Hoàng Xuân Trường
Anh Trần Văn Nam vừa ra đi. Nhiều bạn bè thân thiết của anh chắc sẽ nhớ thương anh mà nhớ lại được nhiều hồi tưởng. Nhưng riêng đối với tôi, khi ngồi nhớ lại những kỷ niệm, những trường hợp quen biết một người bạn hiền lành đáng quí, tôi nhận thấy giữa chúng tôi như có một sợi dây nhân quả vô hình nào đó, đầy những cơ duyên để gặp được nhau và quen biết nhau.
Thật ra, tôi đã không phải là một trong những người bạn thân thiết nhất của anh. Tình bạn giữa tôi và anh có thể ví như đạm thủy nhưng không thiếu sự đồng cảm và tương kính. Và hôm nay, khi ngồi nghĩ lại những cơ duyên đưa đẩy để chúng tôi, hai người khác hẳn nhau về hoàn cảnh lớn lên, về cá tính, đã quen biết nhau và quí trọng nhau, tôi mới thấy những cơ duyên này hơi bất ngờ và khác lạ. Anh lớn hơn tôi bốn tuổi, sinh ở miền Nam, học Văn Khoa khi tôi học Trung Học. Ra trường anh dạy học trong khi tôi đi lính. Đầu mối duy nhất của sự quen biết chỉ giản dị là anh thích làm thơ và tôi thích đọc thơ.
Cái đầu mối sơ khởi và giản dị này bắt đầu từ hơn năm mươi năm trước đây, khoảng năm 1963, sau khi vừa tốt nghiệp Trung Học, tự nhiên ở đâu ra tôi được đọc một tập thơ nhỏ của anh và trong tập thơ đó, trí nhớ không gì tốt lắm của tôi lại khắc sâu vào tâm tư một cách bền chắc vài câu thơ rời rạc: “Trong làn mưa bụi bay lâm râm / Hồn ma đắm bể còn trôi nổi / Thây vướng vào chân những đá ngầm”. Tôi nhớ ba câu thơ cũng như tôi nhớ cái tên Trần Văn Nam, cũng là bút hiệu của tác giả, một cái bút hiệu giản dị, chân chất. Nghĩ lại, ba câu thơ kể trên thật ra cũng không có gì đặc sắc, nhưng không hiểu sao, chúng cứ mãi nằm sâu trong tâm thức tôi trong suốt hơn nửa thế kỷ của đời người, đã theo tôi từ những ngày đi học, những ngày đi lính ở cao nguyên hay vùng đồng bằng Cửu Long, từ những ngày tù tội cho đến những ngày luân lạc xứ người . Thỉnh thoảng mỗi khi trong tâm thức chợt hiện ra ba câu thơ trên, tôi lại tự hỏi là cái anh tác giả này hiện ở đâu, làm gì mà sao không thấy nhắc đến tên nữa.
Cái giao tiếp mong manh khởi đầu đó thường chỉ là một cái duyên bèo nước giữa một người làm thơ và đọc thơ nếu tôi không được gặp anh hơn bốn chục năm sau. Hôm đó, khoảng năm 2000, tôi ra mắt sách cuốn Chiến Tranh Đông Dương 3 lần thứ nhất ở California. Tôi không biết nguyên nhân nào đưa đẩy anh khiến anh đi dự buổi ra mắt sách đó. Anh chẳng biết tôi là ai, tôi cũng chẳng có tên tuổi gì, anh lại không thích đọc sách chiến tranh, chỉ thích những tác phẩm văn học, nhưng anh đã đến dự và một điều thật bất ngờ là sau đó anh đã đến tìm tôi và tự giới thiệu. Nghe được tên anh, cái tên thật bình thường cho một thi sĩ, tôi vội hỏi ngay có phải anh là tác giả ba câu thơ tôi vẫn chứa chất trong đầu không. Anh thích thú công nhận và từ đó, chúng tôi quen nhau.
Lý do trực tiếp để anh Nam tới gặp và nói chuyện với tôi hôm đó là vì anh Hoàng Khởi Phong, khi giới thiệu về tôi trong buổi ra mắt sách kể trên, chẳng hiểu sao lại ngứa miệng nói thêm là cuốn sách thứ hai của tôi sẽ là một cuốn sách về Thiên Văn, cuốn Đi Vào Cõi Vô Cùng. Anh Nam nghe được và đến nói với tôi là anh cũng đang thích về đề tài đó. Khi tôi về lại Virginia để hoàn tất cuốn sách, anh gửi cho tôi những bài thơ về vật lý thiên thể anh làm, chẳng hạn, anh làm những câu thơ về hiệu ứng Doppler : “Đợt sóng nào tới, tới thật nhanh. Chuyển sang quang phổ hướng màu xanh. Những vòng tần số mau dồn dập. Đang hướng về ta đại tốc hành” . Trong vật lý, điều đó gọi là “chuyển xanh” (blue shift), một nguồn sáng di chuyển về phía chúng ta sẽ dồn dập hơn, tần số sẽ nhanh hơn và những nhà khoa học dùng sự thay đổi tần số này để tính ra tốc độ di chuyển của sao hay khối thiên hà (cũng như cảnh sát dùng radar đo tốc độ của xe chạy). Anh cũng có những câu thơ nói về cơ duyên , mà cái cơ duyên tiên khởi đầu tiên là Big Bang: “Vũ trụ sinh ra tự ảo huyền. Trùng trùng qua lớp lớp cơ duyên”. Nhưng cái cơ duyên ở trong bài thơ anh gửi cho tôi, là anh nói đến những hạt điện tử khai sinh từ thuở Big Bang, vượt hàng tỷ năm ánh sáng, rồi cháy, nổ, phân ly, kết hợp qua lớp lớp hàng tỉ tỉ cơ duyên thành những nguyên tử, phân tử rồi vật chất, thiên nhiên, và ở vùng không gian này, tạo thành trái đất, rồi sau đó do cơ duyên khác mà nảy sinh ra sinh vật và con người, trong đó có anh và tôi, hai cái sinh vật nhỏ nhoi trong không gian và thời gian vô cùng tận. Nhờ thêm vào những câu thơ của anh, cuốn sách thiên văn của tôi đã bớt khô khan.
