Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đang trên đường tiến đến chiến tranh trong tình hình căng thẳng đang tăng cao trên Bán đảo Triều Tiên. Ông cũng kêu gọi hai bên có những biện pháp hạ giảm căng thẳng.
Trong lúc Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo về điều mà ông gọi là “một cuộc khủng hoảng đang hiện ra,” các nhà phân tích nói phát biểu của ông cho thấy rõ Bắc Kinh đã mất dần ảnh hưởng đối với Bình Nhưỡng và các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên.
Nói chuyện với các phóng viên báo chí bên lề hội nghị chính trị cấp cao thường niên, Ngoại trưởng Vương Nghị chỉ trích Bình Nhưỡng bất chấp các lệnh chế tài quốc tế và phản đối các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bắc Hàn. Ông cũng chỉ trích các cuộc thao dượt quân sự quy mô lớn của Mỹ và Hàn Quốc góp phần làm căng thẳng leo thang:
"Hai bên hiện nay giống như hai đoàn tàu tăng tốc độ lao vào nhau mà không bên nào chịu nhường đường. Câu hỏi đặt ra là hai bên có thực sự sẵn sàng lao thẳng đầu vào nhau không?"
Ngoại trưởng Vương Nghị kêu gọi Bắc Triều Tiên trước tiên cần phải ngưng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa, còn Mỹ cần phải ngưng các cuộc tập trận ở Nam Triều Tiên.
Ông nói: “Bên này ngưng lại để bên kia ngưng theo có thể giúp chúng ta phá được thế bế tắt an ninh và mang các bên trở lại bàn đàm phán.”
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Vương cũng đồng thời tìm cách tách Bắc Kinh ra khỏi cuộc tranh chấp đang tiếp diễn. Ông lập luận rằng vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên chủ yếu là giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ.
Quan hệ Trung-Triều ‘môi hở, răng lạnh’
Ngoại trưởng Vương phát biểu như vậy cho dù ông nói rằng vai trò của Trung Quốc là đặc biệt không thể thiếu được vì các mối quan hệ Trung-Triều là “môi hở, răng lạnh.”
Các nhà phân tích nói rằng những lời kêu gọi quay trở lại bàn đàm phán là giả dối, bởi vì Bắc Hàn đã nhiều lần cho thấy họ không sẵn lòng làm điều đó.
Hôm thứ Hai, Bắc Triều Tiên đã phóng bốn phi đạn vào vùng biển ở tây bắc Nhật Bản. Đây là vụ mới nhất trong loạt thử nghiệm hạt nhân và phi đạn đạn đạo diễn ra trong vài tháng gần đây, bất chấp các nghị quyết của Liên hiệp quốc. Đáp lại, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cảnh cáo rằng hành động đe dọa của Bắc Triều Tiên đã tiến lên một “giai đoạn mới.”
Giáo sư Mohan Malik của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu bình luận rằng mặc dù Bắc Kinh mô tả mối quan hệ với Bắc Hàn là môi hở, răng lạnh, “thực tế khó khăn hiện nay là răng của Bình Nhưỡng đã sắc nhọn hơn, còn môi của Bắc Kinh đã bị chảy máu.”
Trong email trả lời đài VOA, Giáo sư Malik nói rằng sau vụ ám sát anh cùng cha khác mẹ với lãnh tụ Kim Jong Un là ông Kim Jong Nam, người được Bắc Kinh bảo vệ, quan hệ chính trị giữa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đang ở vào một điểm thấp.
Giáo sư Malik nói: “Ông Kim Jong Un là lãnh tụ Bắc Triều Tiên đầu tiên chưa về ‘chầu’ Bắc Kinh. Ưu tiên lâu nay của Trung Quốc trên Bán đảo Triều Tiên vẫn là không có bất ổn, không có chiến tranh, và không có hạt nhân – theo thứ tự đó.”
