Tướng Công An Tô Ân Xô nói thế này về vụ Trịnh Xuân Thanh

Hình Trịnh Xuân Thanh trên báo Đức, TAZ.

Ông Tô Ân Xô, Thiếu tướng – Chánh Văn phòng Bộ Công an Việt Nam, vừa bảo với công chúng rằng: Việc khen thưởng một số chiến sĩ công an trong vụ án Trịnh Xuân Thanh là hết sức bình thường. Đồng thời lên án một số tổ chức chống đối dùng hình ảnh không rõ xuất xứ làm xấu hình ảnh người chiến sĩ công an, khiến dư luận hiểu nhầm (1).

Ở Cộng hòa XHCN Việt Nam, việc một ông tướng thay mặt Bộ Công an tuyên bố và lên án như thế là… bình thường vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không theo… lẽ thường cả về luân lý lẫn pháp lý! Thậm chí phản ứng theo các nguyên tắc phổ quát trong bang giao quốc tế cũng bị coi là… bất thường!

***

Vụ án “cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan đến Trịnh Xuân Thanh được công an Việt Nam khởi tố vào tháng 9 năm 2016 khi Trịnh Xuân Thanh đã trốn khỏi Việt Nam và đang tạm trú tại Đức, chờ chính quyền Đức có chấp nhận cho cư trú dài hạn tại Đức hay không.

Ngày 31 tháng 7 năm 2016, Bộ Công an Việt Nam loan báo, Trịnh Xuân Thanh đã đầu thú tại trụ sở Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an Việt Nam. Cũng vào thời điểm đó, một số cơ quan truyền thông quốc tế loan báo, hệ thống tư pháp Đức đã thu thập được một số bằng chứng cho thấy ông Thanh bị bắt cóc vào ngày 23 tháng 7 năm 2016 (2)…

Đầu tháng 8 năm 2016, Bộ Ngoại giao Đức triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Đức để phản đối việc Việt Nam tổ chức bắt cóc ông Thanh – vi phạm cả luật pháp Đức lẫn luật pháp quốc tế, đồng thời trục xuất ông Nguyễn Đức Thoa – một tùy viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Đức và cho biết sẽ xem xét để quyết định trả đũa thế nào…

Sau cuộc điều tra kéo dài khoảng hai năm, tháng 7 năm 2018, hệ thống tư pháp Đức truy tố và tuyên phạt ông Nguyễn Hữu Long – một người Việt sống tại Czech ba năm mười tháng tù vì hoạt động gián điệp và tham gia vào việc bắt cóc ông Thanh. Ông Long kháng cáo nhưng tháng 2 năm 2020, kháng cáo bị tòa án Đức bác bỏ (3)…

Scandal bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không chỉ đầu độc quan hệ giữa Việt Nam với Đức mà còn làm vẩn đục quan hệ giữa Việt Nam với Slovakia. Bởi có đủ bằng chứng về việc công an Việt Nam đã lén lút đưa Trịnh Xuân Thanh từ Đức sang Slovakia và ông Tô Lâm đã dùng danh nghĩa Bộ trưởng Công an Việt Nam mượn một phi cơ của Slovakia đưa ông Thanh sang Nga, rồi tiếp tục đưa ông Thanh từ Nga về Việt Nam, Đức đã yêu cầu Slovakia điều tra. Thủ tướng Slovakia hứa với dân chúng Slovakia và chính quyền Đức rằng ông sẽ yêu cầu điều tra xem Bộ trưởng Nội vụ Slovakia vì ngay tình mà bị ông Tô Lâm lừa hay đồng lõa với ông Tô Lâm (4)…

Sau Đức, tới lượt Slovakia triệu tập Đại sứ Việt Nam tại Slovakia đến để phản đối về việc sử dụng lãnh thổ, mượn phương tiện của Slovakia nhằm thực hiện kế hoạch bắt cóc ông Thanh. Giống như Đức, Slovakia quyết định trục xuất một tùy viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia. Nhân vật này được yêu cầu phải rời khỏi Slovakia trong 48 tiếng (5)…

