Nhiều người khắp thế giới, nhất là giới trẻ, thích TikTok, một “ứng dụng” (app) giúp chuyển đi nhanh chóng các đoạn phim ngắn mà những công ty khác không có. Năm 2023, chính phủ Canada bắt tất cả điện thoại các công chức cấm không được dùng TikTok; theo sau Mỹ và nhiều nước trong Liên hiệp Âu châu. Nguyên nhân chính là e ngại gián điệp Trung Quốc.
Chủ nhân của TikTok là công ty ByteDance ở Trung Quốc. Ngày Thứ Tư vừa qua, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua một dự luật buộc ByteDance phải bán TikTok cho một công ty Mỹ trong thời gian 180 ngày, nếu không sẽ cấm luôn. Dự luật được chấp thuận với tỷ số 352-65, với 197 dân biểu Cộng Hòa thuận, 15 người chống, phía Dân Chủ có 155 bỏ phiếu thuận, 55 phiếu chống. Dân biểu Cathy McMorris Rodgers (C.H.-Wash) tuyên bố: “Chúng ta cho TikTok lựa chọn. Tách rời khỏi ByteDance, một công ty vẫn bị Đảng Cộng sản Trung Quốc khống chế, để được tiếp tục hoạt động trong nước Mỹ, hay là tiếp tục đứng về phía Trung Cộng và lãnh các hậu quả. TikTok phải lựa chọn.”
Dự luật H.R. 7521 nêu vấn đề an ninh quốc gia. Mối lo này rất thực tế, vì chính quyền Trung Quốc, dựa trên một đạo luật về an ninh của họ, có thể bắt tất cả các công ty cung cấp bất cứ dữ liệu và thông tin nào cho nhà nước. Cộng sản Trung Quốc có thể buộc ByteDance cho họ biết hết các dữ liệu về lý lịch cá nhân những người Mỹ đang dùng TikTok. Sau đó, Bắc Kinh có thể cho gián điệp dò thám các hành động, các ý kiến trao đổi trong cuộc sống của các công dân Mỹ; có thể gửi cho họ các thông tin bịa đặt, tuyên truyền; và gây ảnh hưởng trên dư luận. Hiện tượng này đã diễn ra trước và sau khi Hạ viện Mỹ biểu quyết.
Khi các đại biểu quốc hội nêu lên vấn đề này, TikTok đã phản ứng ngay, gửi email tới 170 triệu người Mỹ đang sử dụng; hô hào họ “Phải lên tiếng” (speak up) bảo vệ quyền tự do ngôn luận của mình. Nhiều người dùng TikTok đáp ứng rất nhanh. Họ đã gọi điện thoại cho các dân biểu yêu cầu bỏ phiếu chống dự luật H.R. 7521. Vô tình, TikTok đã chứng tỏ mối lo lắng của những người ủng hộ lệnh cấm là chính đáng. TikTok có khả năng tạo ảnh hưởng trên hàng triệu dân Mỹ dễ dàng, nhanh chóng; và sẵn sàng sử dụng sức mạnh đó để gây áp lực.
Từ tuần trước tới Thứ Năm tuần này, văn phòng các dân biểu Hạ viện bị tràn ngập với những email và điện thoại yêu cầu họ bỏ phiếu chống dự luật H.R. 7521; có người còn dọa sẽ gây bạo động hoặc tự sát nếu không được sử dụng TikTok. Hiện tượng này cho thấy trong tương lai những chuyện tương tự có thể xảy ra. Nếu công ty ByteDance, theo lệnh của chính quyền Trung Cộng tạo ra một làn sóng dư luận như vậy trong 170 triệu dân Mỹ thì họ có thể gây ảnh hưởng trên các cuộc bầu cử, phản đối hay ủng hộ một đảng hay một ứng cử viên nào đó. Năm 2016 gián điệp Nga đã mở một chiến dịch giống như vậy, khi vu khống, bêu xấu một số ứng cử viên và đả kích chủ trương của họ trong tầm mức nhỏ và rời rạc hơn.
Công ty TikTok đã thanh minh rằng họ không bao giờ chuyển các dữ liệu cá nhân của thân chủ cho chính quyền Trung Cộng, mà Trung Cộng cũng không bao giờ tỏ ra muốn họ làm việc đó.
Ký giả Kevin Roose, trên báo New York Times cho biết nhiều nhà nghiên cứu đã theo dõi các đoạn phim ngắn truyền trên TikTok liên quan tới những thông tin bị cấm đoán trong lục địa Trung Hoa. Họ thấy rằng rất nhiều đề tài được chuyển tải rất ít trên TikTok so với các mạng xã hội khác; thí dụ phong trào đòi quyền tự do dân chủ ở Hồng Kông hay những cuộc biểu tình của dân Uyghur ở Tân Cương.
