Tòa án tối cao Hoa Kỳ hôm thứ Sáu đã ấn định một cuộc đối đầu lớn liên quan tới quyền hành của tổng thống, đồng ý phán quyết về tính hợp pháp của lệnh cấm du hành mới nhất của Tổng thống Donald Trump nhắm vào công dân từ sáu nước với đa số dân là người Hồi giáo.
Tòa án với thành phần bảo thủ chiếm đa số theo lịch sẽ nghe các bên đưa ra luận cứ vào tháng 4 và phán quyết vào cuối tháng 6 về việc liệu lệnh cấm có vi phạm luật di trú liên bang hay điều khoản của Hiến pháp Hoa Kỳ cấm kì thị tôn giáo hay không. Chính sách của ông Trump, được loan báo vào tháng 9, đã ngăn hầu hết công dân từ các nước Chad, Iran, Libya, Somalia, Syria và Yemen nhập cảnh Mỹ.
Cuộc chiến pháp lý liên quan đến phiên bản thứ ba của một chính sách gây tranh cãi mà ông Trump lần đầu tiên tìm cách thi hành một tuần sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm 2017.
Tòa án Tối cao, đang thụ lý một loạt các vụ kiện tụng có hệ quả lớn trong nhiệm kỳ hiện thời, ra dấu hiệu vào ngày 4 tháng 12 cho thấy rằng họ có thể sẽ giữ nguyên chính sách này. Sau khi các tòa án cấp thấp hơn đã ngăn chặn một phần chính sách này, Tòa án Tối cao biểu quyết với tỉ lệ 7-2 cho phép lệnh cấm có hiệu lực hoàn toàn trong khi các thách thức pháp lý do bang Hawaii và những nguyên đơn khác đệ trình vẫn tiếp tục.
Tổng thống Đảng Cộng hòa đã nói rằng chính sách này là cần thiết để bảo vệ Mỹ khỏi bị những kẻ chủ chiến Hồi giáo tấn công khủng bố.
Những người thách thức chính sách này lập luận nó được thúc đẩy bởi sự thù ghét của ông Trump đối với người Hồi giáo, nhấn mạnh điểm này tại tòa với một số thành công bằng cách trích dẫn những tuyên bố mà ông Trump đã đưa ra khi còn là một ứng cử viên và trên cương vị tổng thống.
Khi còn là ứng cử viên, ông Trump đã hứa "đình chỉ dứt điểm và hoàn toàn những người Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ." Trên cương vị tổng thống, ông đã hủy bỏ các biện pháp bảo vệ dành cho hàng trăm ngàn người nhập cư được đưa vào Mỹ bất hợp pháp khi còn nhỏ, tìm cách tăng cường các vụ trục xuất và theo đuổi các biện pháp mới hạn chế nhập cư hợp pháp.
Vào tháng 11, ông chia sẻ các video bài xích người Hồi giáo trên Twitter do một nhân vật chính trị chủ trương cực hữu của Anh đăng tải.