Vụ bắt cóc ông Thanh không chỉ đẩy các cơ quan ngoại giao của Việt Nam vào thế kẹt khi thực hiện chủ trương kết bạn với thế giới. Kế hoạch bắt cóc hết sức vụng về còn tự rọi ánh sáng vào nhiều mảng tối mà hệ thống tình báo Việt Nam từng xây dựng ở ngoại quốc. Thông qua hoạt động xét xử công khai của tòa án Đức, thiên hạ không những biết ông Tô Lâm (Đại tướng, Bộ trưởng Công an), Đường Minh Hưng (Trung tướng, Tổng cục phó Tổng cục An ninh Bộ Công an) là chủ mưu mà còn làm lộ nhiều nhân viên ngoại giao và “Việt kiều yêu nước” hoạt động gián điệp ở Đức, Czech, Slovakia (Nguyễn Đức Thoa, Lê Anh Tú, Vũ Quang Dũng, Nguyễn Hữu Long, Đào Quốc Oai,…)...

Ngoài việc hành xử non nớt khiến các đặc tình vào tù như Nguyễn Hữu Long hay bị hệ thống tư pháp ở quốc gia họ đang cư trú giám sát chặt chẽ, hoặc bị trục xuất như Nguyễn Đức Thoa,… sự kiện những sĩ quan cao cấp như Đường Minh Hưng bị truy tố vắng mặt (6) trở thành vết nhơ không thể tẩy rửa khiến thể diện Việt Nam thêm lem luốc…

***

Sau scandal vừa kể, Việt Nam không ngừng bày tỏ thiện chí nhằm khắc phục hậu quả hết sức tai hại cho quan hệ với Đức nói riêng và EU nói chung,… kể cả phóng thích một số tù nhân lương tâm mà Việt Nam từng khẳng định là “tội phạm đặc biệt nguy hiểm vì xâm phạm an ninh quốc gia” rồi trao họ cho Đức theo đề nghị của Đức (7).

Tuy nhiên vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh lại bùng lên thành scandal mới sau khi một số cơ quan truyền thông ở Đức, ở Slovakia phát giác, Việt Nam vừa loay hoay chứng tỏ thành ý, vừa tổ chức tặng đủ loại… Huân chương Chiến công cho 12 sĩ quan công an đã tham gia Chuyên án VT 17 – mà theo họ là mật danh của chiến dịch bắt cóc (8).

Hạ tuần tháng 7 năm 2020, một trong những nghi can hàng đầu – ông Lê Thanh Hải từng là viên chức ngoại giao của Việt Nam ở Đức, khi về hưu bỗng nhiên trở thành… thượng tá công an – khoe trên facebook: Mặc dù đã về hưu nhưng vẫn được Bộ quan tâm trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba do Chủ tịch nước ký (9)…

Cả người Đức lẫn người Slovakia xem việc tặng 12 Huân chương Chiến công ấy là một hành vi… khiêu khích. Phát ngôn viên Viện Kiểm sát Tối cao của Slovakia tuyên bố, cơ quan này sẽ mở lại cuộc điều tra về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và sử dụng phương tiện của hệ thống công quyền Slovakia để thực hiện kế hoạch bắt cóc (10).

Tại cuộc họp báo định kỳ diễn ra tuần trước, trả lời thắc mắc của phóng viên DPA – một hãng tin Đức: Việt Nam có bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hay không? Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời: Vụ án Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật đã được đưa ra xét xử công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, Trịnh Xuân Thanh đang trong quá trình thi hành án theo như bản án, phán quyết của tòa án… Tuy câu trả lời… trớt hướt nhưng những cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã tường thuật phần đối thoại giữa bà Lê Thị Thu Hằng với phóng viên DPA về chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đều tự ý đục bỏ nội dung này (11)…

***

Ông Tô Ân Xô không phủ nhận việc Việt Nam đã khen thưởng một số chiến sĩ công an trong vụ án Trịnh Xuân Thanh, ông chỉ lên án… một số tổ chức chống đối đã sử dụng một số bức ảnh không rõ xuất xứ để… thêu dệt, ảnh hưởng xấu hình ảnh của lực lượng công an, khiến mọi người hiểu lầm.

