Thương hiệu xe hơi Toyota là một biểu tượng tại Nhật Bản. Sự thành công của thương hiệu này trên toàn cầu là một nguồn tự hào của người Nhật. Vì thế, hồi tháng trước, khi nhà sản xuất xe hơi này loan báo kế hoạch ngưng bán hằng triệu xe hơi ăn khách nhất của họ tại Hoa Kỳ và Châu Âu vì những khuyết điểm của bàn đạp tăng tốc, thì người Nhật rất quan tâm. Khi công ty này mở rộng việc thâu hồi các kiểu xe của họ tại Nhật Bản thì phản ứng của công chúng là cực kỳ thất vọng.
Một người Nhật ở Tokyo nói rằng, từ bao lâu nay “Cách làm ăn của Toyota” đã được coi như tiêu chuẩn vàng tại Nhật Bản. Giờ đây công chúng sẽ thắc mắc khẩu hiệu vừa kể có ý nghĩa gì.
Toyota được thành lập vào đầu thập niên 1930 nhưng sự thành công thật sự chỉ diễn ra sau Thế Chiến Thứ Hai, khi hãng triển khai một cách điều hành gọi là “Hệ Thống Sản Xuất Toyota.” Hệ thống này chú trọng vào từ mà họ gọi là “kaizen” hay là tiếp tục cải tiến. Hệ thống này đòi hỏi sự mềm dẻo trong phương pháp sản xuất giây chuyền, và buộc những khuyết điểm phải được sửa chữa ngay khi phát hiện được để tránh lập lại những sai lầm.
Phẩm chất và độ tin cậy đã trở thành mục tiêu chính để tranh thủ thị trường của Toyota. Nhưng với những khuyết điểm của thắng xe, bàn đạp tăng tốc bị kẹt và thảm sàn xe bị sút ra, buộc phải thâu hồi các xe Toyota trên khắp thế giới, đã khiến danh tiếng đó sút giảm mau chóng.
Giáo sư Jeff Kingston dạy môn lịch sử Nhật Bản hiện đại tại trường Đại Học Temple của Mỹ, có chi nhánh ở Tokyo nói rằng công ty này không còn được như trước nữa.
Ông nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng, công ty này đã trở thành tự mãn, ngủ yên trên danh vọng. Tôi nghĩ rằng hệ thống điều hành của họ đã lỗi thời. Chúng ta đã thấy việc đưa ra quyết định của họ chậm chạp như thế nào.”
Phải mất nhiều tuần lễ Chủ tịch Công ty Toyota, ông Akio Toyada, mới công khai lên tiếng về việc thâu hồi. Khi mở một cuộc họp báo, ông đã xin lỗi về “những bất tiện mà khách hàng gặp phải.” Ông cũng đã bày tỏ quyết tâm là “gia tăng gấp đôi nỗ lực của công ty để duy trì phẩm chất.”
Giáo sư Kingston nói: “Chỉ xin lỗi thôi thì chưa đủ. Hãng Toyota đã không đáp ứng được những tiêu chuẩn quốc tế và cũng không đáp ứng được những kỳ vọng của người Nhật.”
Những khó khăn của Toyota đã diễn ra giữa lúc ngày càng có nhiều lời phàn nàn, nhiều tai nạn, nhiều vụ thâu hồi và nhiều khó khăn về tài chánh của những công ty Nhật Bản hàng đầu. Các lời phàn nàn có nhiều thêm, một phần là do kết quả của đạo luật mới đòi hỏi các công ty Nhật phải báo cáo những tai nạn nghiêm trọng liên quan tới sản phẩm của họ.
Những phúc trình của chính phủ cũng cho biết số xe bị thâu hồi trong nước cũng gia tăng gấp đôi giữa từ năm 2004 tới năm 2008, so với 5 năm trước.
Tuần vừa qua, hãng xe hơi Honda cũng thâu hồi hơn 400 ngàn xe trên khắp thế giới vì túi hơi có khuyết điểm.
Ông Yukio Noguchi, giáo sư môn tài chính tại trường Đại học Waseda có nhận xét: “Các vấn đề của Toyota là dấu hiệu của bệnh kiêu ngạo, sau nhiều năm thành công. Tuy nhiên, đây là một vấn đề cá biệt, do đó chúng ta không nên kết luận rằng tất cả các công ty của Nhật đều như vậy.”
Toyota đang tìm cách phục hồi uy tín bằng một chiến dịch lớn. Nhiều tờ báo ở Mỹ đã đăng những quảng cáo nguyên trang, và nhiều đài truyền hình ở Mỹ đã cho phát những quảng cáo dài, qua đó Toyota hứa hẹn sẽ đặt chất lượng và khách hàng lên trên hết.
Nhưng ông Kingston nói rằng Toyota cần phải làm hơn thế nữa, có nghĩa là phải minh bạch hơn, dễ quy trách hơn, và chú ý đến quyền lợi của khách hàng nhiều hơn.
Ông nói tiếp: “Toyota nên nhìn 5 công ty ôtô của Nam Triều Tiên xem họ làm ăn như thế nào, 5 công ty ôtô đó đã điều hành như thế nào để có tính cạnh tranh. Nhật Bản cần lấy lại tính cạnh tranh đó, và cần lấy lại một cách nhanh chóng.”