Thính giả có tên Email là Nghiemnhananhcuong hỏi:
Xin chào Bác sỹ.
Mẹ em sau 1 lần bị sốt cao 42 độ. Sau khi hạ sốt chân bị run thường xuyên.
Cho em hỏi mẹ em bị thoái hóa 3 đốt sống cuối thì có ảnh hưởng gì tới bệnh run chân hay không.
Cảm ơn Bác sĩ"
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
1) Trường hợp giản dị nhất: sau một cơn bịnh, nhất là nếu bịnh nhân ít di chuyển một thời gian kéo dài, các cơ bắp có thể yếu và đi đứng không vững, run rẩy. Cần tập thể dục, vật lý trị liệu để lấy lại thể lực.
Nên để ý đến các thiếu sót về dinh dưỡng (năng lượng không đủ, thiếu các vitamin như vitamin B).
Sau đây là những chẩn đoán phức tạp hơn.
2) Bịnh run vô căn(essential tremor) là bịnh rối loạn cử động thường gặp nhất.Thường hai chi trên (cánh tay) bị run, lúc cử động, làm một động tác nào đó (kinetic tremor), cũng như run tư thế, lúc người bịnh muốn giữ yên tay mình trong một tư thế nào đó (postural tremor). Có thể một bên này bị năng hơn bên kia.Tuy nhiên cũng có người lại rung cái đầu, cứ phải lắc lư đầu hoài, có người bị rung thanh quản nên tiếng nói bị rung. Khá phổ biến, tính ra cứ 1000 người có thể có 3-50 người bị bịnh này, có thể nặng hoặc nhẹ.Trong gia đình có thể có những trường hợp bịnh khác (familial essential tremor) mà mình có thể không để ý đến, vì đây là một bịnh di truyền. gen gây ra bịnh này là gen trội (dominant), có nghĩa là chỉ cần cha hoặc mẹ có bịnh (mang gen này), là con cái có thể bị bịnh (50% con cái).
3) Run là một triệu chứng chính của Parkinson, tuy nhiên thường thì bịnh nhân Parkinson run lúc nghỉ ngơi, giảm run lúc cử động, trong lúc bịnh nhân essential tremor không run lúc ở yên và run nhiều lúc cử động. Các triệu chứng khác của Parkinson là cứng cơ (rigidity), đi đứng bất thường và cử động chậm chạp. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây cho thấy hai bịnh này có thể liên hệ với nhau, ví dụ người bịnh essential tremor có khả năng trở thành Parkinson nhiều lần hơn so với người bình thường.
4) Tổn thương thần kinh
Tổn thương dây thần kinh điều khiển chuyển động cơ bắp có thể gây ra run rẩy. Một số điều kiện gây tổn thương thần kinh:
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh đa xơ thần kinh (multiple sclerosis)
- Khối u
- Chấn thương
- Có thể kèm theo các triệu chứng khác của tổn thương thần kinh như đau, tê tê như kim chích, cảm giác rát nóng.
5) Bệnh cường giáp (hyperthyroidism)
Tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể gây run. Tuyến giáp sản xuất ra các hormone thyroxin điều hòa quá trình biến dưỡng của cơ thể. Hormone tuyến giáp được sản xuất quá nhiều khiến nhiều hệ thống của cơ thể hoạt động quá nhiều.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- nhịp tim nhanh
- tăng khẩu vị
- chứng lo âu
- giảm cân
- nhạy cảm với nhiệt, không chịu được chỗ nóng
- thay đổi trong kỳ kinh nguyệt
- mất ngủ
6) Bịnh lẫn (dementia, mất trí, sa sút trí tuệ)
Bịnh lẫn đi đôi với tổn thương não tiến triển có thể ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của chức năng não, kể cả chức năng chuyển động.
Một số người mắc bịnh lẫn bị run hoặc run bất thường ở chân hoặc tay. Trong một số trường hợp, chứng run này có thể là một triệu chứng sớm của bịnh lẫn.
