Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới Đức trong chuyến thăm cấp nhà nước nhưng sẽ không có cuộc gặp chính thức với thủ tướng Angela Merkel mà chỉ gặp bà bên lề thượng đỉnh G20.
Thủ tướng Phúc được Bộ trưởng Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, Boris Rhein, và các quan chức của bang này tiếp đón tại sân bay, cùng các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và một số thành viên trong cộng đồng người Việt ở Frankfurt, theo Đài tiếng nói Việt Nam.
Theo lịch trình được Thông tấn xã Việt Nam và VOV đưa tin, thủ tướng Phúc sẽ có các cuộc tiếp xúc quan trọng như hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Trang web của chính phủ Đức cho biết Thủ tướng Phúc sẽ gặp Tổng thống Đức vào lúc 3 giờ chiều giờ địa phương, nhưng tên của Thủ tướng Việt Nam không có trong danh sách tiếp đón của thủ tướng Angela Merkel.
Chuyến thăm của Thủ tướng Phúc bị phủ bóng bởi những tin đồn về việc thủ tướng Đức “từ chối” tiếp đón nhà lãnh đạo Việt Nam, mà thay vào đó sẽ được Tổng thống Đức tiếp đón xã giao, theo Thoibao.de đưa tin, được trang Facebook của Việt Tân đăng tải lại.
Tờ Thoibao.de là báo của cộng đồng người Việt ở Đức. Trang mạng VietNamNet hôm 5/7, đăng tải một bài viết cho rằng trang mạng Thoibao.de đã “thông tin xuyên tạc, suy diễn” và “thông tin tiêu cực về chuyến thăm Đức của Thủ tướng.”
Theo Thoibao.de, lý do Thủ tướng Phúc không được bà Merkel tiếp đón là vì ngay trước chuyến đi Đức ít ngày, Việt Nam “đã tước quốc tịch của giáo sư Phạm Minh Hoàng và xét xử vội vã Bloger Mẹ Nấm – chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh để tuyên một cái án thật nặng là 10 năm tù giam cho người mẹ đang nuôi 2 con nhỏ.”
Hôm 30/6, Bộ Ngoại giao Đức chỉ trích việc blogger Mẹ Nấm bị kết án 10 năm tù giam, một người mà chính phủ Đức cho là “đấu tranh ôn hòa vì quyền tự do dân chủ.” Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phản bác lại, nói rằng bà Quỳnh đã được xử “đúng theo các quy định pháp luật Việt Nam.”
Theo dự kiến Tổng thống Đức sẽ nêu vấn đề nhân quyền liên quan tới bản án tù dành cho blogger Mẹ Nấm trong cuộc đối thoại với thủ tướng Việt Nam.
“Tăng vị thế của Việt Nam”
Thủ tướng Phúc sẽ lưu lại Đức tới ngày 8/7 để dự Hội nghị thượng đỉnh G20 – diễn đàn của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.
Trước khi ông Phúc rời Việt Nam, hãng tin Xinhua của nhà nước Trung Quốc đăng tin Việt Nam được mời tham dự trong khuôn khổ G20 năm nay, và sẽ tham gia các cuộc thảo luận của hội nghị này đồng thời góp ý cho bản dự thảo tuyên bố chung.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc Đại học George Mason (GMU) ở Washington, cho rằng sự hiện diện của Việt Nam tại diễn đàn G20 sẽ giúp “đưa Việt Nam lên bản đồ”, và Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội này để tìm cách gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới bên lề hội nghị Hamburg để “thăm dò” và chuẩn bị cho việc đăng cai diễn đàn kinh tế Châu Á Thái Bình Dương APEC vào cuối năm nay.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ nói chuyến thăm Đức và việc Việt Nam dự hội nghị G20 ở Hamburg “giúp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và tăng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”.
Các trang tin trong nước cũng cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Phúc sẽ giúp “đẩy quan hệ giữa Việt Nam và Đức lên một tầm cao mới”.
Theo số liệu của Tổng cục hải quan, Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Kim ngạch thương mại 2 chiều đạt gần 10 tỷ USD cho tới thời điểm hiện tại.