Từ sau cái ngày đó , chúng tôi hay liên lạc với nhau bằng điện thoại hay thư từ. Anh gửi cho tôi những bài thơ anh làm về sao, về những hoạt động đời thường hay những cảm thức văn học của anh. Tôi gửi cho anh những cuốn sách chính trị (anh không thích lắm), những bài dịch khoa học (con người thơ văn hiền lành đó lại rất thích).
Tình bạn bình đạm của chúng tôi như thế kéo dài hơn mười năm, cho tới gần sáu năm trước đây, tôi nghỉ hưu, về sống ở Cali. Tại vùng nắng ấm này, mỗi cuối tuần tôi thường ra quán cà phê nói chuyện bù khú với bạn bè. Tôi và anh Nam bắt đầu gặp nhau thường xuyên. Tuy chúng tôi đều thuộc lứa tuổi trên thất thập, nhưng tôi hay ngồi với mấy anh đồng nghiệp hay lính tráng, còn anh Nam lại ngồi ở bàn bên cạnh với giai cấp chiếu trên, gồm các “cụ” hơn chúng tôi vài tuổi như những anh Phạm Phú Minh, Thành Tôn, Trần Yên Hòa… Tuy nhiên, chúng tôi cũng dần dà trở nên thân mật. Mọi chuyện bình thường kéo dài nhiều năm cho tới chủ nhật tuần trước, thay vì đến ngồi cùng bàn với đám “trẻ“ như thường lệ , không hiểu sao, tôi lại đem ly cà phê đến ngồi ké với các cụ thuộc “lớp già”. Thấy vắng anh Nam, tôi hỏi thăm mới biết anh Nam đang bệnh nặng đang điều trị tại nhà. Các anh này thấy tôi mừng húm, vì các anh không thể lái xe xa lộ nên tóm được người thuộc “lớp trẻ” như tôi, dĩ nhiên tôi phải đưa các anh đi thăm anh Nam. Nhờ thế, tôi đã được đến thăm anh Nam, và lần đầu tiên, được nghe anh kể lại ít nhiều về cuộc đời anh, sinh ở Kiến Hòa, học ở Nha Trang (thời có Nguyễn Thị Hoàng). Hết Văn Khoa, anh dạy Việt Văn và Triết Học ở Vĩnh Long (lập gia đình ở đó), rồi sau 1975, vượt biên ở Cà Mau (dễ như đi uống cà phê). Chỉ tiếc lúc đó anh đã mệt, chúng tôi không thể ngồi nói chuyện lâu. Sau cuộc đi thăm đó, hai ngày sau, anh Nam rời bỏ cõi trần.
Như trên đã viết, tôi được biết và quen anh Nam là do những cơ duyên khó hiểu. Tại sao tôi lại ghi nhớ mấy câu thơ không lấy gì làm tuyệt tác của anh? Tại sao anh Phạm Gia Cổn, một người bạn lâu không gặp lại tự nhiên nổi hứng gọi điện thoại cho tôi, giúp tôi tổ chức ra mắt sách, một việc anh chưa làm bao giờ. Tại sao anh Nam lại đi tham dự buổi ra mắt một cuốn sách thuộc loại anh không thích đọc, viết bởi một tác giả vô danh? Tại sao hai chúng tôi, hai con người hoàn cảnh và cá tính khác nhau lại cùng thời cùng thích thú về sao, về sự vận hành vũ trụ? Cuối cùng, linh tính nào đã khiến tôi được đến thăm anh lần cuối và nghe anh nói về đời mình.
Anh Nam, trong thời gian quen biết, tôi đã không dám nói chuyện với anh nhiều về thi ca hay văn học, nhưng chúng tôi đã nói chuyện với nhau nhiều về khoa học. Chúng ta cũng biết khoa học như Big Bang đã không thể trả lời cho nguyên nhân sự sống cũng như cơ duyên của mỗi chúng ta, và vật lý của Big Bang cũng đã bị bế tắc ở thời điểm bức tường Planck. Tôn giáo, cứu rỗi vạn vật và nhân loại, cũng khiến chúng ta mù mờ và vô minh ở nguồn gốc tột cùng của khởi nguyên, nhưng đã nhấn mạnh về tương duyên tương sinh, về nhân quả, và tôi đã rất biết ơn những cái cơ duyên khó hiểu kể trên đã khiến cho tôi được quen biết anh, một con người tài hoa, hiền hòa, nhân hậu. Giờ đây, anh đã thanh thản ra đi, có lẽ anh đã như Mai Thảo :
Thế giới có triệu điều không hiểu.
Càng hiểu không ra lúc cuối đời
Chẳng sao, lúc đã nằm trong đất.
Đọc ở sao trời sẽ hiểu thôi.
Anh đã hiểu được vũ trụ cũng như sự sống và sự chết. Chắc anh đang mỉm cười nhớ tới những kẻ đang còn sống ở cõi hệ lụy này.