Tình yêu như một cách khám phá thiên nhiên

Tình yêu như một cách khám phá thiên nhiên

Lời tác giả: Khoảng năm 1989 hay 1990 gì đó, tôi có viết một loạt bài về đề tài tình yêu trong thơ Việt Nam, trong đó, tôi nhấn mạnh đến hai luận điểm chính: một, trong văn học, tình yêu là khám phá mới; hai, trong cuộc đời, tình yêu giúp chúng ta khám phá ra (a) bản thân mình; (b) người khác; và (c) thiên nhiên. Loạt bài này đăng trên tạp chí Quê Mẹ ở Paris đã lâu. Nay, tôi xin sửa lại chút ít, đăng thành bốn kỳ, như một món quà nhẹ nhàng trong những ngày Tết. - Nguyễn Hưng Quốc

Tình yêu không những giúp chúng ta khám phá ra chính mình hay khám phá ra người khác. Tình yêu còn giúp chúng ta khám phá ra thiên nhiên.

Trong truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự vào thế kỷ 18 có một chi tiết khá thú vị. Truyện kể về mối tình giữa Dương Giao Tiên và Lương Phương Châu. Dương Giao Tiên là một người con gái tài sắc và đoan trang. Sự đoan trang của Giao Tiên có phần hơi cứng nhắc. Lần đầu tiên nghe lời tỏ tình của Lương Phương Châu, nàng đã từ chối thẳng thừng:

Tự ta đóng nguyệt cài mây
Buồng thơm chớ lọt mảy may gió tà
Buông rèm ngăn cách bóng hoa
Tường đông bướm lại ong qua mặc lòng...

Thế nhưng, dần dần, ngày qua ngày, trước sự kiên nhẫn của Lương Phương Châu, Giao Tiên bắt đầu xúc động. Nàng ngã lòng. Nàng chợt phát hiện trong lòng mình bắt đầu có những xôn xao rất lạ. Cách nhìn của nàng cũng khác, trước hết là cách nhìn đối với thiên nhiên:

Thu đâu chừng nửa tháng nay
Là trăng là nước là mây thực là...

Nhờ những rạo rực trong lòng, Giao Tiên mới nhận ra mùa thu đã về. Nhận ra một cách muộn màng, sau gần nửa tháng mùa thu bị quên lãng trong ơ hờ. Bởi vậy, chúng ta có thể nói chính nhờ tình yêu mà Dương Giao Tiên đã nhận ra vẻ đẹp đầy xao xuyến của thiên nhiên.

Mà không riêng gì Giao Tiên. Cả Thuý Kiều cũng vậy. Trước khi gặp Kim Trọng, cái nhìn của Kiều tuy không đến nỗi hờ hững song cũng chẳng có gì tha thiết cho lắm:

Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Tiết Thanh minh, Thuý Kiều cùng hai em đi tảo mộ. Chiều xuống, mấy chị em ra về, cặp mắt Kiều đã thoáng chút bâng khuâng:

Nao nao dòng nước uốn quanh
Nhịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.

Chỉ một chút bâng khuâng thôi. Phải đợi đến lúc gặp gỡ Kim Trọng, sau khi Kiều đã "e lệ nép vào dưới hoa", sau khi "tình trong như đã mặt ngoài còn e", Kiều mới thực sự bâng khuâng hẳn:

Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Thành ra, có thể nói, nhờ tình yêu, Kiều mới khám phá ra được cái sắc "trong veo" của nước, cái hình ảnh tơ liễu thướt tha dưới bóng chiều. Cái trong veo kia, cái thướt tha ấy, nghĩ cho cùng, chỉ là hoá thân của một trái tim đang bén lửa ái tình.

Nhà thơ J. Leiba Lê Văn Bái, trong bài "Mai rụng", trước năm 1945, từng viết:

Năm xưa em ở chốn phòng khuê
Yêu, nhớ, ngây thơ đã biết gì
Mai nở, mai tàn, mai lại rụng
Tường đông xuân sắc mặc đi về.

Đến lúc người con gái kia biết yêu, thiên nhiên đổi khác hẳn:

Tường đông, xuân ấy gặp tình lang

...

Em thấy xuân nay hoa nở đẹp.

Trong bài "Năm qua", J. Leiba viết rõ hơn sự thay đổi trong mắt nhìn của một người thiếu nữ:

Em nhớ năm em lên mười lăm
Cũng ngày đông cuối sắp sang xuân
Mừng xuân em thấy tim hồi hộp
Nhìn cái xuân sang khác mọi lần.

Điều làm cho mùa xuân "khác mọi lần" không hẳn ở bản thân mùa xuân. Thì mùa xuân nào lại chả giống mùa xuân nào. Cũng thời tiết ấy, mùa hoa ấy, phong tục ấy. Tự nghìn đời. Yếu tố tạo nên cái mới cho mùa xuân, do đó, chính là những ngây ngất trong tâm hồn, chính là Tình yêu.

