TikTok đang nằm trong tầm ngắm của các cơ quan chức năng ở Hoa Kỳ, nơi một luật mới ban hành yêu cầu công ty mẹ ByteDance có trụ sở tại Trung Quốc phải thoái vốn nếu không TikTok sẽ bị cấm trên toàn nước Mỹ. Đây sẽ là đòn giáng lớn nhất đối với ứng dụng chia sẻ video phổ biến này, vốn đang phải đối mặt với nhiều hạn chế khác nhau trên khắp thế giới.
TikTok đã bị cấm ở một số quốc gia và trên các thiết bị do chính phủ cấp ở một số quốc gia khác, vì lo ngại rằng ứng dụng này gây ra những nguy cơ về quyền riêng tư và an ninh mạng.
Những lo ngại đó được phản ánh trong luật pháp Hoa Kỳ, cao điểm của nỗi lo ngại lâu dài của lưỡng đảng ở Washington rằng các nhà lãnh đạo cộng sản Trung Quốc có thể buộc ByteDance giao nộp dữ liệu người dùng ở Mỹ hoặc gây ảnh hưởng đến người Mỹ bằng cách trấn áp hoặc quảng bá một số nội dung nhất định. TikTok từ lâu đã khẳng định rằng họ không chia sẻ dữ liệu với chính phủ Trung Quốc và CEO của TikTok đã có lập trường thách thức, thề sẽ đáp trả.
Afghanistan
TikTok đã bị cấm từ năm 2022 tại Afghanistan, cùng với trò chơi điện tử PUBG, sau khi lãnh đạo Taliban của nước này quyết định cấm truy cập với lý do bảo vệ giới trẻ khỏi “bị đưa đường dẫn lối sai”.
Australia
TikTok không được phép trên các thiết bị do chính phủ liên bang cấp. Bộ trưởng Tư pháp Mark Dreyfus cho biết ông đưa ra quyết định này sau khi nhận được lời khuyên từ các cơ quan tình báo và an ninh nước này.
Bỉ
Hội đồng An ninh Quốc gia vào tháng trước đã quyết định cấm vô thời hạn TikTok khỏi các thiết bị do chính phủ liên bang sở hữu hoặc trả tiền. Lệnh cấm được ban hành tạm thời vào năm ngoái do lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin xuyên tạc. Thủ tướng Alexander de Croo cho biết điều này dựa trên các cảnh báo từ cơ quan an ninh nhà nước và trung tâm an ninh mạng của đất nước.
Canada
Các thiết bị do chính phủ liên bang cấp đều bị cấm sử dụng TikTok. Các quan chức trích dẫn rủi ro “không thể chấp nhận” đối với quyền riêng tư và an ninh, đồng thời cho biết ứng dụng này sẽ bị xóa khỏi các thiết bị và nhân viên sẽ bị ngăn chặn khi muốn tải xuống.
Trung Quốc
TikTok không hiện diện ở Trung Quốc đại lục, một sự thật mà CEO Shou Chew đã đề cập trong lời khai chứng trước các nhà lập pháp Hoa Kỳ. Thay vào đó, ByteDance cung cấp cho người dùng Trung Quốc Douyin, một ứng dụng chia sẻ video tương tự tuân theo các quy tắc kiểm duyệt nghiêm ngặt của Bắc Kinh. TikTok cũng ngừng hoạt động tại Hong Kong sau khi luật an ninh quốc gia sâu rộng của Trung Quốc có hiệu lực.
Đan Mạch
Bộ Quốc phòng Đan Mạch đã cấm nhân viên của mình sử dụng TikTok trên điện thoại làm việc, đồng thời yêu cầu các nhân viên đã cài đặt ứng dụng này xóa ứng dụng khỏi thiết bị càng sớm càng tốt. Bộ cho biết lý do của lệnh cấm bao gồm cả “những cân nhắc nghiêm túc về an ninh” cũng như “nhu cầu sử dụng ứng dụng liên quan đến công việc hết sức hạn chế”.
Liên hiệp châu Âu
Nghị viện Châu Âu, Ủy ban Châu Âu và Hội đồng EU, ba tổ chức chính của khối gồm 27 thành viên, đã áp đặt lệnh cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên. Theo lệnh cấm của Nghị viện Châu Âu, các nhà lập pháp và nhân viên cũng được khuyên nên xóa ứng dụng TikTok khỏi thiết bị cá nhân của họ.
Pháp
Việc sử dụng “giải trí” TikTok và các ứng dụng khác như Twitter và Instagram trên điện thoại của nhân viên chính phủ đã bị cấm vì lo ngại về các biện pháp an ninh dữ liệu không đầy đủ. Chính phủ Pháp không nêu tên các ứng dụng cụ thể nhưng lưu ý rằng quyết định này được đưa ra sau khi các chính phủ khác thực hiện các biện pháp nhắm vào TikTok.
Ấn Độ
Ấn Độ đã áp đặt lệnh cấm toàn quốc đối với TikTok và hàng chục ứng dụng khác của Trung Quốc như ứng dụng nhắn tin WeChat vào năm 2020 vì lo ngại về quyền riêng tư và an ninh. Lệnh cấm được đưa ra ngay sau cuộc đụng độ giữa quân đội Ấn Độ và Trung Quốc tại biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Các công ty bị cấm này có cơ hội hồi đáp những chất vấn về quyền riêng tư và bảo mật nhưng lệnh cấm được áp dụng vĩnh viễn vào năm 2021.