Những người chống việc cấm đoán TikTok nêu lý do chính là bảo vệ quyền tự do phát biểu, ghi trong hiến pháp Mỹ. Dân biểu Warren Davidson (C.H.-Ohio) nói rằng lệnh cấm đoán TikTok vi phạm quyền tự do ngôn luận. Hơn nữa, nó sẽ tạo ra một tiền lệ; từ đó chính phủ Mỹ có thể cấm những “app” thông tin trên các mạng lưới khác, như Meta (Facebook), Snap, X, trước gọi là Twitter, Instagram, vân vân. Ông Davidson cho rằng nếu chính quyền Trung Cộng muốn thu lượm các dữ kiện cá nhân của các công dân Mỹ thì họ sẽ không cần dùng đến TikTok mà có thể thuê rất nhiều công ty chuyên đi “đào kiếm” những dữ liệu loại này để bán lại. Hiện chính phủ liên bang Mỹ chưa có một đạo luật nào để bảo vệ các dữ liệu tư nhân. Hơn nữa, cấm TikTok sẽ tạo ra một tấm gương xấu cho các chính quyền độc tài khác khắp thế giới viện vào đó để kiểm duyệt các mạng xã hội, như Trung Cộng và Việt Cộng đang làm.
Phát ngôn viên của TikTok, Alex Haurek, biện hộ rằng công ty chỉ kêu gọi các thân chủ tự bảo vệ quyền tự do ngôn luận vì, “Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền khiếu nại với chính phủ khi bị đối sử sai; cho nên người dùng TikTok có thể khiếu nại với các đại biểu quốc hội vì quyền tự do và có khi cả phương tiện sinh sống của mình bị đe dọa.” TikTok đã nhờ công ty nghiên cứu Oxford Economics tìm hiểu ảnh hưởng của công ty trên kinh tế nước Mỹ. Họ thấy rằng TikTok đã tạo ra 224,000 công việc làm, đóng góp $24.2 mỹ kim vào Tổng Sản Lượng Nội Địa. TikTok giúp nhiều nhất trong ngành bán thức ăn, thức uống, với sản lượng $6.4 tỷ, 73,000 việc làm trong năm 2023. Những nhà kinh doanh nhỏ thuộc các nhóm gốc châu Phi, gốc châu Mỹ La Tinh và gốc Á châu được lợi nhiều hơn những người Mỹ da trắng.
Số phận của TikTok còn chờ quyết định của các nghị sĩ trên Thượng viện. Các Nghị sĩ Mark R. Warner (D.C.-Va.) và Marco Rubio (C.H.-Fla.) cầm đầu Ủy ban Tình báo bày tỏ thiện cảm với dự luật của hạ viện và hứa sẽ sớm đưa ra cho Thượng viện biểu quyết. Nhưng không thể đoán trước có đủ số phiếu các nghị sĩ để vượt qua ngưỡng cửa 60 phiếu hay không.
Điều kiện này có thể đạt được nếu tất cả các nghị sĩ Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ. Nhưng Nghị sĩ Maria Cantwell, Dân Chủ, đứng đầu ủy ban Thương mại Thượng viện thì chủ trương không nên ép ByteDance bán TikTok mà chỉ nên làm luật để kiểm soát các hoạt động của các app trên mạng. Tổng thống Joe Biden chỉ hứa rằng ông sẽ ký ban hành dự luật nếu cả hai viện thông qua. Nhưng dù ông Biden ký rồi, đạo luật vẫn có thể bị kiện ra trước tòa án. TikTok đã từng thưa kiện và thắng thế.
Về phần Tổng thống Donald Trump, ông đã cấm TikTok bằng một quyết định của hành pháp năm 2020, TikTok kiện và được tòa án xử thắng. Thứ Hai vừa qua, ông Trump tuyên bố không ủng hộ việc cấm đoán TikTok, ngược với chủ trương 4 năm trước. Ông nói rằng cấm TikTok thì chỉ có lợi cho Facebook của Công ty Meta; ông còn lên án Facebook là một “kẻ thù của nhân dân.”
Trong ngày Thứ Năm 14 tháng 3, dư luận trên Wall Street cho biết ông Steven Mnuchin, cựu bộ trưởng Tài chánh trong chính phủ Trump, đã nói với đài CNBC rằng ông đang mời một số người góp vốn mua TikTok. Giá trị của công ty ước tính khoảng $50 tỷ đô la. Nhưng việc mua bán không dễ, vì còn nhiều chướng ngại từ phía Trung Quốc.
Chính phủ Bắc Kinh đã ra lệnh không cho các công ty Trung Quốc được phép bán các nhu liệu, kể cả các “app,” cho nước ngoài. Nếu ByteDance muốn bán TikTok cho một công ty Mỹ, cũng sẽ bị cấm. Ông Tập Cận Bình đã mạnh tay kiểm soát tất cả các công ty tin học và internet trong nước. Bắc Kinh mới lên án quốc hội và chính phủ Mỹ ép bán TikTok là một hành động “cướp ngày!”