Thống đốc bang California theo dự kiến sẽ loan báo trong ngày 13/3 lệnh tạm ngừng thi hành án tử hình.
Trong bài phát biểu được chuẩn bị sẵn mà các cơ quan truyền thông đã được xem qua trước khi thông báo được chính thức công bố, Thống đốc Gavin Newsom nói:
“Cố ý giết một người là điều sai trái”.
Ông viện dẫn trường hợp những người vô tội đã bị kết án về những tội ác mà họ không hề phạm, thậm chí có người đã bị hành quyết một cách oan uổng.
Ông Newsom còn lưu ý về tỷ lệ án tử hình cao một cách bất cân xứng trong các nhóm thiểu số, những người mắc bệnh tâm thần và những người không có đủ tài chánh để có đại diện pháp lý bảo vệ cho các quyền lợi của mình.
Lệnh tạm ngưng thi hành án tử hình ở California đòi hỏi phải có một lệnh hành chính khác để loại bỏ hình thức tử hình bằng cách tiêm thuốc.
Trong số 737 tù nhân có tên trong danh sách tử tội chờ ngày thi hành án ở California, không có ai được thả hoặc thay đổi bản án.
Lần cuối cùng một tù nhân bị xử tử ở tiểu bang này là năm 2006.
Các nhóm bênh vực nhân quyền đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của Thống đốc Newsom.
Alison Parker, Giám đốc điều hành của Tổ chức Human Rights Watch tại Hoa Kỳ, nói rằng thống đốc Newsom “đã đưa ra một lập trường đạo đức mạnh mẽ” và tổ chức này hy vọng các tiểu bang khác sẽ noi gương ông.
Trong khi đó, một số tổ chức thi hành công lực chỉ trích quyết định này.
Michelle Hanisee, Chủ tịch Liên Hội Công tố viên, mô tả lệnh ngưng tử hình của ông Newsom là “nóng vội và thiếu cân nhắc”. Bà nói Thống đốc Newsom đã làm ngược với ý nguyện của người dân California.
Vào năm 2016, một cuộc biểu quyết nhằm chấm dứt hình phạt tử hình ở bang California đã bị đánh bại, trong khi một đề nghị khác muốn cắt ngắn thời gian chờ thi hành án tử hình, được thông qua với đa số sít sao.
Trong tất cả 50 tiểu bang của Hoa Kỳ, 20 bang đã bỏ án tử hình. Thống đốc bang Pennsylvania và Thống đốc bang Oregon đã đưa ra lệnh của riêng họ để ngưng các vụ hành quyết.
Theo các dữ liệu từ Trung tâm thông tin về các án tử hình thì có tổng cộng 25 vụ hành quyết diễn ra tại Hoa Kỳ trong năm ngoái, 13 trong số đó diễn ra ở bang Texas.