Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy tinh thần chống Trung Quốc đang tăng cao ở Nam Triều Tiên sau khi Bắc Kinh áp dụng các biện pháp kinh tế để trả đũa quyết định của Seoul triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ.
Quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tiên tiến, gọi tắt là THAAD, ở Nam Triều Tiên bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Theo dự liệu, hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ đi vào hoạt động nội trong tháng tới. Seoul và Washington nói rằng hệ thống THAAD là cần thiết để phòng vệ trước mối đe dọa hạt nhân và tên lửa đạn đạo ngày càng tăng của Bắc Hàn.
Trung Quốc nói đó là một hành động leo thang khiêu khích quân sự trong khu vực và Bắc Kinh lo ngại rằng hệ thống ra đa rất mạnh của THAAD có thể được sử dụng đế chống cả Trung Quốc và các nước khác quanh đó. Tin nói Bắc Kinh trả đũa việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD bằng các biện pháp hạn chế hoạt động của một số doanh nghiệp Hàn Quốc ở Trung Quốc, và hạn chế nhập khẩu từ Nam Hàn, đồng thời giảm số du khách Trung Quốc đến Nam Triều Tiên.
Seoul hồi đầu tuần đã khiếu nại với Tổ chức Thương mại Thế giới, tức WTO, rằng Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, vi phạm các thỏa thuận thương mại vì chuyện lá chắn tên lửa THAAD. Bắc Kinh không thừa nhận đã áp dụng bất cứ biện pháp giới hạn kinh tế nào mới.
Kết quả thăm dò
Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul hôm thứ Hai công bố kết quả một cuộc khảo sát về mức độ ủng hộ của người dân Nam Hàn đối với Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Bắc Hàn căn cứ vào một cuộc khảo sát có sự tham gia của 1.000 đối tượng trên toàn quốc.
Kết quả cuộc thăm dò tháng 3 năm 2017 của Viện Asan cho thấy tỉ lệ ủng hộ đối với Trung Quốc giảm xuống còn 3,21 điểm trên thang điểm từ 1 tới 10, với 10 là mức cao nhất.
Bà Kim Ji-yoon, một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chính sách Asan và là đồng tác giả cuộc khảo sát nói:
"Thật bất ngờ là tỉ lệ ủng hộ Trung Quốc xuống thấp hơn Nhật Bản. Nhật Bản được 3,33 điểm."
Trong các cuộc thăm dò trước đây, tỉ lệ ủng hộ Nhật Bản thấp hơn Trung Quốc rất nhiều vì nỗi uất hận chưa nguôi của người Hàn Quốc về những tội ác do quân phiệt Nhật gây ra khi xâm lăng Bán đảo Triều Tiên, kể cả việc cưỡng bức hàng ngàn phụ nữ Á châu phục dịch bính lính Nhật Bản ở các nhà thổ trong Thế chiến thứ II.
Tỷ lệ ủng hộ Nhật Bản vẫn không thay đổi, nhưng tỷ lệ ủng hộ Trung Quốc rớt mạnh từ mức cao 5 điểm vào năm 2015, khi Tổng thống Park Geun Hye đứng cạnh Chủ tịch Nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc diễu hành ở Bắc Kinh đánh dấu kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Cuộc thăm dò cho thấy tinh thần bài Trung Quốc tăng cao vì nhận thức rằng Bắc Kinh dùng áp lực kinh tế để can thiệp vào vấn đề an ninh quốc gia của Nam Triều Tiên.
Ủng hộ THAAD tăng
Tỷ lệ phản đối THAAD cũng giảm từ 46% vào tháng 11 xuống còn 38% trong tháng 3.
Cuộc khảo sát cho thấy ngay cả những người Nam Hàn chống triển khai hệ thống THAAD cũng bất bình trước điều mà họ cho là mối đe dọa đối với chủ quyền của Hàn Quốc từ Trung Quốc.
Bà Kim của Viện Nghiên cứu Asan nói:
"Bất kể quan điểm và thái độ đối với việc triển khai THAAD trên Bán đảo Triều Tiên, Trung Quốc đã đánh mất rất nhiều sự ủng hộ của công chúng Hàn Quốc."
Bà Kim nhận định rằng mức độ ủng hộ của công chúng đối với việc triển khai lá chắn phi đạn THAAD trên Bán đảo Triều Tiên tăng có thể khiến một số ứng cử viên tổng thống cấp tiến, những người trước đó chống đối hệ thống phòng thủ phi đạn gây nhiều tranh cãi này, phải cân nhắc lại lập trường của họ.
Ủng hộ Tổng thống Trump
Điều không có gì đáng ngạc nhiên là Bắc Triều Tiên đứng cuối danh sách được ủng hộ, với 2,17 điểm, trong bối cảnh chính phủ của ông Kim Jong Un tiếp tục những hành động đe dọa và gây hấn trong năm qua, với nhiều vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân.
Hoa Kỳ, đồng minh quân sự quan trọng nhất của Hàn Quốc, nhận được mức ủng hộ cao nhất, với 5,71 điểm, so ra thấp hơn mức 5,77 điểm hồi tháng 1 trước khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.
Cuộc thăm dò cho thấy Nam Triều Tiên tiếp tục mạnh mẽ ủng hộ liên minh với Hoa Kỳ, bất chấp những lo ngại ban đầu về những phát biểu trong quá trình vận động tranh cử của ông Trump rằng Nam Hàn chưa đóng góp thỏa đáng cho chi phí phòng thủ chung và đe dọa rút quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc.
Tuy nhiên trong số người trả lời khảo sát từ 40 tuổi trở xuống, tỷ lệ ủng hộ Mỹ giảm đáng kể, điều đó là dấu hiệu cho thấy sự khởi đầu của của chiều hướng đi xuống, mà theo bà Kim là “rất đáng quan tâm.”