Thủ tướng Nhật Bản thấy khả năng Nga dùng vũ khí hạt nhân ngày càng lớn

Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản Rahm Emanuel (trái), cùng với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, đến đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân bom nguyên tử tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình ở Hiroshima vào ngày 26 tháng 3 năm 2022.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida ngày thứ Bảy nói viễn cảnh Nga sử dụng vũ khí hạt nhân "ngày càng thật," khi ông hoan nghênh đại sứ Mỹ tới thăm Hiroshima, thành phố đầu tiên hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân.

Nhật Bản, quốc gia duy nhất bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử, thường xuyên lên tiếng chống lại vũ khí hạt nhân. Ông Kishida, người đại diện cho Hiroshima trong nghị viện, đến thăm khu tưởng niệm và viện bảo tàng hòa bình của thành phố vào ngày thứ Bảy cùng với đại sứ Rahm Emanuel.

"Khi khả năng Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ngày càng thật, tôi tin rằng chuyến thăm của Đại sứ Emanuel tới Hiroshima và trải nghiệm nhìn thấy thực tế hạt nhân của ông ấy sẽ trở thành một thông điệp mạnh mẽ đối với xã hội quốc tế," ông Kishida nói với đài truyền hình công NHK.

"Tôi tin rằng chuyến thăm của chúng tôi có ý nghĩa."

Ông nói cuộc chiến của Nga ở Ukraine cho thấy những khó khăn của việc tạo nên một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Ông Putin không trực tiếp đe dọa một cuộc tấn công hạt nhân. Nhưng ông cảnh báo, khi phát động cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2, rằng bất cứ ai cản trở Nga sẽ đối mặt với "những hậu quả mà các người chưa bao giờ gặp phải trong lịch sử của mình" - một tuyên bố mà một số nhà lãnh đạo coi là lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày thứ Ba nói Nga sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại "một mối đe dọa sống còn đối với đất nước chúng tôi."

Các nhà lãnh đạo của Nhóm Bảy cường quốc công nghiệp ngày thứ Năm cảnh báo Nga chớ sử dụng vũ khí sinh học, hóa học hoặc hạt nhân trong cuộc chiến với Ukraine.