Các thành viên còn lại của Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang soạn thảo một thông cáo chung để tái khẳng định cam kết của họ, bất chấp Hoa Kỳ đã rút ra khỏi hiệp định thương mại này, theo Reuters trích dẫn các nguồn tin thân cận với cuộc đàm phán.
Các cuộc thảo luận diễn ra bên lề hội nghị APEC, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra ở Hà Nội, hội nghị thương mại lớn nhất kể từ khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump làm đảo lộn trật tự thế giới với chính sách “Nước Mỹ trên hết” của ông.
Các viễn kiến khác biệt được nêu bật tại hội nghị APEC tuần này, nơi quy tụ các ngoại trưởng đến từ các nước có chân trong khối mà tổng cộng, chiếm tới hơn 40% thương mại toàn cầu.
Việt Nam có lẽ sẽ muốn đàm phán lại các yêu cầu về cải tổ lao động và quyền sở hữu trí tuệ nếu không có Mỹ.Reuters trích lời một quan chức Việt Nam
Trong khi tân Đại diện Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, đàm phán song phương với các quốc gia quan trọng, Trung Quốc tìm cách thúc đẩy hiệp định thương mại châu Á theo phong cách của họ, đưa Trung Quốc vào vị thế quốc gia hàng đầu bảo vệ thương mại tự do toàn cầu.
Nhật Bản thì tiếp tục dẫn đầu các quốc gia vẫn muốn tiến hành hiệp định thương mại TPP toàn diện hơn, một hiệp định thương mại không có Trung Quốc mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã loại bỏ ngay trong những ngày đầu nhậm chức.
Những nguồn tin thân cận với các cuộc đàm phán ở Hà Nội cho biết 11 nước thành viên còn lại của hiệp định thương mại, nay được gọi là TPP-11, đang chuẩn bị ra thông cáo chung vào ngày chủ nhật tới đây, để loan báo ý định tiếp tục tiến hành TPP.
Một nguồn tin không cho biết tên nói với Reuters rằng thông cáo chung sẽ có 2 điểm chính: “1. Nhắm mục tiêu đưa TPP-11 sớm có hiệu lực; 2. Chuẩn bị tinh thần cho tình huống một nước tham gia có thể rút lui.”
Dự kiến TPP-11 sẽ có hiệu lực vào năm sau.
Trong số những thách thức của TPP-11 là làm cách nào giữ Việt Nam và Malaysia trong nhóm. Cả 2 nước này là những nước hưởng lợi nhiều nhất từ TPP, nếu có sự tham gia của Hoa Kỳ.
Việt Nam có lẽ sẽ muốn đàm phán lại các yêu cầu về cải tổ lao động và quyền sở hữu trí tuệ nếu không có Mỹ, theo một giới chức Việt Nam không muốn nêu danh tính.
Nhật Bản vẫn hy vọng rằng Mỹ sẽ thay đổi ý định và quay lại với hiệp định này.
Tuy nhiên đối với Hoa Kỳ, tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đang là một ưu tiên lớn hơn.
Đại diện thương mại Mỹ Lighthizer sẽ mở các cuộc họp song phương ở Hà Nội để chính thức tiếp xúc với các quan chức thương mại quan trọng. Theo các giới chức Mỹ, gần như toàn bộ 20 thành viên khác của APEC đã yêu cần gặp song phương với đoàn Hoa Kỳ.
Tổng thống Trump muốn đàm phán lại một hiệp định thương mại song phương với các nước chủ chốt như Trung Quốc, Nhật và Hàn Quốc. Canada và Mexico cũng có mặt tại các cuộc họp của APEC và cũng là thành viên của hiệp định thương mại Bắc Mỹ.
Trong các cuộc họp khác bên lề APEC, Trung Quốc sẽ thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do họ đề xuất.
Hiệp định thương mại tự do này không bao gồm nhiều lĩnh vực như TPP, hay đòi hỏi những yêu cầu khắt khe như bảo vệ quyền về sở hữu trí tuệ, và bảo vệ người lao động hay môi trường.
Những nghi vấn quanh TPP sau khi Mỹ rút lui đã giúp Trung Quốc đẩy mạnh hơn các cuộc thảo luận về RCEP, mà các thành viên hy vọng sẽ hoàn tất trước cuối năm nay.
Tuy nhiên, các quan chức nói vẫn còn những điểm bất đồng lớn trong các cuộc thảo luận giữa các quốc gia Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Úc, New Zealand, Nhật và Hàn Quốc. Hoa Kỳ hoàn toàn đứng ngoài các cuộc thảo luận này.
Your browser doesn’t support HTML5