Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma sẽ cùng dự một buổi lễ thường niên có tên gọi Buổi sáng cầu nguyện toàn quốc ngày hôm nay tại Washington, nhưng chưa rõ là hai ông có gặp nhau hay không.
Các quan chức Tòa Bạch Ốc hôm qua đã giảm bớt tầm quan trọng của những gợi ý cho rằng Tổng thống Obama sẽ công khai trao đổi với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong tại buổi lễ, một hành động được cho là sẽ khiến Trung Quốc tức giận.
Nữ phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia ra một tuyên bố hôm qua, nói rằng ông Obama là người “mạnh mẽ ủng hộ những lời thuyết giảng của đức Đạt Lai Lạt Ma và việc ông duy trì các truyền thống ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của Tây Tạng”.
Giới chức này nói thêm rằng “như Tổng thống từng làm trong quá khứ, ông sẽ gặp nhiều lãnh tụ tôn giáo tại sự kiện này, nhưng chúng tôi chưa có bất kỳ thông tin nào về các cuộc gặp gỡ cụ thể với Đức Đạt Lai Lạt Ma để thông báo”.
Tuy Đức Đạt Lai Lạt Ma thường xuyên nhấn mạnh rằng ông chỉ tìm cách đòi quyền tự trị cho Tây Tạng, Trung Quốc coi lãnh tụ tinh thần này là một phần tử ly khai nguy hiểm, và thường xuyên đả kích các nhà lãnh đạo gặp gỡ ông.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Obama đã gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma 3 lần, nhưng không có cuộc gặp nào diễn ra công khai.
Hơn 3.000 người thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau dự kiến sẽ tham gia Buổi sáng cầu nguyện toàn quốc, tập trung vào tầm quan trọng của vấn đề tự do tôn giáo.
Nhiều người Tây Tạng ở Trung Quốc cáo buộc chính phủ đàn áp tôn giáo và văn hóa của họ, trong khi người Hán chiếm đa số ở Trung Quốc tiếp tục di dân tới những vùng là nơi sinh sống truyền thống của người Tây Tạng.
Trung Quốc đã phản bác cáo buộc này, nói rằng người Tây Tạng được hưởng quyền tự do tôn giáo. Bắc Kinh cũng nhắc tới nguồn đầu tư lớn hiện có mà chính quyền này cho rằng đã giúp hiện đại hóa và nâng cao đời sống của người Tây Tạng.