Hôm 23/7, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quyết định áp dụng thêm một số biện pháp mạnh hơn để chống dịch và gia hạn giãn cách xã hội thêm 8 ngày, giữa lúc số ca nhiễm COVID-19 gần đến ngưỡng 50.000.
Trong lúc đó, một số đại biểu quốc hội của thành phố đang nhóm họp tại Hà Nội đề xuất ban bố trình trạng khẩn cấp, nhưng dường như đề xuất này chưa được thống nhất xem xét.
Truyền thông nhà nước loan tin rằng chính quyền thành phố sẽ siết chặt việc quản lý ở các khu phong tỏa với mục tiêu tiên quyết không để xảy ra lây nhiễm chéo trong các khu vực này, trong khi các địa phương được yêu cầu “thật quyết liệt” trong kiểm tra, giám sát người dân thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị 16, vốn đã được áp dụng trong hai tuần qua.
Một chỉ thị “khẩn” của thành ủy ngày 22/7 nêu rõ mục tiêu: “Phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch, giữ vững mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao.”
Theo đó, các nhóm đối tượng hoạt động trong thời gian thực hiện cách ly toàn thành phố sẽ bị thu hẹp, dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh không cấp thiết, và siết chặt hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với hơn 3 ngàn khu vực phong tỏa, người dân chỉ được phép ra ngoài khi đi cấp cứu y tế và chỉ được mua thức ăn 2 lần/tuần, và sử dụng phiếu đi chợ/siêu thị do chính quyền cấp. Tại các khu vực có nguy cơ rất cao này, người dân phải ở trong nhà, các nhu yếu phẩm sẽ do chính quyền mang đến.
Your browser doesn’t support HTML5
Ông Nguyễn Văn Đường, một người dân ở quận Bình Chánh, nói với VOA:
“Không cho đi lại thì làm sao làm ăn gì được. Nay thì giãn cách xã hội gia hạn đến này 1/8.”
“Các nước cũng thực hiện cách này, nhưng không căng như ở Việt Nam!”
“Ở đây chủ yếu là người dân giúp người dân. Tôi thấy một số nhà từ thiện giúp dân, chở thức ăn bằng xe ba gác cho dân mà dân giành giật nhau khủng khiếp lắm. Thấy tội lắm, nói chung do họ đói!”
Ngày 23/7, hàng chục xe đặc chủng của Quân khu 7 được huy động để phun 6 tấn hóa chất khử trùng toàn Tp. HCM, theo trang VNExpress.
Tính đến sáng ngày 23/7, thành phố có thêm 3.302 bệnh nhân mắc Covid-19, nâng tổng số ca lên 48.863, theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam. Chỉ riêng ngày 22/7, thành phố ghi nhận con số kỷ lục 4.218 trường hợp mắc mới.
XEM THÊM: TP HCM tổ chức tiêm vắc-xin đợt 5Chiều 22/7, khi thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội, đề cập đến cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan thuộc đoàn Đại biểu Quốc hội của TP.HCM nhận định, cần có những quy định đặc biệt cho tình trạng khẩn cấp, theo trang VietnamNet.
“Tình trạng quá tải, thiếu thốn trang thiết bị là một thực tế”, bà Phong Lan nói.
Trong khi đó một đại biểu khác là ông Trần Hoàng Ngân nói “rất đau buồn” khi TP.HCM đã có hàng trăm ca tử vong vì Covid-19.
Tương tự, ông Nguyễn Tâm Hùng, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết với tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là ở các tỉnh phía Nam, Chính phủ nên nghiên cứu, đề xuất Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh.
Tuy nhiên, chiều 23/7 trang Tiền Phong loan tin rằng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội sẽ không ban hành một nghị quyết riêng về phòng, chống dịch COVID – 19, nhưng sẽ “báo cáo Quốc hội bổ sung chương trình Kỳ họp thứ Nhất về nội dung này.”