Tổng thư ký LHQ, Giáo hoàng kêu gọi các quốc gia chấm dứt sử dụng mìn sát thương

Ảnh do dịch vụ báo chí của Lực lượng vũ trang Ukraine chụp và công bố vào ngày 30/10/2024, cho thấy các kỹ sư của Lữ đoàn cơ giới số 24 mang tên Vua Danylo đang trong quá trình lắp đặt mìn chống tăng dọc theo tuyến đầu ở khu vực Donetsk, trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine.

Người đứng đầu Liên hợp quốc, Giáo hoàng Phanxico và những nhà lãnh đạo khác đã kêu gọi các quốc gia chấm dứt sản xuất và sử dụng mìn sát thương, ngay cả trong bối cảnh việc sử dụng chúng trên toàn cầu ngày càng tăng.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát biểu trong một thông điệp gửi đến các đại biểu tại phiên đánh giá thứ năm về Hiệp ước quốc tế về chống mìn sát thương, còn được gọi là Công ước Ottawa, rằng 25 năm sau khi có hiệu lực, một số bên vẫn tiếp tục sử dụng mìn sát thương và một số bên đang chậm trễ trong các cam kết hủy bỏ loại vũ khí này.

"Tôi kêu gọi các quốc gia tham gia thực hiện nghĩa vụ của mình và đảm bảo tuân thủ công ước, đồng thời giải quyết các tác động về mặt nhân đạo và phát triển thông qua hỗ trợ tài chính và kỹ thuật", ông Guterres phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị ở Campuchia.

"Tôi cũng khuyến khích tất cả các quốc gia chưa tham gia công ước hãy cùng tham gia với 164 quốc gia đã làm như vậy. Một thế giới không có mìn sát thương không chỉ khả thi. Nó còn ở trong tầm tay".

Trong một tuyên bố được đọc thay mặt cho Giáo hoàng Phanxico, Hồng y Pietro Parolin cho biết rằng mìn sát thương và bẫy mìn vẫn tiếp tục được sử dụng. Ngay cả nhiều năm sau chiến sự, "những thiết bị nguy hiểm này vẫn tiếp tục gây ra đau khổ khủng khiếp cho dân thường, đặc biệt là trẻ em".

"Đức Giáo hoàng Phanxico kêu gọi tất cả các quốc gia chưa tham gia công ước này hãy tham gia và trong thời gian chờ đợi hãy ngừng ngay việc sản xuất và sử dụng mìn", ông nói.

Hiệp ước được ký kết vào năm 1997 và có hiệu lực vào năm 1999, nhưng gần ba chục quốc gia vẫn chưa tham gia, bao gồm một số quốc gia sản xuất và sử dụng mìn hiện tại và trước đây như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc và Nga.

Trong một báo cáo được Landmine Monitor công bố vào tuần trước, cơ quan quốc tế chuyên giám sát việc sử dụng mìn cho biết loại vũ khí này vẫn đang được Nga, Myanmar, Iran và Triều Tiên sử dụng tích cực vào năm 2023 và 2024. Báo cáo cũng cho biết thêm rằng các nhóm vũ trang phi nhà nước ở ít nhất năm nơi – Colombia, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan và Dải Gaza – cũng đã sử dụng mìn, và đã có những tuyên bố về việc sử dụng chúng ở hơn nửa tá quốc gia trong hoặc giáp ranh với khu vực Sahel của Châu Phi.

Theo Landmine Monitor, ít nhất 5.757 người đã thiệt mạng và bị thương do mìn và vật liệu chưa nổ vào năm ngoái, chủ yếu là dân thường, trong đó một phần ba là trẻ em.

Landmine Monitor cho biết Nga đã sử dụng mìn sát thương "một cách rộng rãi" ở Ukraine, và chỉ một tuần trước, Hoa Kỳ, quốc gia đã cung cấp cho Ukraine mìn chống tăng trong suốt cuộc chiến, đã tuyên bố sẽ bắt đầu cung cấp cho Kyiv cả mìn sát thương trong nỗ lực ngăn chặn bước tiến của Nga trên chiến trường.

"Mìn sát thương là mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu đối với dân thường", ông Guterres nói trong tuyên bố của mình. "Ngay cả sau khi chiến sự chấm dứt, những vũ khí kinh hoàng và bừa bãi này vẫn có thể tồn tại, khiến nhiều thế hệ người dân phải sống trong sợ hãi".

Người đứng đầu LHQ ca ngợi Campuchia vì những nỗ lực rà phá bom mìn quy mô lớn và vì đã chia sẻ kinh nghiệm của mình với những nước khác cũng như đóng góp vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình của LHQ.

Campuchia là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bom mìn trên thế giới sau ba thập kỷ chiến tranh và hỗn loạn kết thúc vào năm 1998, với khoảng 4 đến 6 triệu quả mìn hoặc đạn dược chưa nổ nằm rải rác khắp đất nước.

Những nỗ lực của Campuchia nhằm loại bỏ bom mìn khỏi đất nước là rất lớn và Landmine Monitor cho biết Campuchia và Croatia chiếm 75% tổng diện tích đất được rà phá bom mìn vào năm 2023, với hơn 200 km2.

Thủ tướng Hun Manet đã cùng lên tiếng kêu gọi nhiều quốc gia hơn nữa tham gia Hiệp ước cấm bom mìn và cảm ơn cộng đồng quốc tế đã hỗ trợ các nỗ lực rà phá bom mìn của Campuchia. Ông cho biết những nỗ lực này đã giảm số thương vong do bom mìn từ hơn 4.300 người vào năm 1996 xuống còn dưới 100 người mỗi năm trong thập kỷ qua.