Andy Huynh trở về nhà với những vết thương cả về thân thể lẫn tinh thần nhưng không hối hận về những gì đã làm khi tình nguyện chiến đấu ở Ukraine
Andy Tai Ngoc Huynh, một cựu binh Mỹ gốc Việt xung phong đi chiến đấu ở Ukraine, là một trong hai công dân Mỹ đầu tiên bị lực lượng của Nga bắt giữ. Anh và Alexander Drueke, người cùng bị quân Nga bắt giữ hồi tháng 6 khi đang chiến đấu ở miền Đông Ukraine, đã trở về nhà ở Alabama cuối tháng trước sau khi được thả tự do trong một cuộc trao đổi tù binh chiến tranh.
Dù đã được trở lại cuộc sống yên bình trong vòng tay của gia đình và những người thân, Andy cho biết anh không thể quên được những tháng ngày bị giam cầm, bị đánh đập và vẫn còn phải chịu đựng nỗi đau về thể xác và tinh thần.
“Từ sự đánh đập thể chất cho đến tra tấn về tinh thần, tất cả trong suốt 3 tháng,” cựu binh 27 tuổi nói về chuỗi ngày anh bị quân Nga bắt giữ, hỏi cung và đưa đến các nơi giam giữ khác nhau. “Tôi đã nghĩ rằng mình sẽ chết.”
‘Đánh đập và tuyên truyền’
Andy, sinh ra và lớn lên trong một gia đình di dân gốc Việt ở California, gia nhập quân đoàn quốc tế của Ukraine chống lại lực lượng Nga, theo sáng kiến của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, hồi tháng 4. Từng tham gia Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ từ 2014-2018, Andy thấy mình không thể ngồi yên khi nghe tin tức về cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Nhiệm vụ của anh khi tình nguyện trong quân đoàn quốc tế là trinh sát và thu thập tin tức tình báo để gửi về sở chỉ huy.
“Chúng tôi không phải xông vào trận chiến thực sự. Nhưng không may thay chúng tôi đã bị bắt hôm đó,” Andy nói về buổi trinh sát cùng nhóm quân của Ukraine bị quân Nga phục kích bên ngoài Kharkiv hôm 9/6.
Andy cùng Alex sau đó bị đưa vào lãnh thổ của Nga, nơi mà những cuộc tra tấn và hỏi cung diễn ra.
“Chúng tôi bị hỏi cung. Họ đánh chúng tôi rất nhiều,” Andy nói và cho biết người Nga muốn biết tại sao anh lại tới chiến đấu ở Ukraine và muốn xếp anh vào nhóm những người ‘lính đánh thuê được trả tiền’.”
Người phát ngôn của Điện Kremlin, Dimitriv Peskov, hồi tháng 6 nói rằng Moscow gọi các cựu binh Mỹ, trong đó có Andy, là “lính đánh thuê được trả tiền” trong khi gia đình của Andy và Alex lúc đó phản đối và khẳng định rằng họ là tù binh chiến tranh.
Trước khi lên đường đi Ukraine, Andy cho biết anh bỏ tiền túi của mình, hơn 6.000 USD, để tham gia chống lại quân nga với mục đích “giành lại tự do cho Ukraine.”
Trong 104 ngày bị quân Nga giam giữ, Andy bị chuyển qua 3 nơi khác nhau, trong đó có 1 tháng bị giam giữ ở Nga và thời gian còn lại ở các nhà tù ở Donetsk, nước cộng hòa ly khai được Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập hồi tháng 2 và tuyên bố “thuộc về Nga” hồi cuối tháng trước.
“Trong suốt thời gian bị giam giữ, những tuần đầu tiên có lẽ là thời gian tồi tệ nhất,” Andy nói và cho biết rằng đây là thời gian anh bị quân Nga đánh đập và hỏi cung.
Sau đó Andy cùng những người khác bị chuyển đến nơi mà anh gọi là “khu vực đen”, một dạng nhà tù bí mật nơi có các hoạt động giam giữ không được ai biết đến. Tại đây, Andy cho biết anh và các bạn tù bị đối xử bất nhân tính khi bị cho ăn bánh mì “thối” và nước “bẩn”.
Nói với tờ Washington Post, Alex cũng cho biết anh và Andy bị giam giữ ở một trại giam có các hàng rào dây thép gai bao quanh trước khi được chuyển đến “khu vực đen” nơi họ bị đánh đập và tra tấn nhiều hơn. Sau đó, họ được chuyển đến một nhà tù truyền thống hơn ở khu vực Donetsk ở miền Đông Ukraine do lực lượng Nga hậu thuẫn.
Đại sứ quán Nga ở Washington DC không phản hồi yêu cầu bình luận của VOA. Người phát ngôn điện Kremlin, ông Peskov, hồi tháng 6 nói rằng hai cựu binh Mỹ không được Công ước Geneva bảo vệ – tức được đối xử nhân đạo phù hợp với luật chiến tranh – vì là “lính đánh thuê.”
