Một loại thuốc đã được chứng minh làm giảm phân nửa nguy cơ tử vong từ một loại ung thư phổi, nếu uống hàng ngày sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u, theo kết quả thử nghiệm lâm sàng được trình bày hôm 4/6.
Các kết quả được công bố tại Chicago tại hội nghị thường niên lớn nhất của các chuyên gia ung thư, do Hiệp hội Ung bứu Lâm sàng Hoa Kỳ tổ chức.
Ung thư phổi là dạng bệnh gây tử vong nhiều nhất, với khoảng 1,8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Phương pháp điều trị được phát triển bởi tập đoàn dược phẩm AstraZeneca được gọi là osimertinib và được bán trên thị trường với tên Tagrisso. Liệu pháp này nhắm vào một loại ung thư phổi cụ thể ở những bệnh nhân mắc cái gọi là ung thư tế bào không nhỏ, loại phổ biến nhất và cho thấy một loại đột biến cụ thể.
Những đột biến trên thụ thể yếu tố tăng trưởng biểu bì, hay EGFR, gây ảnh hưởng từ 10% đến 25% bệnh nhân ung thư phổi ở Hoa Kỳ và Châu Âu, và 30 đến 40% ở Châu Á.
Thử nghiệm lâm sàng bao gồm khoảng 680 người tham gia ở giai đoạn đầu của bệnh (giai đoạn 1b đến 3a), tại hơn 20 quốc gia. Trước tiên, họ phải được phẫu thuật để loại bỏ khối u, sau đó một nửa số bệnh nhân được điều trị hàng ngày và số còn lại dùng giả dược.
Kết quả cho thấy việc uống thuốc làm giảm 51% nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, khi so sánh những người uống thuốc với những người uống giả dược.
Sau 5 năm, 88% bệnh nhân điều trị vẫn còn sống, so với 78% bệnh nhân dùng giả dược.
Ông Roy Herbst của Đại học Yale, người trình bày công trình ở Chicago, cho biết những dữ liệu này “rất ấn tượng”. Ông nói thêm trong một cuộc họp báo rằng loại thuốc này giúp “ngăn ngừa ung thư lan đến não, gan, xương”.
Ông cho biết khoảng 1/3 trường hợp ung thư không phải tế bào nhỏ có thể được phẫu thuật khi phát hiện.
Osimertinib đã được cấp phép ở hàng chục quốc gia cho nhiều chỉ định khác nhau và đã được cấp cho khoảng 700.000 người, theo thông cáo báo chí từ AstraZeneca.
Sự chấp thuận của thuốc ở Hoa Kỳ cho giai đoạn đầu năm 2020 dựa trên dữ liệu trước đó cho thấy sự cải thiện về khả năng sống sót không bệnh tật của bệnh nhân, tức là thời gian bệnh nhân sống mà không bị ung thư tái phát.
Ông Herbst cho biết không phải tất cả các bác sĩ đều áp dụng phương pháp điều trị này và nhiều người đang chờ dữ liệu về tỷ lệ sống sót chung được công bố vào ngày 4/6.
Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải sàng lọc bệnh nhân để tìm xem họ có đột biến gen EGFR hay không. Nếu không, ông nói, “chúng ta không thể sử dụng phương pháp điều trị mới này.”
Osimertinib, nhắm vào thụ thể, gây ra các tác dụng phụ bao gồm mệt mỏi nghiêm trọng, ngứa da hoặc tiêu chảy.