Vanessa và Vicky Wiesenmaier là hai chị em ruột đến từ Nam Phi.
Hai cô kể về sự tàn bạo của việc săn trộm tê giác: thợ săn sẽ gây mê con vật và sau đó cắt sừng. Khi thuốc mê hết tác dụng, con vật sẽ bị bỏ mặc trong đau đớn và chảy máu cho đến chết.
“Thật kinh hoàng và kinh khủng khi chứng kiến những con vật từng khỏe mạnh bị gục ngã như vậy”, Vicky nói.
Chính vì chứng kiến những vụ tàn sát tê giác trên quê hương mình mà hai chị em họ đã thực hiện chuyến đạp xe qua nhiều quốc gia Châu Á kéo dài nhiều tháng trời nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng sừng tê giác với thông điệp: “Không tiêu thụ tê giác”.
Hai cô đã đạp xe qua các nước Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, và Singapore nhằm truyền đi thông điệp chấm dứt mua bán sừng tê giác.
Trong chuyến đi, họ đã đến thăm nhiều trường học khác nhau để thuyết trình và thảo luận về tác hại của việc buôn bán sừng. Kế hoạch của họ sẽ được tiếp tục vào tháng 9 tới đây khi hai chị em quay trở lại Việt Nam, là nơi được cho là tiêu thụ sừng tê giác lớn nhất trên thế giới.
Tại Việt Nam, hai cô sẽ đạp xe đạp tới khắp ba miền bắc, trung và nam. Tại Hà Nội mới đây, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã đồng hành cùng với Vanessa và Vicky.
Chương trình nâng cao nhận thức của người dân với thông điệp “không chấp nhận biếu tặng, sử dụng sừng tê giác”, “không để hàng triệu USD rơi vào tay bọn buôn lậu, khủng bố” thu hút sự tham gia của đông đảo bạn trẻ.
Thông qua chương trình đạp xe bảo vệ tê giác này, đại diện Hoa Kỳ, Nam Phi và Việt Nam sẽ cùng cam kết bảo vệ tê giác, chấm dứt nạn buôn bán động vật hoang dã.
Nam Phi và Việt Nam là hai thị trường chính trong việc cung cấp và tiêu thụ sừng tê giác trên toàn thế giới. Các số liệu cho thấy đã có 1.215 con tê giác bị săn bắn ở Nam Phi năm 2014 so với 122 con 5 năm trước đó.
Người dân châu Á, nhất là Việt Nam tin rằng sừng tê giác có thể chữa khỏi tất cả các bệnh, kể cả ung thư. Do đó, sừng tê giác có giá lên đến hàng chục ngàn đô la và là một món quà xa xỉ để tặng cho các quan chức.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cùng các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã khẳng định rằng sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh và chủ yếu được cấu tạo bởi chất sừng, cũng như thành phần của tóc và móng tay con người.
Theo VOA News, Tiền Phong, VnExpress