Phạm vi các hoạt động theo dõi nay mai của chính phủ Hoa Kỳ có thể được quyết định trong tuần này khi Quốc hội thảo luận để cho phép tiếp tục các nỗ lực chống khủng bố sắp đáo hạn trong khi cải tổ chương trình thu thập dữ liệu gây nhiều tranh cãi.
Vấn đề được đặt ra là các hoạt động của Cơ quan An ninh Quốc gia bí mật đã bị Edward Snowden, một cựu nhân viên hợp đồng đang trốn chạy pháp luật, phanh phui và gây ra một cơn lốc chính trị cả trong lẫn ngoài nước, và mới đây bị tòa thượng thẩm liên bang phán quyết là bất hợp pháp.
Tuần trước, Hạ viện đã biểu quyết với số phiếu áp đảo tán thành việc chấm dứt hoạt động thu thập hàng loạt các hồ sơ điện thoại của người dân Mỹ. Dự luật có tên là USA Freedom Act (Tự do USA) nay chờ quyết định của Thượng viện, nơi chương trình của Cơ quan An ninh Quốc gia NSA được nhiều thành viên có thế lực bênh vực.
Trưởng khối đa số Thượng viện Mitch McConnell của đảng Cộng hòa nói với chương trình “This Week” của đài ABC: “Tôi nghĩ đó là một công cụ quan trọng để bảo vệ dân chúng trong nước.”
Ông McConnell là một trong nhiều nhà lập pháp với lập trường cho rằng việc theo dõi chặt chẽ của liên bang đối với thông tin liên lạc qua điện thoại đã có thể ngăn chặn được các vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Việc thu thập dữ liệu ồ ạt của NSA đã được phát động một cách bí mật sau biến cố 11 tháng 9, và theo giới chỉ trích, đã đi quá xa.
Thượng nghị sĩ Dân chủ Patrick Leahy nêu câu hỏi: “Nếu như chúng ta chấp nhận rằng chính phủ có thể thu thập tất cả các hồ sơ về điện thoại của chúng ta, bởi vì chính phủ có thể - có thể thôi – muốn một ngày nào đó, sàng lọc lại để đi tìm một số liên hệ có thể có với các phần tử khủng bố, thì chương trình đó sẽ kết thúc ở đâu?”
Theo dự luật 'Tự do USA', các công ty viễn thông chứ không phải là chính phủ sẽ lưu giữ các dữ liệu điện thoại.
Ông McConnell nói những quan ngại về quyền riêng tư do dự luật gây ra đã bị thổi phồng và không có cơ sở, và luật hiện hành vốn đã bảo vệ các hoạt động qua điện thoại của người dân Mỹ.
Ông McConnell giải thích: “Không có ai ở NSA thường xuyên nghe các cuộc nói chuyện qua điện thoại. Để có thể nghe được bất cứ một cuộc nói chuyện nào qua điện thoại, NSA phải xin một án lệnh của tòa. Tôi không muốn chúng ta ‘mù mắt’ trước những đe dọa, thực ra, tôi sợ rằng dự luât được Hạ viện thông qua về cơ bản sẽ là sự kết thúc của chương trình.”
Nhưng liệu chương trình có thực sự đánh bại được mọi âm mưu khủng bố hay không là một vấn đề gây tranh cãi, và sẽ là đề tài tranh luận sối nổi tại Thượng viện trong những ngày sắp tới. Vấn đề này gây chia rẽ cả trong các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa, và đã phơi bày một sự rạn nứt về việc đâu là nơi để lập thế quân bình giữa an ninh quốc gia và tự do dân sự.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Steve Daines nói: “Các phần tử khủng bố nhất định phá hoại lối sống của chúng ta, nền tảng tự do và công lý cho tất cả mọi người của quốc gia chúng ta. Nhưng trong khu chúng ta củng cố các khả năng tình báo quốc gia chúng ta, thì chúng ta cũng phải dành sức mạnh và quyết tâm tương tự để bảo vệ hiến pháp của chúng ta, các quyền tự do dân sự của chúng ta, chính là nền tảng của đất nước này. Nếu các lực lượng xấu thành công trong việc lèo lái các nhà lãnh đạo ở Washington để làm xói mòn các giá trị hợp hiến cốt lõi của chúng ta, thì chúng ta sẽ đem lại cho các phần tử khủng bố này một chiến thắng mỹ mãn. Chúng ta không bao giờ nên cho phép việc này xảy ra.”
Thượng viện chỉ còn vài ngày để quyết định. Trong khi Bộ luật Yêu Nước (Patriot Act) cho phép việc thu thập dữ liệu ồ ạt sẽ hết hạn vào ngày 1 tháng 6, Thượng viện sẽ nghỉ họp trong tuần lễ cuối tháng này. Một cuộc thách thức pháp lý tiếp tục với chương trình của NSA sẽ được quyết định bởi Tối cao Pháp viện, nhưng sẽ gây nhiều tranh cãi nếu như Quốc Hội tự ý chấm dứt chương trình.