Chính quyền Thụy Sĩ và Áo hôm thứ Năm cho biết họ đang điều tra xem liệu những cuộc tấn công tinh vi có được thực hiện để do thám những cuộc đàm phán mà sáu cường thế giới đang tiến hành với Iran về chương trình hạt nhân của nước này hay không.
Văn phòng Tổng Chưởng lý Thụy Sĩ ở Berne cho biết các nhà điều tra đã lục soát một ngôi nhà ở thành phố Genève vào ngày 12 tháng 5 và thu giữ phần cứng và phần mềm máy tính. Nhà chức trách cho biết lúc đó họ đang tìm kiếm phần mềm độc hại có thể đã được sử dụng để theo dõi các cuộc đàm phán được tiến hành tại một số khách sạn ở Thụy Sĩ, Áo và Đức.
Áo cũng cho biết họ đang điều tra xem liệu những cuộc họp tại Vienna có bị xâm phạm hay không.
Nhà chức trách Thụy Sĩ nói đã mở thủ tục hình sự đã nhắm vào những người không nêu tên "vì nghi ngờ hoạt động gián điệp chính trị," nhưng không cho biết thêm chi tiết.
Israel kịch liệt phản đối thỏa thuận hạt nhân khả dĩ mà Iran đang cố gắng đạt được vào cuối tháng 6 với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức, nhưng phủ nhận bất kỳ sự dính líu nào trong cáo buộc gián điệp.
"Không có cơ sở nào cho những tin tức quốc tế nói về sự dính líu của Israel trong vụ việc," Thứ trưởng Ngoại giao Tzipi Hotovely nói với đài phát thanh quân đội Israel. "Điều quan trọng hơn nhiều là chúng ta ngăn một thỏa thuận tồi, nếu không thì rốt cuộc chúng ta lại thấy mình đứng dưới chiếc dù hạt nhân của Iran."
Ở Vienna, Reza Najafi, Đại sứ Iran tại cơ quan hạt nhân của Liên Hiệp Quốc, nói với các nhà báo rằng: "Qúy vị biết là có những kẻ thù của các cuộc đàm phán và họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể, do đó chúng tôi không bất ngờ về việc này. Chúng tôi tiếp tục có các biện pháp phòng ngừa không để cho bất kỳ chi tiết của cuộc thảo luận lọt ra ngoài công chúng. "
Các cường quốc thế giới đang cố gắng kiềm chế chương trình phát triển hạt nhân của Iran, ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, hoặc ít nhất là cho phần còn lại của thế giới thời gian ít nhất là một năm chuẩn bị nếu Tehran vi phạm bất kỳ thỏa thuận nào đạt được và bắt đầu chế tạo một quả bom nguyên tử. Tehran muốn được dỡ bỏ những biện trừng phạt làm tê liệt kinh tế do phương Tây và Liên Hiệp Quốc áp đặt, đổi lại họ sẽ đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân.