Các nhà thương thuyết về hạt nhân của Iran đang tăng tốc độ trong lúc chỉ còn hai ngày nữa là đến thời hạn chót 30 tháng 6.
Hôm Chủ nhật, phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Ngoại giao John Kerry dẫn đầu đã mở các cuộc đàm phán cấp cao với phái đoàn Iran do Bộ trưởng Ngoại giao Mohammad Javad Zarif đứng đầu.
Ngoại trưởng Kerry cũng sẽ họp với đại diện của các nước khác trong nhóm P5+1, gồm 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và Đức.
Trong mấy ngày qua, một số thương thuyết gia tỏ ý sẵn lòng làm việc thêm vài ngày sau ngày 30 tháng 6 nếu cần có thêm thời gian để đạt đến thỏa thuận dỡ bỏ các lệnh chế tài đối với Iran và để bảo đảm với các cường quốc thế giới rằng khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân của Iran bị giới hạn.
Các giới chức Iran hôm Chủ nhật nói rằng ông Zarif sẽ trở về Iran trong 24 giờ đồng hồ để tham khảo trước thời hạn chót. Họ cũng nói thêm rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài quá ngày 30 tháng 6.
Đại diện của Liên hiệp Châu Âu, bà Federica Mogherini nói rằng các nhà thương thuyết sẽ có một số uyển chuyển khi cần phải có thêm thời gian.
Nói chuyện với các phóng viên báo chí hôm Chủ nhật ở Vienna, bà nói nếu cần có thêm vài ngày nữa thì các nhà thương thuyết sẽ có được.
Bà Mogherini nói các cuộc đàm phán "luôn gây cấn" nhưng các nhà thương thuyết có thể thỏa thuận được, nếu "có một quyết tâm chính trị."
Hôm thứ Bảy, Ngoại trưởng Kerry nói các thương thuyết gia vẫn cần phải giải quyết "những vấn đề rất gây cấn."
Ngoại trưởng Pháp: Những vấn đề gây cấn vẫn tồn đọng
Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius hôm thứ Bảy nói rằng 3 điều kiện vẫn cần phải được giải quyết để bảo đảm một thỏa thuận thành công.
Ông nói những điều kiện đó là Iran phải chấp nhận để cho các địa điểm hạt nhân tình nghi được thanh tra kỹ lưỡng, những giới hạn dài lâu đối với khả năng nghiên cứu và phát triển hạt nhân của Iran, và một cơ chế nhanh chóng tái áp dụng các biện pháp chế tài một khi Iran vi phạm các điều kiện của thỏa thuận.
Ông Kerry đã họp với Ngoại trưởng Fabius sau khi hai bên họp riêng với Ngoại trưởng Iran Zarif.
Một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết ông Kerry và ông Fabius họp với nhau khỏang một giờ đồng hồ. Giới chức này cho biết ông Kerry đã chia buồn với Ngoại trưởng Pháp về vụ tấn công khủng bố ở Pháp hôm thứ Sáu, và hai ông cũng bàn về các vụ tấn công ở Tunisia và ở Kuwait.
Hồi tháng 4, Iran và Hoa Kỳ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức đã đồng ý một kế hoạch được dùng làm nền tảng cho một thỏa thuận chung cuộc để dỡ bỏ các lệnh chế tài đối với Iran và hạn chế khả năng của Iran có thể chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, một nhà ngoại giao hàng đầu của phương Tây nói với các phóng viên báo chí ở Vienna với điều kiện không nêu tên rằng những vấn đề khó khăn nhất cần phải được giải quyết trong những ngày tới, trong đó có việc Liên hiệp quốc thanh sát các địa điểm hạt nhân của Iran, vấn đề minh bạch, các lệnh chế tài và tầm cỡ quân sự có thể có của Iran trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Câu hỏi đặt ra về thời hạn chót
Một số nhà ngoại giao nói rằng thời hạn chót thực sự cho thỏa thuận sẽ không phải là ngày 30 tháng 6, nhưng là ngày 9 tháng 7. Sau ngày đó, một khung thời gian cho cuộc duyệt xét bắt buộc của quốc hội sẽ được triển hạn từ 30 ngày cho đến 60 ngày.
Nhà phân tích Emanuele Ottolenghi của Quỹ Quốc phòng và Dân chủ nói rằng các nhà thương thuyết sẽ làm việc quá ngày 30 tháng 6, nếu cần thiết, để giải quyết những vấn đề tồn đọng là hợp lý.
Tuy nhiên ông nói những lần gia hạn trước đó trong tiến trình đám phán hạt nhân với Iran đã mang lại thêm những nhượng bộ có lợi cho phía Iran.