Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir đã giải thể 10 tiểu bang của quốc gia non trẻ và thành lập 28 tiểu bang mới để thay thế, một động thái mà những người chỉ trích cho rằng sẽ làm suy yếu các thỏa thuận chia sẻ quyền lực được ký kết hồi tháng 8 sau cuộc nội chiến kéo dài hai năm.
Ông Kiir đã ban hành sắc lệnh trong một chương trình phát sóng khuya thứ Năm. Ông cũng chỉ định các thống đốc cho tất cả 28 tiểu bang. 7 trong số 10 thống đốc trước đây đã được tái bổ nhiệm vào các khu vực hành chính mới.
Lãnh đạo phiến quân vẫn chưa có phản ứng với hành động của tổng thống.
Hôm thứ Ba, đại diện các nhóm phiến quân và chính phủ đã gặp nhau tại Juba với hy vọng thành lập một chính phủ chuyển tiếp đoàn kết dân tộc.
Chính phủ và phe phiến quân đã tổ chức các cuộc hòa đàm thường xuyên từ ngay sau khi cuộc xung đột bắt đầu vào giữa tháng 12 năm 2013, nhưng nhiều thỏa thuận ngừng bắn đã bị vi phạm trong những năm qua.
Tổng thống Kiir và thủ lãnh phiến quân Riek Machar đã nhiều lần cáo buộc đối phương vi phạm thỏa thuận hòa bình.
Hoa Kỳ thứ Ba hoan nghênh việc trở lại đàm phán, và nói thêm rằng “nhiều quyết định quan trọng nhưng đầy khó khăn vẫn còn đó”. Washington kêu gọi cả hai bên hợp tác “trong tinh thần đoàn kết và tương nhượng” để thực hiện những cải cách đã nêu trong thỏa thuận hòa bình.
Nam Sudan là quốc gia trẻ nhất thế giới, tách khỏi Sudan để độc lập vào năm 2011. Giao tranh giữa các lực lượng chính phủ và phiến quân của ông Machar đã gây ra nhiều thảm cảnh cho thường dân.
Cả hai bên đều bị cáo buộc đã gây ra các vụ thảm sát vì lý do sắc tộc, bắt trẻ em cầm súng và giết hại trẻ em, cưỡng hiếp và tra tấn, và buộc người dân dời cư để “tẩy sạch” đối thủ tại các khu vực mà họ kiểm soát.
Cuộc chiến tranh đã giết chết hàng chục ngàn người và làm hơn 2 triệu người phải từ bỏ nhà cửa, trong khi đẩy đại đa số dân chúng vào tình trạng đói kém.