Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian - Per Petterson

  • Đào Đạo

Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian - Per Petterson

Qua nhân vật Arvid được coi như một hình nhân của chính tác giả, Per Petterson viết ‘Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian’ nhằm mô tả sự đối nghịch giữa thực tại và tâm linh, giữa quá khứ và hiện tại để người đọc dự phóng một tương lai dù chênh vênh nhưng cũng đầy hy vọng.

Thị trường xuất bản và tiêu thụ tiểu thuyết ở Mỹ tuy hấp dẫn đối với nhiều nhà văn trên thế giới nhưng cũng rất khó phỏng đoán sự thành bại. Thị trường này hấp dẫn vì một nhà văn có sách bán hàng trăm ngàn bản hoặc hơn rất dễ trở thành giàu có và nổi tiếng, cho nên không ít nhà văn khắp nơi muốn thử thời vận. Nhưng thành công về cả hai mặt tiếng tăm và tiền bạc lại quá khó khăn. Rất nhiều nhà văn được độc giả hâm mộ, đọc nhiều ở xứ sở mình chưa chắc khi truyện được dịch ra Anh ngữ và xuất bản ở Mỹ đã ăn khách. Đã có khá nhiều nhà văn thế giới tỏ ý than phiền giới xuất bản Mỹ hàng năm chỉ in chừng 10% sách dịch, và các đại diện tiếp thị của chính quyền các nước – phần đông của các xứ Tây-Âu – cũng gặp rất nhiều khó khăn, lạnh nhạt khi giới thiệu các nhà văn nổi tiếng của xứ mình.

Nói cho công bằng, thị hiếu độc giả Mỹ quả thật rất khó thăm dò. Và giới độc giả tiểu thuyết Mỹ lại khá phức tạp trong một thị trường tư bản phát triển hàng đầu hiện nay. Ngoài ra cũng phải kể tới yếu tố tiếp thị của các nhà xuất bản và những tờ báo có bài điểm sách thường được tin cậy. Một cách đơn giản chúng ta có thể cho rằng ở Mỹ có hai loại người đọc: người đọc bình dân đọc truyện để giải trí, và độc giả trí thức đọc là đọc văn chương. Phản ánh thực tại này có khá nhiều truyện của cả tác giả Mỹ lẫn tác giả ngoại quốc có sách vào loại bán chạy nhờ được tiếp thị tốt và được những cây bút điểm sách vào cuộc theo sự thúc đẩy ngầm của giới xuất bản, tuy nhất thời may mắn thành công về mặt tài chánh nhưng tác phẩm không ở lại được với sân khấu văn chương. Chẳng hạn, Huraki Murakami là nhà văn Nhật hiện nay có sách bán khá chạy ở Mỹ nhưng tác phẩm vẫn bị giới nghiên cứu văn chương coi thuộc loại tầm tầm.

Nhìn chung, ở Mỹ tác phẩm của những nhà văn thế giới có tầm vóc thực sự vẫn được người đọc quan tâm tới văn chương hơn là giải trí đọc và đánh giá cao tuy có thể số lượng sách bán ra không thuộc loại “best-seller”. Cho tới nay, các nhà văn Việt Nam trong nước hoàn toàn chưa thành công cả về tiền bạc lẫn danh tiếng. Số nhà văn Việt ngoài nước viết bằng tiếng Anh thành công cũng chỉ mới đếm trên đầu ngón tay, trong đó đáng kể nhất là Nam Lê với quyển The Boat/Con Thuyền. Trong mấy năm gần đây tiểu thuyết của các nhà văn Bắc Âu đang bắt đầu được người đọc Mỹ tìm đọc. Và tác giả đang được chú ý nhất của xứ Na-Uy hiện nay là Per Petterson chúng tôi xin giới thiệu trong chương trình hôm nay với tiểu thuyết Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian bản dịch ra Anh ngữ mới được xuất bản tháng trước.

Per Petterson sinh năm 1952 ở Oslo, Na-Uy, gia đình thuộc giới lao động. Bắt đầu được người đọc những xứ dùng tiếng Anh và tiếng Đức chú ý qua các tiểu thuyết Về Siberia (bản tiếng Anh in năm 1996) được trao giải The Nordic Council's Literature Prize, Khi Tỉnh Giấc (xuất bản năm 2002) và được trao giải Brage Prize năm 2000, và quyển Đi Ăn Trộm Ngựa được hai trao giải Independent Foreign Fiction Prize 2006 và giải nhiều tiền thưởng nhất Âu-châu International IMPAC Dublin Literary Award năm 2007. Tiếu thuyết Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian được trao giải The Nordic Council's Literature Prize năm 2009. Năm 2007 tờ The New York Times Book Review xếp quyển Đi Ăn Trộm Ngựa đứng hạng 4 trong 10 quyển truyện hay nhất trong năm.