Một trong những bức ảnh không rõ xuất xứ ấy do Thượng tá Lê Thanh Hải bày ra trên trang facebook của ông ta nhân dịp ông ta được tặng… Huân chương Chiến công hạng Ba. Giỏi như công an Việt Nam chẳng lẽ không tìm ra nguồn gốc, xuất xứ của bức ảnh, kể cả khi ông Hải đã… tự ý đục bỏ.

Hệ thống tư pháp Đức chẳng lạ gì ông Hải. Nhiều cơ quan truyền thông ở Đức và Slovakia cũng vậy. Thậm chí họ đã kiểm tra và xác định, ông Nguyễn Đức Thoa – Tùy viên Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, bị Đức trục xuất trước đó bốn năm vì dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – được tặng… Huân chương Chiến công hạng… Nhất.

Câu trả lời mà Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam dành cho DPA bị hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam… tự ý đục bỏ có thể là vì Việt Nam e ngại câu trả lời này bị xem là một… hành động khiêu khích nữa. Nếu đúng như thế, chẳng lẽ tuyên bố của ông Tô Ân Xô không có tính… khiêu khích?

Có thể ông Tô Ân Xô – nhân vật từng là “Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Washington D.C” trong nhiều năm, rồi đột nhiên… chuyển công tác, trở thành… Đại diện Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston (Texas), đến khi trở về Việt Nam lại “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” trong vai… sĩ quan an ninh cao cấp của Bộ Công an Việt Nam - xem việc các nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp như Nguyễn Đức Thoa, Lê Thanh Hải bỗng dưng đổi lốt, trở thành sĩ quan an ninh như… ông, tuy tham gia bắt cóc nhưng được thưởng các… Huân chương Chiến công là… bình thường, song chắc chắn thiên hạ không nghĩ như thế.

Việt Nam muốn kết bạn, làm bạn với tất cả là… quyền của Việt Nam nhưng công nhiên ứng xử trái cả với luân lý lẫn pháp lý mà xưa nay thiên hạ mặc nhiên xem là lẽ thường, đơn phương biến những hành vi vốn đã bị thiên hạ minh thị là bất thường thành… bình thường thì có được thiên hạ xem như bạn hay không là quyền của thiên hạ!

Chú thích

(1) https://thanhnien.vn/thoi-su/khen-thuong-trong-1-vu-an-lien-quan-trinh-xuan-thanh-la-binh-thuong-1348567.html

(2) https://taz.de/Moegliche-Entfuehrung-in-Berlin/!5431944/

(3) https://www.voatiengviet.com/a/tòa-đức-bác-kháng-cáo-vụ-bắt-cóc-trịnh-xuân-thanh-lại-gây-chú-ý-/5273130.html

(4) https://spectator.sme.sk/c/20815700/german-media-vietnam-kidnapping-throughout-slovakia.html?ref=av-right

(5) https://spectator.sme.sk/c/22319321/slovakia-expels-a-vietnamese-diplomat-in-relation-to-abduction-case.html

(6) https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-43888056

(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-expels-human-rights-lawyer-2nd-dissident-to-germany-06082018084357.html

(8) https://taz.de/Entfuehrungsfall-Trinh-Xuan-Thanh/!5750514/

(9) https://thoibao.de/blog/2021/02/25/nhung-ke-bat-coc-duoc-ha-noi-vinh-danh/

(10) https://dennikn.sk/minuta/2265533/?ref=mpm

(11) https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-phan-ung-gi-khi-duoc-hoi-ve-cao-buoc-bat-coc-trinh-xuan-thanh/5793856.html