Thuế thuế thuế, thuế sắp về

Trụ sở của Sở Thuế Liên bang tại thủ đô Washington.

Tựa bài này là tôi chế lời từ một khúc nhạc xuân nhiều người quen hát mỗi khi Tết sắp về để nói lên chút tâm trạng vui vui, như tôi và nhiều người đang có, vì khai thuế xong là đã làm tròn bổn phận công dân và năm nay sẽ lấy lại được tiền thuế từ chính phủ.

Mùa khai thuế ở Mỹ, kéo dài từ đầu tháng Hai đến giữa tháng Tư, có người vui và cũng có người không vui, nhưng không phải là cái buồn 30/4 của nhiều người Việt như phát biểu của một lãnh đạo Việt Nam. Vui vì sắp nhận tiền nhà nước hoàn trả, còn chút buồn là vì sẽ không được nhận tiền thuế mà còn phải phải ký ngân phiếu trả thêm cho chính phủ vì năm qua chưa nộp đủ. Nhưng đó là những điều bình thường trong đời sống Mỹ.

Nếu thiếu thuế mà không trả trước hạn chót là ngày 15/4 - năm nay là 18/4 -, thì sẽ phải trả tiền phạt cộng thêm tiền lời trên số thuế còn thiếu. Nếu xin, sẽ được gia hạn đến ngày 17/10, tuy nhiên nếu thiếu thuế thì vẫn phải gửi ngân phiếu cho sở thuế trước ngày 18/4 để khỏi bị phạt.

Ở Mỹ chính phủ thường lấy thuế lợi tức cá nhân của dân trước, nên mỗi năm đến kỳ hạn nói chung ai cũng lo, lo hoàn tất hồ sơ khai thuế để lấy thuế về hay phải trả thêm cho chính phủ thì cũng cần chuẩn bị các giấy tờ về số lương và các khoản thu nhập bị đánh thuế hay chi tiêu được trừ thuế trong năm qua. Thuế cá nhân mỗi năm lo một lần, còn nếu là chủ cơ sở thương mại thì cứ ba tháng phải hoàn tất hồ sơ thuế với đống giấy tờ, hóa đơn, với khoản đóng vào quỹ an sinh, quỹ y tế cho nhân viên, còn không sẽ bị cảnh cáo, bị phạt làm nhức đầu thêm. Không có chuyện đút lót, chạy chọt.

Theo một thăm dò của Bankrate.com do cơ quan Princeton Survey Research Associates International thực hiện thì năm nay sẽ có 55% hồ sơ khai thuế nhận được tiền hoàn lại từ chính phủ, trong khi đó 24% sẽ phải trả thêm và 12% thì không nhận lại cũng không phải nộp thêm.

Internal Revenue Service (IRS), tức Sở Thuế Liên bang, tiên đoán tiền thuế trung bình nhà nước trả lại dân năm nay là 2,900 đôla cho một hồ sơ, so với năm ngoái là 2,800 đôla và năm 2014 là 3,116 đôla.

Đóng thuế là nếp sống Mỹ, vì thế dân mới có câu: “Ở đời có hai thứ không thể tránh, là cái chết và trả thuế.”

Một em bé khi vừa lọt lòng mẹ ở Mỹ là có hai thứ giấy tờ để xác minh bản thân là khai sinh và thẻ an sinh xã hội.

Giấy khai sinh ghi tên, ngày tháng năm và nơi sinh. Thẻ an sinh xã hội chỉ có tên em bé và dãy số 123-45-6789 rất quen thuộc và nhớ nằm lòng đối với người lớn, vì không có nó sẽ không có việc làm, không thể được trả lương, không góp vào quỹ an sinh xã hội để về già có tiền hưu trí từ Sở An sinh Xã hội (Social Security Administration - SSA) của chính phủ. Trừ khi chỉ muốn đi làm chui lấy tiền mặt.

Đó là mã số gắn liền với cuộc đời của một người dân Mỹ từ lúc sinh ra cho đến khi lìa trần.

Với những người đến Mỹ trong tư cách tị nạn hay di dân, ngoài thẻ I-94 hay thẻ xanh thì cũng được chính phủ cấp cho thẻ an sinh xã hội để có thể làm việc, đóng thuế liên bang, thuế tiểu bang, đóng góp vào quỹ an sinh xã hội, y tế. Tất cả đều là những khoản thuế căn bản mà ai làm việc ở Mỹ cũng phải đóng.

Nếu có thu nhập thấp thì không phải nộp thuế mà có khi còn được chính phủ cho thêm tiền khi khai thuế. Còn đi làm với lương càng cao thì mức nộp thuế cũng càng nhiều.