Per Petterson tốt nghiệp ngành thư viện, làm thư ký kiêm chủ tiệm sách, dịch văn chương và viết phê bình trước khi viết tiểu thuyết. Về văn chương Per Petterson chịu ảnh hưởng của các nhà văn Mỹ Ernest Hemingway và Raymond Carver. Nhân vật chính trong Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian là Arvid Jensen vào năm 1989 đã 37 tuổi. Năm 1989, khi chế độ cộng sản ở những nước Đông Âu lần lượt xụp đổ theo với Bức tường Bá-Linh, cũng là khởi đầu sự suy xụp tinh thần của Arvid, vì anh là một người thiên tả từ khi còn trẻ vẫn hậu thuẫn chế độ cộng sản, ngưỡng mộ Lenin và Mao Trạch Đông.

Tựa đề quyển truyện Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian là một câu thơ của họ Mao. Truyện bắt đầu khi đó Arvid đang trong tình cảnh khá tuyệt vọng: lý tưởng xụp đổ, vợ không còn yêu anh nữa và đòi ly dị, và bà mẹ, người anh gắn bó nhất trong đời, được biết mắc chứng ung thư dạ dày, và bà sẽ bỏ Oslo đi về dưỡng bệnh tại căn nhà nghỉ của gia đình bên bãi biển ở Jutland nằm phía Bắc Đan Mạch.

Những biến cố vây quanh biến anh thành một kẻ cùng đường, không muốn chạm mặt với thực tại, thụ động, chỉ muốn quên hết bằng giấc ngủ, và dùng rượu giải sầu. Arvid có hai đứa con gái còn nhỏ, muốn làm một chuyến đi xa theo mẹ nhưng bà không muốn. Bất chấp ý mẹ, Arvid vẫn nhất quyết đi tìm về căn nhà lá gia đình nơi anh và các anh em của anh đã sống qua những ngày nghỉ lễ tràn đầy hạnh phúc. Qua giòng tự sự của Arvid, tác giả xen lẫn hồi ức của Arvid về thời thơ ấu, thời mới lớn và trưởng thành xen kẽ thời hiện tại. Khi đi phà để tới Jutland, Arvid hãy còn say thấy một người đàn ông lạ mặt có ánh mắt và thái độ kỳ khôi đối với anh, nghĩ bụng người này có ý đe dọa anh nên gây sự đánh lộn, nhưng bị té xuống nước, ướt hết bộ quần áo nhất bộ nhất bái, nên phải chui vào phòng mình ngủ thẳng cẳng. Hóa ra người đàn ông lạ mặt này lại chính là một người bạn thời thơ ấu của anh.

Những hồi ức về mẹ của Arvid thật cảm động. Trong giấc ngủ sau khi té xuống nước Arvid mơ thấy mình chặt hạ cái cây trước cửa căn nhà lá của gia đình bà mẹ luôn than phiền, nên chắc mẹ sẽ hài lòng. Mẹ của Arvid là một phụ nữ tính cách tuy bề ngoài cứng rắn nhưng bên trong lại rất dễ dãi, lấy cha anh khi đã có một đứa con trai. Nhưng bà cũng là một người ưa đọc sách. Có điều bà luôn luôn coi Arvid chỉ là một đứa con nít, không bao giờ trưởng thành. Tuy vậy bà cũng lại hay hỏi anh còn tiền tiêu không hay đã nhẵn túi rồi cho con tiền. Arvid không thể quên được kỷ niệm khi anh học xong trung học nhưng không chịu theo đại học mà cứ say mê ý thức hệ cộng sản và xin vào xưởng dệt làm công nhân, mẹ anh đã dọng cho anh một cái tát tai nên thân và từ đó không còn yêu thương đứa con trai trẻ thơ được nữa.

Cũng chính trong thới gian này Arvid gặp gỡ người vợ tương lai, cưới cô ta để thay thế vào chỗ trống bà mẹ để lại. Trên đường đến căn nhà lá của gia đình ở Jutland, Arvid ghé tiệm rượu mua một chai và người chủ tiệm bỏ chai rượu vào một cái túi giấy dày làm anh ngạc nhiên cứ tưởng mình như đang ở trong một cuốn phim, và nghĩ nếu đúng mình đang trong một cuốn phim thì việc bước vào căn nhà gia đình sẽ dễ dàng hơn nhiều. Không thấy mẹ trong nhà, Arvid để lại cái túi giấy gói chai rượu trong nhà và đi ra bãi biển tìm mẹ.

