Tổ chức Nhân quyền châu Á chỉ trích Việt Nam bỏ tù 9 nhà sư và nhà hoạt động Khmer Krom

Nhà sư Thạch Chanh Đa Ra và các bị cáo tại phiên xét xử ở Vĩnh Long hôm 26/11/2024. (Ảnh chụp màn hình Báo Vinh Long)

Tổ chức Bảo vệ Nhân quyền và Lao động châu Á (AHRLA) hôm 27/11 lên án việc chính quyền Việt Nam tuyên phạt hơn 26 năm tù cho 9 người Khmer Krom vì họ lên tiếng bảo vệ quyền của người thuộc nhóm sắc dân thiểu số, và gọi các bản án này là “không thể chấp nhận được.”

Tòa án ở tỉnh Vĩnh Long hôm 26/11 tuyên án những người này sau khi cáo buộc họ phạm tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ” và “bắt giữ người trái phép.” Giới hoạt động dẫn lời người thân cho VOA biết hôm 26/11 rằng họ bị xét xử mà không có luật sư bào chữa và gia đình cũng không được thăm gặp họ.

“Việc chính phủ Việt Nam truy tố và tuyên án 6 nhà sư Phật giáo Khmer Krom và 3 nhà hoạt động tôn giáo với những bản án dài là vô lý và không thể chấp nhận được, đồng thời cho thấy chính phủ tuyệt đối không khoan nhượng về quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng bên ngoài các cấu trúc chính thức được kiểm soát chặt chẽ,” Phil Robertson, giám đốc AHRLA có trụ sở ở Bangkok, cho biết trong tuyên bố.

Ngay sau phiên xử hôm 26/11, tổ chức Liên đoàn Khmer Krom (KKF) có trụ sở ở Mỹ đã chỉ trích chính quyền Việt Nam vì “đã tiến hành một phiên tòa không công bằng, dẫn đến những bản án khắt khe và không chính đáng đối với những cá nhân không làm gì khác hơn là ủng hộ một cách ôn hòa cho quyền tôn giáo và văn hóa của họ”. Nhóm này cho rằng chính quyền Việt Nam đã thực hiện “giam giữ bất công” và “cưỡng bức nhận tội” đối với các nhà sư và nhà hoạt động Khmer Krom này trong 8 tháng trước khi đưa họ ra xét xử.

Báo Vĩnh Long nói rằng các bị cáo tại phiên tòa “đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng, bày tỏ sự hối hận và mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt.”

Trong số 9 người bị kết án, nhà sư Thạch Chanh Đa Ra bị tuyên bản án dài nhất, 6 năm tù.

Cáo trạng được truyền thông nhà nước dẫn lại nói rằng nhà sư Đa Ra đã chỉ đạo các đồng phạm khác và trực tiếp thực hiện việc “bắt” và “giữ” 3 người của chính quyền một cách “trái pháp luật”. Cuộc nói chuyện của họ về vụ việc chính quyền đến làm việc tại chùa Đại Thọ, do nhà sư Đa Ra trụ trì, được phát trực tiếp trên Facebook bị các nhà chức trách quy là có những thông tin “không đúng sự thật, vu khống cán bộ.”

“Những gì thực sự được đưa ra xét xử là quyền của người dân Khmer Krom được thực hành tôn giáo, ngôn ngữ và văn hóa của họ mà không bị đảng Cộng sản cầm quyền Việt Nam can thiệp,” ông Robertson, người từng là phó giám đốc phụ trách châu Á của tổ chức Theo dõi nhân quyền HRW, nói.

Ông Robertson kêu gọi cộng đồng quốc tế “nên công khai lên án những hành vi vi phạm nhân quyền trắng trợn này cũng như yêu cầu việc trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho những nhà sư và những nhà hoạt động này.”

VOA đã gửi yêu cầu bình luận tới người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam trước những lời lên án và kêu gọi của AHRLA và KKF.

Ủy hội Tự do Tôn giáo Hoa Kỳ (USCIRF) hồi tháng 9 đã lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam nhà sư Đa Ra, người đã vận động “cho các quyền tôn giáo và bản địa của người Khmer Krom cũng như sự độc lập của ngôi chùa của ông.”

Trong báo cáo tự do tôn giáo thường niên năm ngoái, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước.

Chính quyền Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc cho rằng họ đàn áp tự do tôn giáo và khẳng định rằng các quyền này của người dân trong nước luôn được đảm bảo. Tuy nhiên, Việt Nam đã từ chối 49 khuyến nghị “mấu chốt” về nhân quyền, trong đó có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, được đưa ra vào kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV hồi tháng 9.