Nhà lãnh đạo số 2 của Trung Quốc hôm 5/3 đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế lành mạnh và cam kết đưa đất nước tới tự chủ về công nghệ trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang với Mỹ và châu Âu về các vấn đề thương mại và nhân quyền.
Trong bài phát biểu trước Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc hôm 5/3, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Đảng Cộng sản Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng "hơn 6%", giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Một quan chức khác công bố kế hoạch thắt chặt quyền kiểm soát đối với Hong Kong bằng cách giảm vai trò của công chúng trong chính phủ.
Khoảng 3.000 đại biểu dự kỳ họp thường niên của quốc hội Trung Quốc, sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm, trong tình trạng an ninh nghiêm ngặt, và các biện pháp chặt chẽ chống virus.
Hội nghị này đã được cắt ngắn từ hai tuần xuống còn một tuần do đại dịch.
Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chuyển hướng để trở lại với mục tiêu dài hạn là trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông, xe hơi điện và các công nghệ sinh lời khác.
Mục tiêu này đang làm tăng căng thẳng thương mại với Washington và châu Âu, vốn phàn nàn về các chiến thuật của Bắc Kinh, vi phạm các cam kết sẽ mở cửa thị trường, gây bất lợi các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Ông Lý Khắc Cường cam kết sẽ đạt tiến bộ trong việc giảm thiểu lượng khí thải carbon do biến đổi khí hậu, một bước để giữ cam kết mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã đưa ra hồi năm ngoái, rằng Trung Quốc sẽ đạt mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2060. Nhưng ông tránh các mục tiêu quyết liệt hơn có thể tác động tới tăng trưởng kinh tế.
Kỳ họp của Quốc hội Trung Quốc tập trung vào các vấn đề nội địa nhưng lại bị chi phối bởi các vấn đề địa chính trị giữa lúc chính quyền của ông Tập theo đuổi các chính sách chiến lược và thương mại quyết đoán hơn, đồng thời vấp phải sự chỉ trích về cách đối xử với Hong Kong và các dân tộc thiểu số.
Đảng cầm quyền tăng gấp đôi nỗ lực trấn dẹp bất đồng giữa lúc ông Tập cố củng cố hình ảnh của mình như một nhà lãnh đạo làm nên lịch sử, giành lại vị trí xứng đáng của Trung Quốc trong tư cách một cường quốc toàn cầu.
Phó chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Vương Thần (Wang Chen), cho biết Ủy ban bầu cử Hong Kong do các doanh nhân và các nhân vật thân Bắc Kinh khác chi phối sẽ có vai trò lớn hơn trong việc lựa chọn nhân sự cho cơ quan lập pháp Hong Kong. Một phát ngôn viên của cơ quan lập pháp hôm thứ Năm cho biết Bắc Kinh muốn “những người yêu nước cai trị Hong Kong”, làm dấy lên lo ngại rằng những tiếng nói đối lập sẽ bị loại ra khỏi tiến trình chính trị.
Ông Lý nói Bắc Kinh muốn "bảo vệ an ninh quốc gia" ở Hong Kong.
Cũng hôm thứ Sáu 5/3, Bắc Kinh loan báo tăng chi tiêu quốc phòng 6,8% lên 1,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (217 tỷ USD) trong bối cảnh tranh chấp lãnh thổ với Ấn Độ và các nước láng giềng khác, cũng như tham vọng của Trung Quốc sẽ ngang hàng với Mỹ và Nga về công nghệ tên lửa, máy bay chiến đấu tàng hình và các loại vũ khí khác.
Các nhà phân tích nước ngoài cho biết tổng chi tiêu quân sự của Trung Quốc cao hơn tới 40% so với con số chính thức được báo cáo, cao thứ nhì thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.
Ông Lý hứa sẽ "làm việc nhanh hơn" để phát triển năng lực công nghệ được các lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc coi là con đường dẫn đến thịnh vượng, tự chủ chiến lược và ảnh hưởng toàn cầu.
Về vấn đề Đài Loan, ông Lý lặp lại cam kết sẽ thúc đẩy “tăng quan hệ hòa bình” với Đài Loan nhưng không loan báo bất cứ sáng kiến nào đối với đảo quốc tự trị này.
Bắc Kinh tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc và đe dọa sẽ xâm chiếm đảo quốc này, nếu Đài Loan tuyên bố độc lập trên thực tế.
Ông Lý tuyên bố Trung Hoa đại lục “kiên quyết ngăn chặn” bất kỳ hành động nào đòi độc lập cho Đài Loan.