Một ủy ban của Đảng Cộng sản Việt Nam cảnh cáo một thứ trưởng và đề nghị cơ quan thẩm quyền miễn nhiệm quan chức này.
Thông cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng phát đi chiều 31/7 cho hay, ủy ban xác định rằng bà Hồ Thị Kim Thoa, hiện là Thứ trưởng Bộ Công thương, đã có những sai phạm “nghiêm trọng” khi còn là người đứng đầu một doanh nghiệp nhà nước lớn cách đây ít năm.
Bà Thoa từng giữ các chức vụ Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang từ tháng 1/2004 đến tháng 5/2010.
Các sai phạm chính của bà Thoa được ủy ban nêu ra gồm vi phạm thủ tục cổ phần hóa doanh nghiệp, làm sai quy định về quản lý đất đai khi hợp tác đầu tư với một đối tác tại một khu đất ở thành phố Hồ Chí Minh, mua và chuyển nhượng cổ phần không đúng điều lệ của công ty, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ.
Theo cơ cấu chính trị của Việt Nam, Ủy ban Kiểm tra Trung ương “thi hành kỷ luật cảnh cáo” đối với thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa về mặt đảng, và “kiến nghị cơ quan có thẩm quyền” xem xét miễn nhiệm các chức vụ hiện nay của bà.
Tiếp theo, có phần chắc là chính phủ và Bộ Công thương sẽ thực hiện các bước của nhánh hành pháp để miễn nhiệm bà.
Càng những cấp cao thì tham nhũng thường nặng hơn. Cho nên nếu không xử lý những người ít nhất cấp thứ trưởng như vậy, sẽ làm cho xã hội sẽ rất nghi ngờ.Chuyên gia Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét với VOA rằng việc kỷ luật bà Thoa đánh dấu cố gắng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong nỗ lực chống tham nhũng, phù hợp với sự trông đợi của người dân.
Tuy nhiên, bà Lan lưu ý rằng ở Việt Nam có hàng trăm quan chức cấp thứ trưởng hoặc tương đương, trong số đó có nhiều người được cho là đã có hành vi tham nhũng. Vì vậy, việc kỷ luật một thứ trưởng chưa nói lên gì nhiều, đấy là chưa nói đến các cấp cao hơn.
“Càng những cấp cao thì tham nhũng thường nặng hơn. Cho nên nếu không xử lý những người ít nhất cấp thứ trưởng như vậy, sẽ làm cho xã hội sẽ rất nghi ngờ. Như vậy nếu có chống tham nhũng đi chăng nữa hoặc trừng trị những tội lỗi đi chăng nữa thì chỉ trừng trị cấp dưới thôi, chứ còn những người cấp cao thì có thể vi phạm mà không bị trừng trị gì, thì không thể được”.
Phải làm rõ mức độ vi phạm của bà Thoa đến đâu. Các trường hợp khác cũng vậy thôi. Nếu rút cục chỉ phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc, mà không xử lý tới nơi tới chốn hơn nữa thì như vậy cũng không nghiêm được, vẫn không thực sự chống tham nhũng được.CHuyên gia Phạm Chi Lan
Trường hợp thứ trưởng Thoa có thể không chỉ dừng ở biện pháp hành chính, nếu các bằng chứng cho thấy cần phải xử lý hình sự, theo chuyên gia Phạm Chi Lan:
“Tất cả các điều tra, bằng chứng chứng tỏ vi phạm luật mà đụng đến những tội mang tính chất hình sự hoặc phải truy tố thì phải làm tiếp. Chứ không phải chỉ có miễn nhiệm là xong. Phải làm rõ mức độ vi phạm của bà Thoa đến đâu. Các trường hợp khác cũng vậy thôi. Nếu rút cục chỉ phê bình, kiểm điểm nghiêm khắc, mà không xử lý tới nơi tới chốn hơn nữa thì như vậy cũng không nghiêm được, vẫn không thực sự chống tham nhũng được”.
Hồi tháng 10/2014, Tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng nói với cử tri rằng việc chống tham nhũng ở Việt Nam "phải bình tĩnh tỉnh táo, rất khôn ngoan, có con mắt chiến lược”.
Ông Trọng khẳng định tuy chống tham nhũng song vẫn phải “giữ cho được ổn định để đất nước phát triển”. Dẫn thành ngữ “đánh chuột đừng để vỡ bình”, người nắm quyền lực cao nhất ở Việt Nam trên thực tế nhấn mạnh: “Không phải xới tung lên tất cả, gây mất niềm tin, nghi kỵ lẫn nhau, rối loạn sẽ rất nguy hiểm”.
Về phát biểu của người đứng đầu ĐCSVN, chuyên gia Phạm Chi Lan so sánh rằng Trung Quốc, đất nước cũng theo ý thức hệ cộng sản, đã xử lý các quan chức tham nhũng ở các cấp cao hơn thứ trưởng, song chính quyền Trung Quốc vẫn “vững vàng” và “không sợ vỡ bình”.