Việc chọn Việt Nam là nơi tổ chức thượng đỉnh Mỹ-Triều thứ nhì trong tháng này cho thấy khả năng vượt qua xung đột và chia rẽ để tiến tới một đối tác thịnh vượng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói hôm 7/2.
Phó phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Robert Palladino phát biểu tại một cuộc họp báo là đặc sứ Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegn đã có mặt tại Bình Nhưỡng để chuẩn bị cho thượng đỉnh trong hai ngày 27 và 28/2 cũng như tìm sự tiến bộ về những cam kết đạt được tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un tại Singapore hồi tháng 6 năm ngoái.
Những cam kết này bao gồm phi hạt nhân hóa hoàn toàn, chuyển đổi các mối quan hệ Mỹ-Triều và xây dựng một cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, ông nói. Ông Palladino nhắc lại việc nới lỏng các chế tài Triều Tiên có thể diễn ra tiếp theo sau việc Bình Nhưỡng phi hạt nhân hóa.
Ông nói lịch sử Mỹ-Việt “phản ánh khả năng hòa bình và thịnh vượng.”
“Chúng tôi vượt qua xung đột và chia rẽ trong quá khứ tiến về sự hợp tác thịnh vượng chung hưởng ngày hôm nay,” ông Palladino nói.
Ông không cho biết chi tiết về những cuộc thảo luận của ông Biegun ở Bình Nhưỡng và không tiết lộ ông này sẽ ở lại Bình Nhưỡng bao lâu.
Trước đây trong tuần, Bộ Ngoại giao Mỹ nói ông Biegun sẽ đến Bình Nhưỡng để thảo luận với người tương nhiệm Triều Tiên Kim Hyok Chol hôm 6/2 nhưng không bình luận gì thêm nữa.
Thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap trích các nguồn tin ngoại giao nói ông Biegun sẽ trở lại Hàn Quốc ngày thứ Sáu 8/2 để chia sẻ về kết quả chuyến viếng thăm Bình Nhưỡng, dù ông có thể ở lại Triều Tiên nếu cần có những cuộc thảo luận thêm.
Ông Trump nóng lòng có cuộc họp thượng đỉnh thứ hai dù thiếu những động thái có ý nghĩa của Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này. Ông và ông Biegun nhấn mạnh đến những lợi ích kinh tế đối với Triều Tiên nếu nước này làm như vậy.
Quốc gia theo cộng sản, Việt Nam, có mối quan hệ tốt đẹp với cả Hoa Kỳ lẫn Triều Tiên. Hà Nội mong muốn được tổ chức cuộc họp thượng đỉnh thứ hai để chứng tỏ các mối quan hệ bình thường hóa đối với Mỹ kể từ chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến chấm dứt vào năm 1975, giết chết hơn 58.000 người Mỹ và khoảng 3 triệu người Việt Nam.
Có hơn 33.000 binh sĩ Mỹ tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trong khi số người Triều Tiên thiệt mạng cả binh sĩ lẫn thường dân là khoảng một triệu người.
Trong khi ông Trump ca ngợi “tiến bộ to lớn” trong việc thương thuyết với Triều Tiên, một phúc trình mật của các giám sát viên Liên hiệp quốc cho thấy có nhiều nghi ngờ về ý định của Triều Tiên.
Phúc trình cho biết chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Triều Tiên vẫn giữ nguyên và Triều Tiên đang cố sức để đảm bảo là những khả năng này không thể bị hủy diệt bằng những cuộc tấn công quân sự.
Ông Palladino không bình luận gì khi được hỏi về phúc trình này.
Your browser doesn’t support HTML5