Vài thập niên qua trong chính trường Hoa Kỳ chính sách thuế có nhiều ảnh hưởng đến đời sống của dân. Trong cuộc tranh cử tổng thống năm nay, Thượng Nghị sĩ Marco Rubio đề nghị giảm xuống để chỉ còn 3 mức thuế thu nhập cá nhân khác nhau, trong khi Thượng Nghị sĩ Ted Cruz muốn chỉ dùng một mức thuế thu nhập là 10% cho mọi người. Đó là phía Cộng hòa, bên Dân chủ có Thượng Nghị sĩ Bernie Sanders muốn đánh thuế nhiều hơn cho những ai có thu nhập cao, để tiến đến nền dân chủ xã hội mà ông chủ trương trong cuộc vận động tranh cử hiện thời.

Thuế thu nhập liên bang hiện nay có 7 mức khác nhau. Một người với lương một năm dưới 9,225 đôla thì mức thuế là 10%, cao hơn số đó và tới mức 37,450 đôla là 15%, đến 90,750 đôla là 25%, đến 189,300 đôla là 28%, đến 411,500 đôla là 33%, đến 413,200 là 35% và cao nhất là 39.6% cho lương từ 413,201 đôla một năm trở lên. Nếu vợ chồng khai thuế chung sẽ được giảm thuế.

Đó là mức thuế trên số tiền lương đi làm, còn thuế đánh vào tiền lời do mua bán cổ phiếu hay đầu tư thì lại khác, thường cao hơn. Nhưng nếu đầu tư hay kinh doanh mà bị thua lỗ thì cũng được giảm thuế vì Hoa Kỳ là quốc gia với những chính sách khuyến khích tự do kinh doanh để phát triển kinh tế.

Chính phủ cũng giảm thuế cho những khoản tiền từ thiện để khuyến khích người dân đóng góp cho tôn giáo, xã hội, cho các cơ sở bác ái và giáo dục.

Khai thuế có thể đơn giản, nhưng cũng có thể rất phức tạp tùy theo thu nhập, đầu tư, tiền mua nhà trả góp, mua bán cổ phiếu, đóng góp cho chùa chiền, hội từ thiện. Cách đây hơn hai mươi năm, trước thời công nghệ thông tin bùng nổ, nếu bạn đi làm và có trả thuế thì đầu năm sẽ nhận được tập sách từ IRS với giấy khai thuế, phần chỉ dẫn cách khai và bảng chiết tính số tiền thuế phải theo mức thu nhập của năm. Nay IRS có mọi thứ trên mạng cho người thọ thuế tham khảo.

Nay cũng có những phần mềm nạp vào máy điện toán rồi mình tự làm hồ sơ thuế nếu có hiểu biết căn bản, còn không phải cần đến văn phòng khai thuế rất đang rất bận rộn với thân chủ trong những ngày này.

Đúng là thuế ở Mỹ, cũng như cái chết, là điều không thể tránh khỏi. Trước hết là FICA, tức các loại thuế căn bản người dân ở Mỹ đi làm bắt buộc phải đóng góp. Khi bắt đầu đi làm chính thức là Sở An sinh Xã hội – SSA – mở ra cho cá thể một hồ sơ, trong đó ghi thu nhập mỗi năm và là tài liệu xác minh có đóng thuế cho quỹ này cũng như quỹ chăm sóc y tế Medicare, để đến khi về hưu được hưởng.

Hiện nay tiền đóng vào quỹ SSA là 12.4% của mức thu nhập, một nửa từ chủ nhân, một nửa trừ ra từ lương của công nhân. Thí dụ một công nhân đi làm với mức lương 3 nghìn đôla một tháng thì mỗi tháng số tiền chủ phải bỏ vào quỹ SSA cho người đó là 186 đôla (6.2% của 3,000) và công nhân bỏ vào 186 đôla, trừ thằng từ lương, tổng cộng là 372 đôla. Lương cao thì chủ và thợ cũng đóng vào quỹ nhiều, cho đến khi chạm mức 118,500 đôla một năm thì sẽ không góp nhiều hơn nếu có số thu nhập còn cao hơn nữa.

Tiền đóng vào quỹ chăm sóc y tế cho tuổi hưu không có giới hạn mức lương. Chủ và thợ mỗi bên đóng 1.45%. Nếu có thu nhập trên 200 nghìn đôla một năm, hay 250 nghìn đôla cho một cặp vợ chồng, thì sẽ phải đóng thêm 0.9% cho quỹ này.

Trong một số ngành nghề của chính phủ, công nhân viên sẽ không đóng tiền hưu trí cho SSA mà cho quỹ riêng của nghiệp đoàn nhưng vẫn phải đóng vào quỹ y tế hưu trí liên bang Medicare.

Thuế an sinh xã hội SSA, hay một loại thuế hưu trí của cơ quan, và Medicare là hai loại thuế mà người đi làm phải đóng góp và chỉ được hưởng phúc lợi khi về hưu, sớm nhất là 62 tuổi cho quỹ an sinh xã hội và 65 tuổi cho chăm sóc y tế. Văn phòng phát lương của cơ quan lo trả cho chính phủ các khoản thuế này, nhân viên cần theo dõi xem số tiền đóng góp được trừ từ lương cho đúng.

Trước đây có những di dân đến Hoa Kỳ, trong đó có người Việt, mà ở vào hoàn cảnh khó khăn hay vì đã cao tuổi nên không thể làm việc để mưu sinh thì chính phủ vẫn giúp đỡ tài chánh, gia cư và được chăm sóc y tế. Nếu ra nước ngoài ở lâu những trợ giúp này sẽ chấm dứt. Còn những ai đã có đủ thời gian làm việc tại Hoa Kỳ, sau này về hưu thì dù ở đâu cũng nhận được tiền an sinh xã hội, vì đó là tiền của chính họ đã đóng góp vào quỹ.

Sở SSA ngày nay không gửi báo cáo thu nhập hàng năm nữa. Vì thế ít ra mỗi năm nên vào mạng của cơ quan này một lần xem báo cáo thu nhập của chủ công ty cho nhà nước có đúng không.

Trang mạng của SSA cũng có thể giúp một người ước tính đến tuổi về hưu sẽ nhận được bao nhiêu tiền một tháng và căn cứ vào đó để tiết kiệm thêm. Chuyện để dành luôn được nhà nước cổ vũ qua các quỹ hưu trí do tư nhân quản lý như 401(k) và IRA để người về hưu sẽ có được cuộc sống đầy đủ sau nhiều năm đóng góp cho xã hội.

Nói về các thứ thuế mà dân Mỹ phải đóng thì khá nhiều. Ngoài thuế liên bang, thuế tiểu bang còn có thuế địa phương từ quận hạt, thành phố; thuế nhà đất, thuế mua bán, thuế để phát triển học đường, bảo trì cầu đường v.v…

Ở vùng Vịnh San Francisco, cư dân đi mua sắm phải trả thuế mua bán – sale tax – từ 8% đến hơn 10% vì riêng thuế của tiểu bang California đã là 7.5%, cộng thêm các thuế địa phương. Chỉ có mua thực phẩm để nấu ăn là không phải trả thuế. Các cơ sở thương mại, siêu thị cứ thu thuế ngay từ người tiêu dùng rồi sau đó nộp cho chính phủ.

Tuy nhiên cũng có dăm tiểu bang ở Mỹ không có thuế mua bán là Oregon, Alaska, Montana, New Hamsphire và Delaware.

Mới đây một người quen từ Sài Gòn, có nhà ở khu Phú Mỹ Hưng, đang chuẩn bị sang Mỹ định cư và hỏi tôi về giá nhà bên Mỹ, tiền thuế ra sao nếu mua nhà trả hết một lần. Tôi nói trả ngay vài trăm nghìn đôla, trong đó có đôi ba chục nghìn thuế không phải là vấn đề, nhưng mỗi năm vẫn phải tiếp tục trả thuế cho căn nhà, có nơi còn phải trả lệ phí hàng tháng cho hội gia cư khu vực nữa đó mới là nỗi lo lâu dài. Ở California, nhà ba phòng ngủ hai phòng tắm, tương đối mới, gần khu đô thị, giá cũng hơn nửa triệu đô, thuế đất một năm chừng 7 nghìn đô, bảo hiểm một nghìn đô nữa. Người quen nghe thế than trời sao thuế cao quá vậy.

Ai sống ở Mỹ rồi cũng dần hiểu được rằng thuế ở đây không thấp. Nhưng đất nước này cho người dân có nhiều cơ hội để làm ra tiền, rồi mỗi năm, mỗi quý đóng thuế lại cho chính phủ để chi tiêu vào những việc công ích quốc gia.

Cứ nhìn vào những cơ sở thương mại mọc lên khắp nơi nhờ chính sách tự do kinh doanh thì một chủ nhân có tìm cách lách thuế chỗ này, chỗ kia thì vẫn đóng góp tài chánh cho đất nước vì tiểu thương chính là xương sống của nền kinh tế Mỹ. Những doanh nghiệp tìm cách trốn thuế dài dài thì sẽ không thể sống còn.

Ở Mỹ không sao tránh thuế được và đóng thuế là góp phần vào việc xây dựng quốc gia. Bạn đồng ý chứ?

* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.