Indonesia
TikTok không hoàn toàn bị cấm ở quốc gia Đông Nam Á đông dân này, chỉ bị cấm về chức năng bán lẻ trực tuyến sau khi chính quyền kiểm soát các giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội nhằm bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ.
Latvia
Bộ trưởng Ngoại giao Edgars Rinkevics cho hay ông đã xóa tài khoản TikTok của mình và ứng dụng này cũng bị cấm trên điện thoại thông minh chính thức của Bộ Ngoại giao.
Hà Lan
Chính phủ trung ương Hà Lan đã cấm các ứng dụng bao gồm TikTok khỏi điện thoại làm việc của nhân viên với lý do lo ngại về an ninh dữ liệu. Một tuyên bố của chính phủ không nêu tên cụ thể TikTok nhưng cho biết các công chức không được khuyến khích cài đặt và sử dụng ứng dụng “từ các quốc gia có chương trình mạng tấn công chống lại Hà Lan và/hoặc các lợi ích của Hà Lan trên thiết bị làm việc di động của họ”.
Nepal
Quốc gia thuộc dãy Himalaya đã áp đặt lệnh cấm toàn quốc đối với TikTok, cho rằng nó đang phá vỡ “sự hòa hợp xã hội” và phá vỡ sự lương thiện, đồng thời quy trách nhiệm cho TikTok về việc truyền tải các nội dung “không đứng đắn”. Nhà chức trách đã ra lệnh cho công ty viễn thông chặn quyền truy cập vào ứng dụng này.
New Zealand
Các nhà lập pháp ở New Zealand và nhân viên tại Quốc hội bị cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên điện thoại cơ quan của họ, theo lời khuyên từ các chuyên gia an ninh mạng của chính phủ. Ứng dụng này đã bị xóa khỏi tất cả các thiết bị có quyền truy cập vào mạng quốc hội, mặc dù các quan chức có thể sắp xếp đặc biệt cho bất kỳ ai cần TikTok thực hiện nghĩa vụ dân chủ của họ.
Na Uy
Quốc hội Na Uy đã cấm Tiktok trên các thiết bị làm việc sau khi Bộ Tư pháp nước này cảnh báo không nên cài đặt ứng dụng này trên điện thoại cấp cho nhân viên chính phủ. Chủ tịch Quốc hội cho biết TikTok không nên có trên các thiết bị có quyền truy cập vào hệ thống của quốc hội và nên bị xóa càng nhanh càng tốt. Thủ đô Oslo của đất nước và thành phố lớn thứ hai Bergen cũng kêu gọi nhân viên thành phố xóa TikTok khỏi điện thoại làm việc của họ.
Pakistan
Chính quyền Pakistan ra lệnh cấm tạm thời TikTok ít nhất bốn lần kể từ năm 2020, với lý do lo ngại rằng ứng dụng này khuyến khích nội dung trái đạo đức.
Somalia
Chính phủ đã ra lệnh cho các công ty viễn thông chặn quyền truy cập vào TikTok, cùng với ứng dụng nhắn tin Telegram và nền tảng cờ bạc 1XBET. Các quan chức cho biết họ lo ngại rằng các nền tảng này có thể truyền bá nội dung cực đoan, hình ảnh khỏa thân và các tài liệu khác bị coi là xúc phạm đến văn hóa Somalia và Hồi giáo.
Đài Loan
Đài Loan áp đặt lệnh cấm khu vực công dùng TikTok sau khi FBI cảnh báo rằng ứng dụng này gây ra rủi ro an ninh quốc gia. Các thiết bị của chính phủ, bao gồm điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn, không được phép sử dụng phần mềm do Trung Quốc sản xuất, bao gồm các ứng dụng như TikTok, Douyin tương đương bằng tiếng Hoa, hoặc Xiaohongshu, một ứng dụng nội dung về phong cách sống của Trung Quốc.
Vương quốc Anh
Chính quyền Anh đã cấm TikTok trên điện thoại di động mà các bộ trưởng và công chức chính phủ sử dụng. Các quan chức cho biết lệnh cấm là một “động thái phòng ngừa” vì lý do an ninh và không áp dụng cho các thiết bị cá nhân. Quốc hội Anh tiếp bước bằng cách cấm TikTok khỏi tất cả các thiết bị chính thức và “mạng lưới quốc hội rộng hơn”. Chính phủ Scotland bán tự trị và Tòa thị chính London cũng cấm TikTok trên các thiết bị của nhân viên. BBC kêu gọi nhân viên xóa TikTok khỏi các thiết bị của BBC trừ khi họ sử dụng nó vì lý do biên tập và tiếp thị.
Hoa Kỳ
Chính quyền Hoa Kỳ đã ra lệnh cho các cơ quan chính phủ xóa TikTok khỏi các thiết bị và hệ thống liên bang vì lo ngại về an ninh dữ liệu. Hơn một nửa trong số 50 tiểu bang của Hoa Kỳ cũng đã cấm ứng dụng này trên các thiết bị chính thức. Quốc hội và các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ cũng đã cấm như vậy. Những nỗ lực của Montana nhằm ban hành lệnh cấm TikTok trên toàn tiểu bang đã thất bại, cũng như đề xuất ở Virginia nhằm ngăn chặn trẻ em sử dụng nó.