Tình yêu giúp con người khám phá ra thiên nhiên. Chúng ta đâu thể chối được là, vẫn có đấy chứ, chung quanh chúng ta, từ bao giờ, nụ hoa kia, vầng trăng nọ, buổi chiều này. Thế nhưng, nghĩ coi, có lạ không, ngày xưa, khi ta còn bé, hoa chỉ là hoa, trăng chỉ là trăng, và buổi chiều chỉ là buổi chiều. Những hiện tượng thiên nhiên có đấy mà như vắng mặt, như cách xa. Chúng chưa có những linh hồn. Chúng vô tri và vô cảm. Chỉ từ lúc chúng ta biết yêu, thiên nhiên mới thực sự thân gần. Hoa hoá thành người, hay nói như thơ Quách Thoại: "Em nở nụ nhiệm mầu". Trăng bỗng dưng chứa đựng bao nhiêu nỗi niềm day dứt, hay nói như Xuân Diệu, là : "Trăng thương, trăng nhớ, hỡi trăng ngần". Buổi chiều thành một tâm cảnh, hay nói như Thanh Tâm Tuyền, là "Buổi chiều sao vỡ vào chuông giáo đường".

Chúng ta có thể nói: chỉ có tình yêu mới giúp con người nhận ra cảnh:

Không gian như có dây tơ
Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu.

Chỉ có tình yêu mới giúp con người ngó thấy:

Mới lớn lên trăng đã thẹn thò
Thơm như tình ái của ni cô.

Đâu phải ngẫu nhiên mà Xuân Diệu viết:

Trời xanh thế! hàng cây thơ biết mấy
Vườn non sao! đường cỏ mộng bao nhiêu
Khi Phạm Thái gặp Quỳnh Như thuở ấy
Khi chàng Kim vừa được thấy nàng Kiều...

Đúng quá. Và hay quá. Phải không? Dưới mắt người yêu, trời nào không xanh, cây nào không thơ, vườn nào không đầy lá nõn và đường cỏ nào không ăm ắp mộng mị? Thấy chưa, khung cảnh Trần Dạ Từ, lần đầu tiên trong đời, cúi xuống hôn lên đôi môi một người con gái:

Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang
Vườn xanh cỏ biếc trưa vàng
Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông.

Ngỡ như vì nụ hôn kia, ve mới cất tiếng kêu, vườn mới xanh, cỏ mới biếc và phượng vĩ mới thảng thốt đâm bông rực rỡ. Ngỡ như thế. Cho dù sự thực có khi không phải thế. Sự thực có khi hoa đã nở sẵn từ lâu; ve đã râm ran sẵn, từ trước. Nhưng trong ơ hờ, người ta không nghe, không thấy. Chỉ khi đang yêu và đang hạnh phúc, người ta mới ngẩn ngơ phát hiện ra những cảnh sắc đẹp đẽ lạ thường chung quanh mình; mới nghe ra tiếng ve kêu và mới nhìn thấy những chùm phượng vĩ huy hoàng trên cao.

­­

Con đường mà Huy Cận gọi là "đường thơm" này không thể không là con đường của tình yêu:

Đường trong làng; hoa dại với mùi rơm
Người cùng tôi đi dạo giữa đường thơm
Lòng giắt sẵn ít hương hoa tưởng tượng
Đất thêu nắng, bóng tre rồi bóng phượng
Lần lượt buông màn nhẹ vướng chân lâu...

Xuân Diệu một lần mô tả ánh mắt của người thi sĩ dạt dào tình yêu:

Chỉ là gió, nhưng lòng tôi thả bướm
Thêm phất phơ cho hơi thở vừa hiền
Chỉ là trăng, nhưng tôi thấy thần tiên
Như tuyệt diệu: bởi hồn tôi xanh quá.

Thật ra, nghĩ cho cùng, vấn đề không ở đôi mắt mà là ở trái tim. Nhờ tình yêu, con người khám phá ra thiên nhiên. Nhờ tình yêu, con người nhập thân vào thiên nhiên. Một trong những tác dụng lớn nhất của tình yêu là ở điểm này: nó giúp con người "nhân hoá" thiên nhiên. Thiên nhiên trở thành "người", chia sẻ với con người những yêu thương hờn giận:

Áo nàng vàng, anh về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh, anh mến lá sân trường.

Thơ Nguyên Sa đó. Phải nói là đẹp vô cùng. Hoa cúc và lá sân trường bỗng dưng mang trong nó hình ảnh của một người con gái.

Bài thơ sau đây của Chế Lan Viên cũng rất dễ thương:

Chỉ một ngày nữa thôi. Em sẽ
trở về. Nắng sáng cũng mong. Cây
cũng nhớ. Ngõ cũng chờ. Và bướm
cũng thêm màu trên cánh đang bay.

Tác giả khéo lắm. Ông giấu mình đi. Ông chỉ nói nắng, cây, ngõ, và bướm nôn nao. Thật ra là chính lòng ông đang nôn nao muốn biến thành chiều nghiêng của nắng, tiếng reo của cây, vòng tay của ngõ và cánh bay của bướm.

Chế Lan Viên một lúc khác viết rõ hơn:

Lòng anh từ lúc em qua
Hoa bay, bướm dạo cùng ta vào đời.

Hãy để ý đến cách cấu tạo từ ngữ ở câu thơ trên: hoa thì bay mà bướm thì lượn. Hay. Tình yêu mà.

Tế Hanh còn lạc quan hơn:

Ngàn năm sau, chỗ đôi ta
Yêu nhau có lẽ lá hoa mọc đầy.

Tôi không cho là Hoàng Trúc Ly nói ngoa khi quả quyết:

Tôi còn yêu cho biển còn xanh
Mây còn bay cho chim chắp cánh.

Người ta thường tưởng vì thiên nhiên đẹp nên con người say đắm. Có lẽ không phải. Sự thực có khi ngược lại: chính nhờ con người say đắm nhau cho nên thiên nhiên mới đẹp.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.