Tổng bí thư Việt Nam Tô Lâm và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 15/1 có cuộc điện đàm chỉ vài ngày trước khi hai quốc gia Cộng sản láng giềng kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, trong đó hai lãnh đạo tái khẳng định ưu tiên “cao độ” cho mối quan hệ hai Đảng, hai nước cũng như cam kết tiếp tục “trao đổi chiến lược” cho quan hệ tổng thể, theo truyền thông trong nước.
Bản tin của TTXVN được Báo Chính phủ đăng tải cho biết ông Lâm điện đàm với ông Tập từ Trụ sở Trung ương Đảng khi Việt Nam và Trung Quốc sắp kỷ niệm 3/4 thế kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 18/1 cũng như trong “không khí phấn khởi hai dân tộc đang chuẩn bị đón Tết cổ truyền Ất Tỵ 2025.”
Tại cuộc điện đàm, ông Lâm và ông Tập nhất trí rằng Việt Nam và Trung Quốc tiếp tục tăng cường trao đổi chiến lược để định hướng cho tổng thể quan hệ và thúc đẩy quan hệ quốc phòng-an ninh tương xứng với vai trò là một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ hai nước.
Vẫn theo bản tin trên Báo Chính phủ, hai nhà lãnh đạo thống nhất ưu tiên đẩy nhanh kết nối 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn cũng như mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư trong các lĩnh vực mới nổi giữa hai nước.
Việt Nam và Trung Quốc đã thỏa thuận hợp tác phát triển đường sắt kết nối hai nước, trong đó Việt Nam xin tài trợ và công nghệ của Trung Quốc cho các dự án lớn gồm 3 tuyến đường sắt nối thủ đô Hà Nội với Trung Quốc và một tuyến đường sắt cao tốc từ Hà Nội đến TPHCM.
Ông Lâm và ông Tập đánh giá cao ý nghĩa quan trọng của cuộc điện đàm, coi đây là “sự khởi đầu quan trọng và rất tốt đẹp” cho một năm mới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng như “thể hiện sự coi trọng cao độ và ưu tiên hàng đầu của mỗi bên đối với quan hệ hai Đảng, hai nước.”
Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tham gia “Cộng đồng chia sẻ tương lai” khi ông Tập thăm Việt Nam vào tháng 12/2023. Trung Quốc là nước đầu tiên mà Việt Nam thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện, mà sau này có thêm Nga và Mỹ trong số 8 đối tác ở tầm cao nhất của Hà Nội.
Tại cuộc điện đàm hôm 15/1, cũng được Tuổi Trẻ ghi nhận trong bản tin tương tự như TTXVN, ông Lâm và ông Tập chia sẻ thông tin về tình hình mỗi Đảng, mỗi nước và nhất trí phối hợp trên các vấn đề quốc tế và khu vực nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới.
Dù là 2 nước láng giềng hữu nghị và có sự gắn kết giữa 2 Đảng Cộng sản cầm quyền nhưng Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên xung đột về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết trên vùng biển đầy tranh chấp và Việt Nam cũng nhiều lần lên tiếng phản đối những vi phạm của Bắc Kinh trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Theo Tuổi Trẻ, ông Lâm đề nghị hai bên chỉ đạo các ngành, các cấp “tích cực tìm các phương thức, biện pháp hiệu quả để kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng, tăng cường hợp tác phù hợp với tầm mức quan hệ song phương trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế.”
Trong một bản tin ngắn gọn bằng tiếng Anh, Tân Hoa Xã cho biết ông Tập điện đàm với ông Lâm vào ngày 15/1 nhưng không cho biết chi tiết về cuộc hội thoại giữa hai nhà lãnh đạo.
Tuy nhiên, Hoàn cầu Thời báo, tờ báo tiếng Anh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đưa ra chi tiết về những gì hai bên nói trong cuộc hội đàm. Theo tờ báo được xem là nơi đưa ra lập trường không chính thức của Nhà nước Trung Quốc, ông Tập kêu gọi hai nước tăng cường kết nối, cùng nhau xây dựng nền tảng biên giới cho hợp tác lực lượng sản xuất chất lượng hơn cũng như xây dựng chuỗi cung ứng và công nghiệp xuyên biên giới ổn định và thông suốt.
Trong cuộc điện đàm, vẫn theo tờ báo Trung Quốc, ông Tập nhắc lại chuyến thăm của ông Lâm tới Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái khi hai nhà lãnh đạo có những cuộc “trao đổi sâu rộng và đạt được sự đồng thuận rộng rãi về việc làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai Đảng và hai nước, cũng như cùng nhau thúc đẩy phát triển sự nghiệp xã hội chủ nghĩa.”
Lý Hải Đông, giáo sư Đại học Ngoại giao Trung Quốc nói với Hoàn cầu Thời báo rằng Trung Quốc và Việt Nam “không chỉ là láng giềng mà còn là đồng chí” có chung lợi ích trong nhiều lĩnh vực và hai nền kinh tế cũng rất bổ sung cho nhau.
Theo ông Lý, quan hệ giữa hai đảng cầm quyền định hướng cho quan hệ song phương ổn định giữa Trung Quốc và Việt Nam, “có khả năng chịu được tác động bên ngoài và vượt qua thách thức” vì hai đảng “sẽ tiếp tục trao đổi kinh nghiệm về quản trị và cách phát triển chủ nghĩa xã hội và bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa” ở hai nước.