Tổng thư ký Jérôme Valcke bị đình chỉ công tác
Tổng thư ký Jérôme Valcke, lãnh đạo cao cấp thứ hai của FIFA, vừa bị đình chỉ công tác để bị điều tra về những cáo buộc tham nhũng liên quan đến vé World Cup chợ đen. Cơ quan quản lý bóng đá quốc tế loan báo diễn biến mới nhất của vụ bê bối tham nhũng trong hiệp hội thể thao này hôm thứ Năm.
Thông báo ngắn đăng trên trang web của FIFA nói rằng ông Valcke bị tạm ngưng công tác với hiệu lực tức thời và FIFA "nhận được nhiều tố cáo liên quan đến ông Tổng thư ký FIFA, và vừa yêu cầu Ủy ban Đạo đức FIFA mở cuộc điều tra chính thức."
Ông Valcke làm tổng thư ký của FIFA 8 năm qua, đặc biệt ông giữ vai trò "phó lãnh đạo" kế cận ông chủ tịch Sepp Blatter, người đã tuyên bố sẽ thôi chức hồi đầu tháng 6 tiếp theo sau hàng loạt cuộc điều tra tham nhũng nhắm vào các quan chức lãnh đạo của cơ quan bóng đá quốc tế này.
Ông Valcke trước đó phủ nhận mọi hành vi sai trái. Tố cáo mới nhất là từ ông Benny Alon, một cựu cầu thủ bóng đá và sau đó làm tư vấn trong một thời gian dài liên quan đến việc bán vé và các "tour trọn gói" cho các sự kiện cao cấp nhất của môn thể thao do FIFA quản lý.
Ông Alon tố cáo ông Valcke trực tiếp tham gia và lấy tiền chênh lệch từ việc bán vé xem các World Cup với giá cao hơn mệnh giá chính thức nhiều lần. Ông Alon và các đồng sự còn tố cáo ông Valcke không tuân thủ thỏa thuận ký với công ty của ông Alon về quyền phân phối vé World Cup 2014, khiến công ty của ông Alon bị thiệt hại tài chánh.
Ông Alon đưa ra những tố cáo vừa nêu, cùng với những cáo buộc khác nữa, tại cuộc họp báo ở Zurich hôm thứ Năm, trong đó ông nói là ông và các đồng sự cho các hãng truyền thông xem các tài liệu liên lạc liên quan đến những tố cáo này giữa ông và ông Valcke.
"Ông Jérôme Valcke dứt khoác bác bỏ các cáo buộc bịa đặt và xúc phạm đó của ông Benny Alon," luật sư của ông Valcke viết trong một thông báo hôm thứ Năm. "Ông Valcke chưa bao giờ nhận hay đồng ý nhận tiền hay bất cứ thứ gì có giá trị từ ông Alon."
"FIFA ký thỏa thuận với công ty JB Sports Marketing của ông Alon. Thỏa thuận đó và những giao dịch khác của FIFA với ông Alon được các cố vấn pháp lý của FIFA xem xét kỹ lưỡng và chấp thuận."
Ông Valcke là "giới chức cấp cao không được nêu tên của FIFA " trong cáo trạng 162 trang của Bộ Tư pháp Mỹ mà các công tố viên nói rằng đã cho phép chuyển 10 triệu đôla vào năm 2008 – tức là vụ hối lộ trọng điểm của vụ án tham nhũng FIFA này.
Ông Valcke trước đó bác bỏ mọi dính líu trong vụ này. Cho đến tháng 6, ông mới nhận đã ra lệnh chuyển số tiền đó, nhưng ông nhất mực nói rằng ông không làm gì sai.
Sẽ có thêm người bị truy tố
Mới hôm thứ Hai trước đó, FIFA và ông chủ tịch đang rối bời chịu thêm áp lực khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch đưa ra dự đoán về một đợt truy tố mới trong cuộc điều tra mở rộng vụ tham nhũng trong bóng đá quốc tế.
Bộ trưởng Lynch không nói trực tiếp liệu chủ tịch sắp rời chức của FIFA, ông Blatter, có là một mục tiêu nhắm đến kế tiếp trong cuộc điều tra tham nhũng của FIFA hay không, nhưng bà nói rằng sẽ có thêm "các cá nhân và pháp nhân" bị truy tố, nhưng bà không bình luận về một cá nhân hay tổ chức cụ thể nào.
Tại cuộc họp báo hồi đầu tuần này ở Zurich, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Lynch và người tương nhiệm Thụy Sĩ Michael Lauber đã cập nhật một số thông tin liên quan đến các cuộc điều tra về những tai tiếng tham nhũng trong cơ quan quản lý bóng đá quốc tế.
Kể từ cuộc họp báo ngày 27 tháng 5 của Bộ Tư pháp Mỹ tiếp theo sau vụ 14 quan chức FIFA và các nhà quản lý tiếp thị thể thao bị truy tố tội hối lộ và tham nhũng, bà Lynch cho biết phạm vi của cuộc điều tra đang được tích cực thực hiện không giới hạn.
