Thủ tướng Nhật muốn xét lại Hiến pháp chủ hòa

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp Francois Hollande tại cuộc họp báo ở Điện Elysé, Paris ngày 20/3/2017.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 3 tháng 5 loan báo kế hoạch xét lại Hiến pháp chủ hòa của Nhật được áp dụng từ năm 1947 tới nay.

Trong một thông điệp nhân kỷ niệm bản Hiến pháp 75 năm tuổi, Thủ tướng Abe nói ông muốn làm “rõ ràng tình trạng” của lực lượng phòng vệ, tức quân đội Nhật Bản, bằng cách tu chính Hiến pháp trước năm 2020.

Trong lúc Nhật đang đối mặt với những đe dọa an ninh tiếp diễn từ Bắc Triều Tiên, ông Abe nói không thể tranh cãi rằng quân đội “có thể vi hiến.” Quân đội Nhật hiện có hơn 227.000 quân nhân tại ngũ.

Nhật Bản tăng cường biểu dương lực lượng giữa những quan ngại về thái độ khiêu khích từ Bình Nhưỡng và đang phái hai khu trục hạm tham gia những cuộc tập trận với tàu sân bay Carl Vinson của Mỹ ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Hôm 1 tháng 5, một chiến hạm Nhật Bản cùng với một tiếp vận hạm của Hải quân Hoa Kỳ gia nhập lực lượng tấn công của tàu sân bay Carl Vinson và 3 chiến hạm khác.

Chủ nghĩa chủ hòa được ghi trang trọng trong Hiến pháp Nhật Bản với Điều 9 kêu gọi từ bỏ hoàn toàn chiến tranh. Điều khoản này đại diện một phần tính cách của Nhật Bản thời hậu chiến, và ông Abe từ lâu đã nói rõ mong muốn của ông là tu chính điều khoản này. Những lời kêu gọi trước đây duyệt xét lại điều khoản này đã gặp những phản ứng nghi ngờ tại Nhật Bản và những quốc gia khác trong đó có Trung Quốc và Hàn Quốc là những nước phản đối việc tái quân sự hóa Nhật Bản.

Những chính phủ Nhật Bản kế tiếp, cũng như các học giả, cho rằng quân đội là hợp hiến vì Hiến pháp cho phép Nhật Bản tự vệ.

Tuy nhiên, ông Abe thúc đẩy một cách diễn giải rộng hơn, và cách đây hai năm, ông đã giúp thông qua luật cho phép quân đội thực hiện những sứ mạng chiến đấu ở nước ngoài trên danh nghĩa “tự vệ tập thể” và cùng với quân đội đồng minh. Luật này được thông qua tiếp sau những tranh luận chính trị gay gắt và nhiều ngày biểu tình phản đối.

Công nhận tính nhạy cảm chính trị của đề nghị xét lại Hiến pháp, hôm 3/ 5, ông Abe nhấn mạnh Nhật phải “giữ vững ý tưởng về chủ nghĩa hòa bình.”

Các nhà phân tích nói rằng đây là một tính toán khôn ngoan nhằm trấn an những người nghi ngờ và tạo tiền lệ cho việc duyệt xét lại Hiến pháp. Thủ tướng Abe và Nội các của ông hiểu rằng Điều 9 được quần chúng ủng hộ và duyệt xét lại Điều khoản này khiến nhiều quốc gia chung quanh Nhật Bản báo động, ông Koichi Nakano, một khoa học gia về chính trị tại Trường đại học Sophia ở Tokyo nói. Mới đây vào tuần trước, một cuộc thăm dò của đài NHK cho thấy 82% những người trả lời “hãnh diện về hiến pháp chủ hòa hiện hành.”

Khoảng 55.000 tham dự một cuộc biểu tình tại Tokyo phản đối tu chính Hiến pháp và trên truyền thông xã hội, sự chống đối cũng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bất cứ việc tu chính hiến pháp nào cũng phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Một cuộc thăm dò được Kyodo News công bố tuần này cho thấy số người trả lời ngang nhau về câu hỏi có nên xét lại điều khoản chủ hòa trong Hiến pháp hay không.

(Nguồn NYT/AFP)