Hôm 24/11, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) thế hệ mới trong việc phát triển hạ tầng chiến lược, với các phương thức, biện pháp “linh hoạt,” “ưu đãi tối đa” để có thể sử dụng trên nhiều lĩnh vực.
Ông Chính nêu đề nghị này trong cuộc gặp với ông Kitaoka Shinichi, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) hôm 24/11, như một phần của các hoạt động của chuyến công du Nhật 3 ngày.
Truyền thông trong nước loan tin rằng Thủ tướng Chính đề nghị Nhật Bản cung cấp cho Việt Nam các khoản ODA thế hệ mới “với cách làm và biện pháp mới, cùng ưu đãi tối đa, đủ lớn và linh hoạt để sử dụng trong nhiều lĩnh vực, với thủ tục đơn giản nhất.”
Theo ông Chính, ODA sẽ tập trung vào sáu lĩnh vực bao gồm nâng cao năng lực y tế, đặc biệt là y tế tuyến cơ sở và y tế dự phòng; giảm phát thải các-bon và tăng cường khả năng ứng phó với khí hậu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung và miền núi phía Bắc; chuyển đổi số; phát triển bền vững; cải thiện an sinh xã hội và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng chiến lược.
“Việt Nam đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA và tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia JICA đến Việt Nam trong thời gian xảy ra đại dịch”, ông Chính nói.
Viện trợ ODA của chính phủ Nhật có hai loại: ODA viện trợ song phương, tức viện trợ được cung cấp trực tiếp cho các nước đang phát triển; và viện trợ đa phương được cung cấp thông qua các tổ chức quốc tế.
JICA, hoạt động tương tự như Cơ quan Phát triển Quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), cung cấp viện trợ song phương dưới các hình thức như hợp tác kỹ thuật, vốn vay ODA và viện trợ không hoàn lại.
Nhật đang là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, với số tiền lên tới gần 27 tỷ đôla Mỹ, chiếm tới xấp xỉ 30% số vốn ODA mà Chính phủ Nhật Bản dành cho các nước trên thế giới, theo Thông Tấn Xã Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cảm ơn Chính phủ Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của Việt Nam thông qua nguồn vốn ODA trong ba thập kỷ qua.
Phát biểu với truyền thông Việt Nam trước thềm chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Shimizu Akira cho biết chuyến thăm này chắc chắn sẽ nâng cao quan hệ hữu nghị và đối tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Ông Shimizu nói, mối quan hệ giữa hai quốc gia đã và đang ở giai đoạn cao nhất với sự tin tưởng lẫn nhau.
JICA đã hợp tác với Việt Nam từ năm 1992 với hỗ trợ tài chính hơn 3.000 tỷ yên (tương đương 600.000 tỷ đồng), cử 15.000 chuyên gia Nhật sang Việt Nam và đào tạo khoảng 27.000 nhân sự Việt Nam, theo văn phòng JICA Việt Nam.
Tại Việt Nam, JICA hiện đang thực hiện hợp tác với các nhà sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp, các cơ sở giáo dục, chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ của Nhật Bản nhằm hỗ trợ một cách toàn diện cho Việt Nam trong công cuộc kiến thiết đất nước, xây dựng một xã hội công bằng, thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị nhà nước.