Lá chắn phi đạn THAAD gây tranh cãi
Trung Quốc không chỉ mất kiểm soát đối với Bắc Triều Tiên. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Hàn Quốc cũng giảm xuống trong bối cảnh Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD tại Nam Triều Tiên.
Bộ trưởng Vương Nghị hôm thứ Tư lập lại thái độ kiên quyết phản đối việc triển khai THAAD ở Hàn Quốc và kêu gọi Seoul phải ngưng việc triển khai hệ thống vũ khí này lại, và cảnh báo rằng động thái đó “không phải là cách hành xử của những người láng giềng với nhau.” Bắc Kinh lập luận rằng hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD là một mối đe dọa đối với an ninh của Trung Quốc.
Giáo sư Ding Xueliang của đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông nhận định rằng ngoài những biện pháp trả đũa kinh tế mà Trung Quốc áp dụng đối với Hàn Quốc vì quyết định của Seoul thiết đặt hệ thống phòng thủ phi đạn, Bắc Kinh thực tế không làm gì được nhiều hơn để buộc Nam Triều Tiên rút lại quyết định đó.”
"Hàn Quốc trước đây vẫn xem Trung Quốc là nước duy nhất có thể dùng ảnh hưởng để tác động lên Bình Nhưỡng, nhưng sau quá nhiều năm và quá nhiều nỗ lực đặt vào tiến trình đàm phán 6 bên, Bắc Triều Tiên vẫn tự tung tự tác, muốn làm gì thì làm."
Nam Triều Tiên hết sức thất vọng sau quá nhiều năm. Seoul đi đến kết luận rằng cho dù Trung Quốc có cực lực chống đối hệ thống phi đạn THAAD đến đâu đi nữa, họ vẫn quyết định triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn này.”
Bắc Triều Tiên càng bị cô lập
Là một trong số rất ít quốc gia ủng hộ nước Bắc Triều Tiên bị cô lập, Trung Quốc lâu nay được cộng đồng quốc tế trông chờ sẽ giúp hạ giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Nhưng Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ đề nghị của các nước chẳng hạn như Hoa Kỳ và một số nước khác rằng Trung Quốc có thể làm nhiều hơn nữa trong vai trò đó.
Các nhà phân tích nói thái độ bất thường của Bắc Triều Tiên trong vài tháng qua càng gây khó khăn hơn cho bất cứ nước nào muốn nói chuyện với Bình Nhưỡng.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không thể nào thay đổi được tình thế.
Giáo sư Mohan Malik tin rằng sớm muộn gì cũng sẽ có thay đổi.
Giáo sư Malik nhận định: “Tôi cho rằng Trung Quốc, hơn bất cứ một nước nào khác, chú ý đến Bình Nhưỡng nhiều nhất, và Quân đội Giải phóng Trung Quốc chuẩn bị sẵn sàng hơn bất cứ quân đội của nước nào khác để thiết lập một chế độ thân Bắc Kinh trong trường hợp chế độ ở Bắc Triều Tiên bị sụp đổ, và Trung Quốc sẽ nỗ lực thắng cuộc chiến Triều Tiên để thiết lập uy quyền trên bán đảo này.”
Giáo sư Oh Ei Sun, chuyên gia của khoa nghiên cứu quốc tế của Trường S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định rằng trong bối cảnh Tổng thống Trump là người luôn có những quyết định khó dự đoán và tự coi mình là một người giỏi thương lượng, Bán đảo Triều Tiên có thể sẽ không dễ trở nên hấp dẫn như Trung Quốc mong chờ.
"Vào thời điểm này, chúng ta có thể xem tình hình giữa Bắc Triều Tiên và Mỹ là rất căng thẳng, nhưng có thể chúng ta không đoán được Tổng thống Trump sẽ phản ứng thế nào. Không chừng ông ấy có thể quyết định nói chuyện với Bắc Triều Tiên. Thực sự là không thể dự đoán được ở cả hai bên và không nhất thiết hai đoàn tàu sẽ thực sự chuẩn bị đâm đầu vào nhau."