Thanh vào tháng 7 năm 2017…, nhưng hiện tượng các cơ quan “mật vụ” của Việt Nam như Bộ Công An (nhưng không còn Tổng Cục Tình Báo như thời “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”) bị ‘á khẩu’, còn Tổng Cục 2 (Tình báo quân đội) thuộc Bộ Quốc Phòng thì ‘cấm khẩu’ đã khiến cứ mỗi ngày trôi qua, tính ‘chính nghĩa’ và ‘chính danh’ của chính quyền Việt Nam trong vụ ‘Trương Duy Nhất bị mất tích ở Bangkok’ lại càng lu mờ, thay vào đó là nghi ngờ về ‘Trương Duy Nhất bị bắt cóc’ càng được xác thực.
Thậm chí vào lần này, tốc độ ‘phản ứng nhanh’ của chính quyền và công an Việt Nam về vụ Trương Duy Nhất còn tệ hơn nhiều so với vụ Trịnh Xuân Thanh.
Vào đầu tháng 8 năm 2017, chỉ vài ngày sau khi bị Nhà nước Đức phản ứng Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công an Việt Nam ít ra còn thông báo ngược lại rằng ‘Trịnh Xuân Thanh đã đến trực ban Bộ Công an đầu thú’, dù chẳng đưa ra được bằng chứng nào để thuyết minh về việc Trịnh Xuân Thanh đã từ bỏ nước Đức an toàn và có mức sống cao nhất châu Âu, không biết bằng cách nào vượt qua biên giới hàng chục quốc gia chỉ để về Hà Nội ‘đầu thú’, để cuối cùng được hưởng ‘lượng khoan hồng của đảng và nhà nước ta’ với hai cái án chung thân.
Còn với vụ Trương Duy Nhất, rất nhiều dư luận đã tin như đinh đóng cột rằng nếu trong khoảng thời gian hai tháng từ lúc Nhất bị ‘mất tích’ cho đến khi được Bộ Công an nêu tên, nếu Bộ Công an có được một tờ giấy tự khai ‘tự nguyện về nước đầu thú’ do Trương Duy Nhất ký tên hay điềm chỉ vào thì đó sẽ là một chiến công thuộc loại hiển hách của bộ này, để không chỉ Trung tướng Trần Văn Vệ mà có thể cả Bộ trưởng công an Tô Lâm sẽ đầy háo hức tổ chức một cuộc họp báo đình đám nhằm trưng ra tờ tự khai đó.
Hoặc nếu không có được lời chứng hoặc vật chứng như một bản tường trình theo cách “tự nguyện” của Nhất, Bộ Công an cũng ‘đạo diễn’ để ông Nhất xuất hiện trên truyền hình để thuyết phục công chúng và quốc tế rằng ông đã tự nguyện nộp mạng chứ không phải bị bắt cóc - rập khuôn với hình ảnh ngầy ngật như bị đánh thuốc mê của Trịnh Xuân Thanh trên truyền hình nhà nước vào tháng 8 năm 2017, sau khi đã ‘tự nguyện về nước đầu thú’.
Nhưng liệu Trương Duy Nhất có chịu nói ra điều đó, hoặc tối thiểu có chịu ký vào một bản tường trình “tự nguyện về nước đầu thú” để các cơ quan Việt Nam làm bằng chứng nhằm buộc báo chí quốc tế im miệng và “đập tan các luận điệu thù địch và xuyên tạc”?
E rằng khó với một người cứng đầu như Trương Duy Nhất. Có vẻ Bộ Công an đã hoàn toàn thất bại nhằm làm cho cái đầu đó nhũn ra đôi chút.
Không bộ nào dám ‘phát ngôn’?
Cuối cùng, thông tin duy nhất mà Bộ Công an dám đề cập về Trương Duy Nhất chỉ là mối liên đới với vụ Vũ ‘Nhôm’ - vụ án đã được khởi tố hình sự và quá đủ lý do để tiến hành điều tra đối với ông Nhất.
Thông tin trên là rất logic và có thể dễ dàng đoán trước, khi trước đó đã xuất hiện trên mạng xã hội một số bài viết của giới dư luận viên tập trung mổ xẻ mối quan hệ giữa Trương Duy Nhất với Vũ “Nhôm”, khi Nhất làm Trưởng đại diện báo Đại đoàn kết tại Đà Nẵng đã lợi dụng giấy tờ của báo để mua nhà đất không qua đấu giá, gây thất thoát lãng phí, và cả những hoạt động thuộc về “phe cánh chính trị” của ông Nhất - hàm ý rằng nếu trong thời gian tới Trương Duy Nhất có bị công an và tòa án truy tố và xử tù về tội danh kinh tế thì cũng chẳng có gì là oan sai, càng chẳng đáng để các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng về ông Nhất.
Thông tin trên cũng có lẽ là cái duy nhất mà Bộ Công an nói ra được trong tình hình ngổn ngang, xáo trộn và đầy rủi ro chính trị hiện thời, trong bối cảnh mà nhiều dư luận cho rằng bộ này không phải là ‘tác giả’ vụ ‘bắt cóc Trương Duy Nhất’, nhưng buộc phải ‘nhận bàn giao’.
Và cũng có lẽ ‘rút kinh nghiệm sâu sắc từ vụ Trịnh Xuân Thanh’, mãi cho đến nay mới xuất hiện một quan chức công an không hẳn là cao cấp - Trần Văn Vệ - nói bóng gió về vụ Trương Duy Nhất, trong lúc người ta có thể thoải mái hình dung ra cảnh đùn đẩy né tránh đầy bi hài và như đỉa phải vôi giữa các cơ quan ‘có trách nhiệm’ - từ Bộ Quốc phòng đến Bộ Ngoại giao và đặc biệt vào lần này là Bộ Công an - cứ mỗi khi được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hay cả ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ ‘phát ngôn’ vụ Trương Duy Nhất.