Tổng thống Mỹ hôm nay tuyên bố chấp thuận triển khai thêm 250 binh sĩ thuộc Lực lượng Đặc nhiệm tới Syria để củng cố những thắng lợi đạt được trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo. Ông Barack Obama cũng kêu gọi các đồng minh Châu Âu cùng gánh vác gánh nặng.
Trong bài diễn văn tại Đức, Tổng thống Obama cho biết lực lượng Mỹ sẽ không dẫn đầu cuộc chiến trên bộ nhưng có vai trò rất quan trọng trong việc duy trì tiến bộ đạt được trong những tháng gần đây chống lại Nhà nước Hồi giáo.
Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ không thể một mình chiến thắng trong cuộc chiến này mà phụ thuộc vào một khối EU vững mạnh chia sẻ gánh nặng vì một nền an ninh chung.
Ông Obama nhấn mạnh ‘Sự thống nhất và thịnh vượng của Châu Âu vốn đã hội nhập với Hoa Kỳ, thế giới rất cần một EU vững mạnh và đoàn kết.’
Hôm nay, Tổng thống Obama sẽ gặp các nhà lãnh đạo từ Pháp, Anh, Đức và Italy để thảo luận xem các nước có thể cùng góp phần thế nào vào cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo xét về mặt binh sĩ và hỗ trợ tài chính.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói: "Đây vẫn là một cuộc chiến khó khăn mà không ai trong chúng ta có thể tự thân một mình giải quyết".
Trước đó trong ngày, ông Obama tham quan hội chợ kỹ nghệ công nghiệp lớn nhất thế giới tại Hannover. Ông chào hàng những sáng kiến của Hoa Kỳ và kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế hơn nữa.
Phát biểu bên cạnh Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hannover Messe, ông Obama nhắc lại sự ủng hộ đối với thỏa thuận tự do thương mại quan trọng Mỹ- Đức và gọi môi trường cạnh tranh giữa doanh nghiệp đôi bên mà thỏa thuận mang lại là ‘thân thiện’ và ‘lành mạnh’.
Ông nói ‘Chúng ta sẽ thấy có thêm nhiều quan hệ đối tác, thêm thương mại, và thêm công ăn việc làm cho người dân đôi bờ Đại Tây Dương. Cả hai nước đều muốn định hình kiến tạo, muốn được nhìn về phía trước trong thế giới của ngày mai.’
Sau đôi lời phát biểu ngắn, hai nhà lãnh đạo đi tham quan hội chợ, dừng chân tại một số gian hàng của Mỹ và các công ty mới thành lập.
Hoa Kỳ và Đức là đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Lãnh đạo hai nước hy vọng chuyến thăm của ông Obama sẽ xây dựng sự hỗ trợ cho Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (T-TIP.)
Chính phủ Đức đang đẩy mạnh thỏa thuận này, nói rằng thỏa thuận sẽ thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và mang lại cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cơ hội tốt hơn để cạnh tranh trên thị trường thế giới, trong khi giảm bớt tính quan liêu.
Những người phản đối chỉ trích điều mà họ gọi là các cuộc đàm phán không rõ ràng được thực hiện tránh sự giám sát của công luận, họ e rằng hiệp ước sẽ trao quá nhiều quyền lực vào tay các công ty đa quốc khổng lồ mà người tiêu dùng và người lao động là những nạn nhân sẽ bị thiệt thòi.
Các quan chức ước tính thỏa thuận này giữa Hoa Kỳ-Châu Âu sẽ tăng thêm 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nền kinh tế ở cả đôi bờ Đại Tây Dương.
Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đàm phán về thỏa thuận này từ năm 2013, những người ủng hộ hy vọng thỏa thuận T-TIP sẽ có thêm xung lực mới khi mà giờ đây Mỹ, Nhật, và các nước khác trong vành đai Thái Bình Dương đã đạt được sự đồng thuận về một thỏa thuận riêng.
Sau lịch trình tại Đức, Tổng thống Mỹ theo kế hoạch sẽ quay về Washington.
Your browser doesn’t support HTML5