7) Xương sống lưng (lumbar spine) và cổ (cervical spine) là nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các động tác đi đứng, khiêng nặng, cúi lên cúi xuống của chúng ta. Ngoài ra còn có thể có tác hại do tai nạn, chấn thương, bịnh béo phì cũng như tác dụng do yếu tố di truyền (có những người mang gen có tác dụng làm cho đĩa đệm của họ yếu hơn bình thường). Do đó, ít hay nhiều, nhanh hay chậm tùy theo trường hợp, trong mỗi chúng ta , các đĩa đệm đều từ từ sẽ có những dấu hiệu hư hại qua thời gian, và bắt đầu rất sớm, từ tuổi thanh niên (khoảng 20 tuổi).
95% các trường hợp đĩa đệm đè lên các dây thần kinh đi ra khỏi tuỷ sống xảy ra ở mức giữa đốt L4-5 (chèn ép rễ thần kinh L5) và L5-S1 (rễ thần kinh S1) (L là lumbar, xương sống eo lưng, S là xương thiêng hay sacrum). Triệu chứng thường gặp là đau ở vùng mà các dây thần kinh phụ trách và yếu các cơ bắp liên hệ.
- Đau, thường là cảm giác đau nhói, rát như phỏng; đau ở mông, đùi,cẳng chân, bàn chân và / hoặc ngón chân
- Tê ở bàn chân và / hoặc ngón chân
- Yếu ở chân và / hoặc cơ chân và không nhấc chân lên khỏi sàn được (foot drop)
Cũng có thể đau giới hạn vào một vùng nào đó (dermatome). Thường chỉ đau một bên chân trái hay phải, đôi khi, cả hai chân có thể bị ảnh hưởng cùng một lúc.
Chân rung cả hai bên mà không có triệu chứng về cảm giác (như tê, đau dọc theo dây thần kinh) có lẽ khó giải thích hoàn toàn bằng các thoái hoá đốt sống hay đĩa đệm nêu trên.
Cần nhờ đến bác sĩ so sánh các triệu chứng lâm sang và kết quả thăm khám với các thay đổi trên x quang thì mới kết luận được.
8) Nếu có dấu hiệu 2 hạ chi run vì cơ yếu làm khó đi hay không đi được sau khi mắc cơn bịnh sốt nóng, có thể nghĩ đến Hội chứng Guillain-Barré (GBS; Guillain- Barré Syndrome).
Hệ thống miễn dịch (immune system) của cơ thể tấn công nhầm vào một phần của hệ thống thần kinh ngoại biên, gồm các dây thần kinh nằm bên ngoài não và tủy sống. GBS có thể đi từ trường hợp rất nhẹ, bịnh nhân chỉ thấy hai chân yếu nhẹ trong thời gian ngắn, đến tình trạng tê liệt tỏa rộng, khiến người bệnh không thể tự mình thở được. Cũng may, hầu hết bệnh nhân cuối cùng sẽ hồi phục, ngay những trường hợp GBS nặng nhất, tuy nhiên một số ít sẽ tiếp tục yếu ở mức độ nào đó.
Hội chứng Guillain-Barré có thể tấn công ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp hơn ở người lớn và người lớn tuổi, và cả hai giới nam nữ tỉ số mắc bịnh giống nhau. GBS là một rối loạn thần kinh hiếm gặp . Chừng 6-40 người sẽ mắc chứng GBS trong dân số 1000.000 người/mỗi năm.
Hầu hết các trường hợp khởi đầu một vài ngày hoặc vài tuần sau khi bị nhiễm virus đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa. Thỉnh thoảng phẫu thuật kích hoạt hội chứng GBS. Trường hợp hiếm, vaccine có thể làm tăng nguy cơ GBS. Gần đây, một số quốc gia trên toàn thế giới đã báo cáo tỷ lệ mắc GBS tăng sau khi nhiễm vi rút Zika.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 10 tháng 2 năm 2020
https://www.drugabuse.gov/publications/teaching-packets/neurobiology-ecstasy/section-iii/3-long-term-effects-in-monkeys
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.