Lãnh đạo NATO thăm Kyiv, ủng hộ cuộc kháng chiến của Ukraine

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thăm Kyiv.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg thăm Kyiv.

Người đứng đầu NATO Jens Stoltenberg đến thăm Kyiv hôm thứ Năm 20/4, lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc xâm lược toàn diện của Nga. Chuyến thăm cho thấy khối liên minh quân sự ủng hộ Ukraine khi nước này chuẩn bị tiến hành phản công.

Mở đầu chuyến thăm, ông Stoltenberg đặt vòng hoa tưởng niệm những người lính Ukraine hy sinh khi chiến đấu chống quân Nga ở miền đông đất nước và ông cũng thị sát các xe tăng, thiết giáp Nga bị thu giữ, nằm trên Quảng trường St Michael của thủ đô.

Chuyến thăm của vị tổng thư ký NATO có thể sẽ khiến Nga khó chịu, họ coi liên minh này là một khối quân sự thù địch muốn xâm phạm vào vùng mà họ coi là phạm vi ảnh hưởng của Nga và phản đối nỗ lực của Ukraine gia nhập NATO.

Điện Kremlin nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo qua điện thoại hôm 20/4 rằng một trong những mục tiêu của cái mà Moscow gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine là ngăn cản Ukraine gia nhập NATO.

"...nếu không, việc đó sẽ gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng đáng kể đối với an ninh của đất nước chúng tôi", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Ukraine, nước đã giành được độc lập, thoát khỏi Liên Xô do Moscow lãnh đạo vào năm 1991, đã tuyên bố nỗ lực trở thành thành viên NATO theo đường tắt vào tháng 9 năm ngoái sau khi Điện Kremlin tuyên bố đã sáp nhập 4 khu vực của Ukraine bị quân đội Nga chiếm đóng một phần.

Chuyến thăm của ông Stoltenberg tới Kyiv diễn ra vào một thời điểm quan trọng trong cuộc xâm lược kéo dài gần 14 tháng của Nga đã giết chết hàng nghìn người, khiến hàng triệu người mất nhà cửa, phá hủy các thành phố và tàn phá nền kinh tế Ukraine.

Sau khi trụ lại được qua chiến dịch đông-xuân của Nga, trong đó Nga chỉ có vài bước tiến nhỏ ở miền đông, giờ đây Ukraine hy vọng sẽ giành lại đất đai ở miền nam và miền đông trong một chiến dịch phản công trong vài tuần hoặc vài tháng tới.

Ông Stoltenberg bắt đầu chuyến thăm một ngày trước khi các quan chức quốc phòng NATO thảo luận về nguồn tiếp liệu quân sự mới cho Ukraine tại cuộc họp mới nhất của họ tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương đã trợ giúp Ukraine trong suốt cuộc chiến, với việc các quốc gia thành viên chuyển vũ khí đến nhưng không đưa quân chiến đấu tới. Kyiv đã nhiều lần kêu gọi các đồng minh cung cấp thêm vũ khí.

Đan Mạch và Hà Lan hôm 20/4 tuyên bố sẽ cùng nhau viện trợ 14 xe tăng Leopard 2.

Hôm 19/4, Washington công bố khoản viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu đô la, bao gồm đạn dược cho Hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), tên lửa tiên tiến và mìn chống tăng.

(Reuters)