Bộ trưởng Lynch nói với các phóng viên báo chí rằng 3 bị cáo chờ ra tòa tại Mỹ, 10 bị cáo đang chờ hoặc chống các thủ tục dẫn độ từ Thụy Sĩ và 3 nước khác sang Mỹ. Bà Lynch nói thêm rằng "hy vọng là tất cả những người bị truy tố hồi tháng 5 sẽ bị đưa ra tòa ở Mỹ."
Khi được hỏi liệu ông Blatter có là một mục tiêu của cuộc điều tra hay không, bà Lynch nói bà không bình luận về "cá nhân cụ thể nào sẽ là đối tượng hoặc sẽ không là đối tượng của các truy tố sắp tới."
Khi được hỏi liệu ông Blatter có bị bắt khi du hành đến Mỹ hoặc một nước quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Bộ trưởng Lynch nói "Tôi không biết được thông tin về kế hoạch du hành của ông Blatter."
Nói về các cuộc điều tra mà giới hữu trách Thụy Sĩ đang thực hiện liên quan đến các tố cáo trong việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 cho Nga và World Cup 2022 cho Qatar vào tháng 12 năm 2010, Bộ trưởng Lauber của Thụy Sĩ nói rằng giới hữu trách liên bang đã phong tỏa một số tài sản trên núi Alps, và thu giữ một số bằng chứng trong một vụ khám xét nhà ở miền tây Thụy Sĩ.
Tính đến thời điểm này, 121 tài khoản ngân hàng đã bị đơn vị tình báo tài chánh của Thụy Sĩ nghi ngờ, theo dõi và báo cáo cho cơ quan điều tra.
Ông Lauber nói còn quá sớm, chưa thể đưa ra những có số cụ thể của các tài sản bị phong tỏa.
Nhưng giới chức Thụy Sĩ này cũng cho hay rằng một khối lượng dữ liệu điện toán khổng lồ (11 terabyte) đã bị cơ quan điều tra phong tỏa. Ông Lauber nói: "Tôi xin cam đoan với qúy vị rằng chúng tôi biết rõ công chúng rất quan tâm đến cuộc điều tra này. Và rõ ràng là chúng tôi chưa đấu xong hiệp một."
Ông Lauber cũng cho biết thêm rằng giới hữu trách Thụy Sĩ đang tìm mọi cách đẩy nhanh tốc độc của vụ này. Ông nói: "Hy vọng rằng các bên liên quan sẽ hợp tác tích cực hơn nữa," nhưng ông không cho biết chi tiết cụ thể.
Nhiều hợp đồng tài chánh của FIFA trong 17 năm ông Blatter làm chủ tịch dường như đang mở ra cho các nhà điều tra Thụy Sĩ.
Trước đó, cựu cố vấn chống tham nhũng của FIFA, ông Mark Pieth, một giáo sư về luật hình sự Thụy Sĩ nói rằng ông Blatter có thể bị truy tố tội biển thủ trong vụ ký hợp đồng năm 2005. Phó chủ tịch FIFA lúc đó là ông Jack Warner bị cáo buộc biển thủ nhiều triệu đôla từ các hợp đồng phụ bản quyền truyền hình các vòng chung kết năm 2010 và 2014 với giá trên giấy tờ chỉ có 600.000 đôla.
Hôm thứ Năm, nhà chức trách Thụy Sĩ đã thông qua lệnh dẫn độ ông Eugenio Figueredo, cựu quan chức FIFA bị bắt ở Zurich sang Mỹ.
Ông Figueredo, quốc tịch Uruguay, là cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Mỹ và là cựu chủ tịch FIFA. Ông là một trong 7 giới chức bóng đá bị bắt ở Zurich hôm 27 tháng 5.
Ông Figueredo có 30 ngày để chống lại quyết định dẫn độ của Bộ Tư pháp Thụy Sĩ, và 5 ngày để xác nhận sẽ tuân theo lệnh dẫn độ.
Trong 7 quan chức bị bắt ở Zurich này, cựu phó chủ tịch FIFA Jeffrey Webb hồi tháng 7 chịu bị dẫn độ sang New York. Ở đó ông đã tuyên bố vô tội và được đóng tiền thế chân để tại ngoại hầu tra.
Mỹ truy tố ông Figueredo nhận hối lộ nhiều triệu đôla từ một công ty kinh doanh thể thao của Uruguay liên quan đến việc bán bản quyền truyền hình các giải vô địch bóng đá Nam Mỹ vào các năm 2015, 2016, 2019 và 2023.
Ông Figueredo cũng bị truy tố gian lận trong việc nhập quốc tịch Mỹ bằng việc nộp các hộ sơ y tế giả mạo vào năm 2005 và 2006, theo loan báo của Bộ Tư pháp Thụy Sĩ.
Cơ quan Thụy Sĩ này ra quyết định rằng việc dẫn độ ông Figueredo có thể thực hiện được, vì tội danh đó cũng bị xử phạt theo luật Thụy Sĩ.
Bộ Tư pháp Mỹ hồi tháng trước còn đề nghị Thụy Sĩ ưu tiên cho yêu cầu dẫn độ của Mỹ cao hơn của Nicaragua đối với ông Julio Rocha, cựu quan chức FIFA bị bắt cùng đợt với ông Figueredo.
(Sources: WFI, CBS)