Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres ngày 12/1 nói Triều Tiên có trách nhiệm quay trở lại các cuộc đàm phán nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, cự tuyệt yêu cầu của Trung Quốc đối với Hoa Kỳ là cần chứng tỏ sự linh hoạt.
Triều Tiên là đối tượng của các chế tài của Liên hiệp quốc kể từ năm 2006 về các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo. Cái gọi là các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa sáu bên - giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản - đã bị đình trệ vào năm 2009.
Cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump vào năm 2018 và 2019 cũng thất bại.
Kể từ đó, Trung Quốc và Nga đã thúc đẩy nới lỏng các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc vì các mục đích nhân đạo và để lôi kéo Bình Nhưỡng trở lại đàm phán.
“Chương trình vũ khí hạt nhân bất hợp pháp mà Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên theo đuổi là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu, đẩy rủi ro và căng thẳng địa chính trị lên một tầm cao mới”, ông Guterres phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an về pháp quyền, do Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi chủ tọa.
“Trách nhiệm của CHDCND Triều Tiên là tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế và quay trở lại bàn đàm phán”, ông Guterres nói.
Phái đoàn của Triều Tiên tại Liên hiệp quốc ở New York không trả lời yêu cầu bình luận về nhận xét của ông Guterres. Nhưng vào tháng 11 năm ngoái, Ngoại trưởng Triều Tiên cáo buộc ông Guterres đứng về phía Mỹ và không duy trì được sự công bằng và khách quan.
‘Các bước cụ thể’
Năm ngoái, Trung Quốc nói chìa khóa để giải quyết vấn đề chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên nằm trong tay Mỹ, đồng thời kêu gọi Washington thể hiện “sự chân thành và linh hoạt hơn” nếu muốn có một bước đột phá.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên hiệp quốc Trương Quân từ chối bình luận về nhận xét ngày 12/1 của ông Guterres.
Khi được hỏi làm thế nào có thể thuyết phục Bình Nhưỡng quay lại đàm phán, ông Trương nói với Reuters: “Chúng ta phải làm việc cùng nhau. Chúng ta phải thực sự yêu cầu các đồng nghiệp Mỹ tiến tới với những bước đi cụ thể hơn”. Ông không nói rõ đó là những bước nào.
Triều Tiên muốn lệnh trừng phạt của Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ được dỡ bỏ.
Hoa Kỳ đã nói tùy thuộc Triều Tiên có quyết định tham gia đàm phán về chương trình vũ khí hạt nhân hay không. Triều Tiên đã từ chối các yêu cầu ngoại giao của Hoa Kỳ kể từ khi Tổng thống Joe Biden kế nhiệm ông Trump vào tháng 1 năm 2021.
Triều Tiên năm ngoái đã nối lại vụ thử phi đạn đạn đạo liên lục địa lần đầu tiên kể từ năm 2017. Nước này cũng chuẩn bị mở lại địa điểm thử hạt nhân, làm dấy lên khả năng về một vụ thử bom hạt nhân mới lần đầu tiên kể từ năm 2017.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hiệp quốc, Linda Thomas-Greenfield, lên án Trung Quốc và Nga che chở cho Triều Tiên trước hành động của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc vào năm ngoái.
“CHDCND Triều Tiên rõ ràng và trắng trợn coi thường các nghĩa vụ quốc tế, nhưng những nước đang bảo vệ và tiếp tay cho CHDCND Triều Tiên cũng vậy,” bà nói với hội đồng.
Tháng 5 năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã phủ quyết một nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc đối với Triều Tiên về các vụ phóng phi đạn đạn đạo mới của nước này. Nga và Trung Quốc nói rằng việc gây thêm áp lực lên Triều Tiên sẽ không mang tính xây dựng.
“Chúng ta đã cạn kiệt các công cụ liên quan đến các biện pháp trừng phạt nhưng tình hình vẫn như thế,” ông Trương nói hôm 12/1.