Hồi 20 tuổi, ông Jacek Dabrowski kiếm tiền bằng cách đến Thụy Điển trong những tháng hè và làm việc trong ngành xây dựng. Ông Dabrowski, 34 tuổi, sanh quán tại Krakov (Ba Lan) trở lại Thụy Điển hồi năm 2016 hầu kiếm thêm tiền, chủ yếu để trả nợ chồng chất.
“Tôi vất vả trong nhiều năm và thật là khó khăn nên tôi ngộ ra rằng tôi cần một giải pháp khác,” ông Dabrowski nói. Ông xem Stockholm như nhà của mình. “Và tôi có mặt tại Thụy Điển, tôi thích đất nước này và con người ở đây. Tôi thấy rất dễ sống và làm việc ở đây.”
Ông Dabrowski là một trong những người đến xứ Bắc Âu này, hoặc vì cơ hội kinh tế hay tị nạn chính trị hoặc trốn thoát chiến tranh. Thực vậy, Thụy Điển hiện nay được xem như quốc gia tốt nhất cho các di dân kinh tế, theo một cuộc thăm dò.
Tuy nhiên, cánh cửa Thụy Điển trước đây thường mở rộng đón nhận di dân nay đang khép lại. Làn sóng di dân, người tị nạn và những người xin tị nạn chính trị đổ vào Thụy Điển trong những năm gần đây đã buộc chính phủ phải thắt chặt những luật lệ chi phối di dân vào nước này.
Làn sóng di dân cũng làm dấy lên những phản ứng ngược của công chúng, những phản ứng này thách thức hình ảnh của Thụy Điển và những giá trị cốt lõi về chấp nhận và cởi mở. Thụy Điển đang đối mặt với những giới hạn về mức độ rộng lượng của một quốc gia tương đối ít dân số, theo các chuyên gia. Các nhà hoạch định chính sách phải quyết định những thay đổi nào là cần thiết để giúp một quốc gia già cỗi duy trì được danh tiếng về tiêu chuẩn sống cao và mức thu hút những người nước ngoài mưu tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thụy Điển từ lâu được toàn thể thế giới xem như là một nơi mở rộng vòng tay chào đón di dân. Dân nước này tự hào về kiểu mẫu một nhà nước an sinh và Thụy Điển được xem là nơi có đời sống chất lượng cao, một môi trường an toàn để nuôi dạy con cái. Văn hóa Thụy Điển về bình đẳng cũng giúp tạo hình ảnh nước này thành một trong những nước tốt nhất trên thế giới đối với phụ nữ, theo một cuộc thăm dò.
Tiếng tăm tốt đẹp của Thụy Điển chấp nhận người nước ngoài căn cứ trên lịch sử của nước này khi đối phó với những người tị nạn. Trong Thế Chiến Thứ Hai, Thụy Điển bắt đầu chấp nhận người châu Âu trốn thoát Đức Quốc Xã. Vào những năm 1980, Thụy Điển đón chào người tị nạn từ Iran, Somalia, và Eritrea, cũng như những người Kurd. Vào những năm 1990, công dân các nước thuộc Nam Tư cũ bắt đầu đổ xô vào Thụy Điển. Trong nửa cuối thế kỷ 20, chính phủ Thụy Điển phát triển một hệ thống cung cấp phúc lợi xã hội cho những người tị nạn tương tự như phúc lợi xã hội công dân Thụy Điển được hưởng.
(Nguồn US News & World Report)