Khi xuống bãi cát tới sau lưng mẹ, Arvid chưa kịp chào thì bà mẹ, không quay đầu lại, đã cất tiếng “Đừng có nói năng gì cả.” Khi Arvid nói “Con đây” bà liền trả lời “ Mẹ biết là ai rồi. Mẹ đã nghe thấy tiếng loảng xoảng va chạm nhau của những ý nghĩ của con suốt dọc đường rồi. Con lại nhẵn túi rồi phải không?” Bối rối, thẹn thùng nhưng bản chất thật thà nên Arvid trong bụng thì nghĩ: “Chúa ơi, tôi biết là bà ấy bịnh mà, có thể chết là đằng khác nữa chứ, và chính vì vậy tôi có mặt ở đây, đó là lý do tại sao tôi đi tìm bà, tôi chắc chắn là như thế,” nhưng miệng lại nói với mẹ: “Mẹ ơi, con sắp ly dị vợ.” Từ lâu bà đã thất vọng về anh, nay nghe con nói vậy, chắc bà không còn có thể thất vọng hơn được nữa. Chính vì vậy bà muốn được yên thân một mình, không dính líu tới đứa con trai trẻ thơ. Ngược lại, Arvid một mặt cũng muốn mình tự giải thoát khỏi mẹ, nhưng mặt khác lại phải gắn chặt mình với mẹ để giải thoát, biến bản thân trở thành nhân thân mẹ. Đó là một diễn trình nhập nội tuổi thơ. Để còn thể bám vào đời sống, Arvid đeo cứng vào đời sống của mẹ như một kẻ bất lực.

Quả thực Arvid là một tính cách thụ động, bất lực. Anh còn nhớ vợ anh vẫn bảo anh là đứa con nít. Chẳng hạn khi anh định đưa hai đưa con gái đi về vùng quê quanh Oslo nghỉ hè, Arvid không thể nghĩ rằng vợ anh sẽ cùng đi, trên đường lái xe anh lẩn thẩn nghĩ ngợi: “Nếu như cô ta nói, ‘ừ em muốn đi cùng,’ thì không hiểu ai là người sẽ biết chuyến đi này sẽ thực hiện ra sao, trên đường đi sẽ nói gì với nhau, sẽ lái xe theo đường nào.”

Thời còn trẻ khi còn say mê ý thức hệ vô sản, Arvid treo hình Mao Chủ tịch trong phòng riêng, đắc ý với câu thơ Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian của họ Mao, câu thơ này cho thấy Mao là kẻ đã cảm nhận được thời gian lâm chiến với thân xác, thời gian không một lời cảnh cáo bám sát con người và chạy quanh dưới làn da ta như những tia điện giật, ta chẳng thể ngừng chúng lại được dù cố gắng cách nào đi nữa. Và cuối cùng khi chúng ngừng lại thì chỉ còn lại sự im lặng, và ta trở thành một người khác hẳn trước đây. Điều này cho thấy vật chất đã thắng tinh thần. Nhưng giờ đây, trước cảnh tượng đổ vỡ xuy xụp thế giới chung quanh cũng như đời mình, Arvid đã tỉnh giấc, hiểu được rằng Mao cũng như Stalin là những kẻ tội phạm.

Về mối liên hệ giữa Arvid và mẹ, đó là một mối liên hệ câm nín, không được thể hiện bằng lời nói, hố ngăn cách giữa mẹ và con rộng như hai bờ một vịnh biển. Tình yêu của mẹ dành cho con cũng như của con dành cho mẹ là những gì không được nói ra. Và đó là một đặc điểm của kỹ thuật viết tiểu thuyết của Per Petterson. Trong sách, tác giả đưa vào rất nhiều thực tại thế giới chung quanh như cảnh đường phố Oslo Arvid thường đi lang thang một mình, căn nhà lá gia đình ở Jutland, Đan Mạch v.v… những thực tại đó tuy im lìm nhưng khi được âm thầm chiếu với hoàn cảnh tâm linh của Arvid thì lại có ý nghĩa xâu đậm. Và Per Petterson đã thực hiện chủ đích này trong quyển Tôi Nguyền Rủa Giòng Sông Thời Gian bằng một giọng văn chủ động chừng mực và sắc gọn.