Quyết định chọn Việt Nam làm nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un về phần lớn được dựa trên sự thuận tiện và an ninh, tuy nhiên không chỉ có vậy.
Theo hãng tin AP, mục tiêu của Washington trong cuộc gặp thượng đỉnh ngày 27-28/2 sắp tới tại Việt Nam là để Triều Tiên đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Còn phía Triều Tiên có một mục tiêu rộng lớn hơn, đó là tìm cách loại bỏ “mối đe dọa hạt nhân” từ các lực lượng quân sự Hoa Kỳ trú đóng tại Hàn Quốc.
Trong khi đó nước chủ nhà Việt Nam hy vọng rằng đăng cai tổ chức thượng đỉnh này sẽ tăng cường đòn bẩy ngoại giao của Việt Nam chống lại nước láng giềng hùng mạnh Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp về chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông.
Vẫn theo AP, Việt Nam, cựu thù của Mỹ, đã chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường tự do dưới sự điều hành một hệ thống chính trị cộng sản, còn có một ý nghĩa lớn hơn cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần này.
XEM THÊM: Nguồn tin từ VN: ‘Khả năng cao’ thượng đỉnh Trump-Kim ở Đà Nẵng; tiền trạm Mỹ đã hiện diệnAP trích nhận định của tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, một nhà nghiên cứu thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak ở Singapore, nói rằng: “Qua việc chọn Việt Nam, hai nhà lãnh đạo đánh đi một thông điệp chiến lược mạnh mẽ tới thế giới rằng họ sẵn sàng đưa ra quyết định đột phá để biến thù thành bạn, và cùng nhau biến thế giới thành một nơi tốt đẹp hơn, theo gương của mối quan hệ Mỹ-Việt.”
Trong khi đó đài Al-Jazeera bình luận rằng trong nhãn quan của Washington, việc chọn Việt Nam làm cố vấn cho Triều Tiên sẽ có hiệu quả cả về mặt chính trị lẫn kinh tế.
Hãng tin của Qatar lý giải rằng Việt Nam có một mối quan hệ tốt với cả Washington và Bình Nhưỡng, trong khi Hà Nội vẫn duy trì lập trường trung lập trong việc lãnh tụ Kim Jong Un phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.
New York Times lý giải về Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức sự kiện chính trị quốc tế quan trọng này là do mối quan hệ tốt với cả Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Triều Tiên.
Chính quyền của Tổng thống Trump cho rằng Việt Nam là một hình mẫu cả về chính trị và kinh tế mà Triều Tiên nên theo đuổi. Dù là cựu thù, Mỹ và Việt Nam giờ đây trở thành đối tác với kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 451 triệu đôla năm 1995 lên đến 52 tỷ đôla năm 2016, và Việt Nam trở thành một trong những thị trường xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Mỹ.
Nhiều tờ báo hôm 6/2 nhận định rằng Washington nhìn nhận mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên có thể được cải thiện theo chiều hướng tích cực như giữa Mỹ và Việt Nam.
AFP dẫn lời chuyên gia quan hệ quốc tế Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho rằng “ông Kim Jong Un sẽ quan tâm đến việc tận mắt chứng kiến câu chuyện Việt Nam, vốn có thể là nguồn cảm hứng tốt và là mô hình để ông nghĩ về con đường phía trước cho Triều Tiên.”
XEM THÊM: Thượng đỉnh tại Đà Nẵng: VN là bằng chứng để Trump thuyết phục KimAP dẫn lời ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho rằng điểm tương đồng giữa Việt Nam và Singapore chính là điều kiện an ninh đảm bảo cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
Về phía Triều Tiên, Việt Nam là đồng chí, anh em từng ủng hộ, hỗ trợ nhau trong chiến tranh và trên các diễn đàn quốc tế.
Ông Hiebert bày tỏ sự tin tưởng vào năng lực của đội ngũ an ninh Việt Nam trong việc đảm bảo an toàn cho các lãnh đạo quốc tế cũng như mọi điều kiện tốt nhất cho hội nghị.
Theo ông Hiebert, Tổng thống Trump từng dự hội nghị APEC 2017 ở Đà Nẵng và “quen thuộc với quốc gia này cũng như có mối quan hệ tốt với các lãnh đạo Việt Nam.”
Ông Hiebert phân tích: “Việt Nam và Triều Tiên có mối quan hệ tình đồng chí cộng sản thâm niên, do đó Triều Tiên thân thiết với quốc gia cũng như quan chức của nước này. Triều Tiên cũng cảm thấy an tâm rằng Việt Nam có khả đảm bảo an ninh cho lãnh tụ Kim.”
Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Huỳnh Tấn Vinh, chủ tịch hiệp hội du lịch của thành phố Đà Nẵng, cho biết thành phố biển này "đáp ứng được yêu cầu về an ninh sau kinh nghiệm tổ chức APEC 2017". Ông Vinh khẳng định "chỉ cần được thông báo trước ba giờ, chúng tôi vẫn có thể đáp ứng được mọi yêu cầu".
Hãng tin Reuters trích lời ông Cao Sĩ Kiếm, cựu thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, người đã ban hành những cải cách sâu rộng về chính sách tiền tệ của Hà Nội từ năm 1989-1997, nhận định về thời kỳ mở cửa kinh tế: “Chúng tôi phải chấp nhận sự pha loãng quyền lực.”
Triều Tiên có thể học được điều gì đó từ đà tăng trưởng kinh tế gây ấn tượng của Việt Nam, nhờ những cải cách kinh tế táo bạo, hội nhập tích cực vào nền kinh tế thế giới và quan hệ đối tác tốt đẹp với các đối tác chiến lược, với Hoa Kỳ và Hàn Quốc trong số những nước quan trọng nhất, ông Vũ Minh Khương, phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew của Singapore nói với AP.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào tháng 7 năm ngoái đã đưa ra quan điểm tương tự khi ông đến thăm Hà Nội vào sau hai ngày hội đàm tại Triều Tiên.
“Các nhà lãnh đạo của Việt Nam nhận ra đất nước của họ đã thực hiện cải cách, mở cửa và xây dựng các mối quan hệ mà không đe dọa đến chủ quyền đất nước, sự độc lập và mô hình của chính phủ,” ông Pompeo phát biểu trước cộng đồng doanh nghiệp tại Hà Nội.
“Tôi có một thông điệp cho Lãnh tụ Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của ông có thể đi theo con đường này. Đây chính là cơ hội của ông nếu ông sẽ nắm bắt,” ông Pompeo nói.
Theo phân tích của ông Hiebert, Việt Nam hiện đang lún sâu vào một cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông gay gắt với Trung Quốc, đó là lý do Hà Nội tìm kiếm sự hỗ trợ ngoại giao trong khu vực cũng như trên trường quốc tế như một hàng rào chống lại Bắc Kinh, và đăng cai một hội nghị thượng đỉnh như thế này chắc chắn sẽ củng cố thêm vị thế quốc tế của Việt Nam.
Vẫn theo nhà học giả của CSIS này, giúp Washington đạt được các mục tiêu trong chính sách trên bán đảo Triều Tiên có thể giúp Việt Nam tăng cường mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, vừa củng cố quan hệ thương mại và đầu tư, vừa đóng một vai trò đối trọng mang tính chiến lược với Trung Quốc.
Your browser doesn’t support HTML5