Trong thời gian bị cầm tù ở Nga, Andy và Alex đã bị buộc phải nói những điều mà họ không muốn nói trong đoạn video mà truyền thông Nga gọi là cuộc phỏng vấn ngắn với các công dân Mỹ bị bắt. Trong đoạn video này, Andy và Alex đã nói “Tôi chống chiến tranh” bằng tiếng Nga.
“Thành thật mà nói, tôi cảm thấy bẩn thỉu,” Andy nói về việc anh bị ép phải nói những lời đó. “Những người hỏi cung và đánh đập tôi có mặt ở đó. Họ đe dọa nếu chúng tôi nói khác đi sẽ đánh chúng tôi, tra tấn chúng tôi, hay giết chúng tôi.”
‘Tôi từng muốn chết’
Sự đánh đập, theo Andy, để lại những vết thương thân thể, nhưng sự bất định về việc không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo hay những đe dọa thường xuyên về việc sẽ bị giết chết là những đòn tra tấn về tinh thần.
“Những lời đe dọa liên tục về việc bị hành quyết, những lời đe dọa liên tục về việc phải ngồi tù suốt đời là điều khó chịu nhất,” Andy nói và cho biết giữa những lần chuyển trại giam, anh và những người khác bị bịt mặt để không biết mình đang ở đâu.
Trong lần di chuyển cuối cùng từ Donetsk về lại Nga trước khi lên máy bay tới Ả rập Saudi cho vụ trao đổi tù binh, Andy và hàng chục người khác bị nhồi lên một chiếc xe tải trong khi bị bịt mắt đi hơn 20 tiếng đồng hồ. Họ đã nghĩ có thể họ bị đưa đi hành quyết, theo Andy cho biết.
“Chúng tôi thực sự đã muốn chết hơn là phải chịu đựng những gì đang xảy ra lúc đó,” Andy nói. “Chúng tôi chỉ muốn chấm dứt nó.”
Nhưng trong những tháng ngày đó, Andy cho biết một chút thông tin từ gia đình hay sự động viên lẫn nhau từ những bạn tù, đặc biệt là Alex, người hơn anh 12 tuổi và cũng là một cựu binh trong quân đội Mỹ, đã giúp anh có được chút hy vọng để tiếp tục sống.
“Có rất nhiều thứ đã giúp tôi vượt qua những tháng ngày đó trong sự giam cầm,” Andy nói. “Một trong những thứ đó là gia đình, những người tôi yêu khi nhìn lại những gì tôi muốn thấy. Alex giúp tôi rất nhiều bởi anh ấy thực sự ở đó. Chúng tôi giúp nhau lấy lại tinh thần lạc quan.”
‘Hạnh phúc nhưng áy náy’
Andy, Alex và 8 tù nhân nước ngoài khác được chọn phóng thích sau cuộc hòa giải của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Anh và Alex trở về nhà trong một chuyến hay từ Ả rập Saudi qua New York tới Alabama hôm 24/9. Alex cùng sống ở tiểu bang này, nơi Andy di chuyển đến từ California để được gần vị hôn thê của anh cách đây hơn 2 năm.
“Chúng tôi không thể tin được và vô cùng biết ơn,” bà Darla Joy Black, mẹ của vị hôn thê của Andy nói về sự vui mừng của gia đình khi được đón anh trở về. Bà Black, trong lần trả lời phỏng vấn VOA trước đây hồi tháng 6, nói rằng gia đình bà sẽ không bao giờ từ bỏ hy vọng về ngày đoàn tụ với Andy, người mà lúc đó bà đã coi là con rể.
Andy cho biết anh hạnh phúc khi được trở về với những người thân và thấy may mắn khi là một tù nhân được trao đổi mặc dù anh còn đang bị tổn thương về tinh thần cũng như thể chất, sụt gần 10kg và mất trí nhớ ngắn hạn.
Nhưng điều mà Andy cảm thấy áy náy là khi biết rằng còn nhiều người đang bị quân Nga cầm tù, trong đó có một công dân Mỹ là thường dân bị quân Nga bắt cóc ở Kherson mà anh gặp trong thời gian bị giam giữ, trong khi anh được trở về nhà. Tuy nhiên, anh tìm được niềm an ủi khi biết rằng anh đã ở đó và trải qua sự giam cầm để cho một người Ukraine không phải chịu sự đau khổ.
“Tôi đã trải qua sự tồi tệ để họ không phải trải qua nó,” Andy nói và cho biết anh không hối hận về những gì đã làm. “Tôi sẽ làm lại tất cả những điều đó nếu lại có cơ hội.”
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ nhiều lần cảnh báo công dân không tới Ukraine và cho rằng có nhiều cách để giúp đỡ người dân Ukraine thay vì "đặt bản thân mình vào nơi nguy hiểm giữa chiến trường.”
Andy cho biết giờ đây anh đã trở thành “kẻ thù” của quân Nga và không thể quay lại chiến đấu nhưng anh sẽ tiếp tục giúp người Ukraine bằng mọi cách có thể, như tham gia vào những hoạt động nhân đạo, cho dù là ở Mỹ hay ở Ukraine.
Nhưng trước mắt, Andy đang tìm việc trở lại và chuẩn bị cho một đám cưới dự kiến vào mùa hè năm sau với vị hôn thê của mình.