Ba phần tư năm 2016 đã qua nhưng chiến dịch được mệnh danh là “Chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng vẫn chưa nhúc nhích bao nhiêu. Thời gian sắp hết, nếu tính toán đến thời điểm cuối năm 2017 là lúc ông Trọng phải giữ cam kết với Bộ Chính trị trước Đại hội XII là sẽ “nghỉ” vào giữa nhiệm kỳ khóa XII. Nếu không làm ít ra được vài “việc cần làm ngay” theo cách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh 30 năm về trước, Nguyễn Phú Trọng không những sẽ không để lại dấu ấn nào trong suốt chiều dài chính trị lê thê vô vị của mình, mà mũi lao do ông chủ đích phóng ra còn có thể quay ngược lại chĩa vào ông sau khi rời chức vị tổng bí thư.
‘Không can thiệp chuyện nội bộ của Việt Nam’
Nếu lấy mốc thời điểm từ đầu tháng 6/2016 khi Tổng Bí thư Trọng phát động chiến dịch “chống tham nhũng” với “ruồi” đầu tiên mang tên Trịnh Xuân Thanh, cho tới nay thật quá khó để so sánh chiến dịch lận đận này với cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” long trời lở đất của Tập Cận Bình.
Với một ít nước cờ mà đã bộc lộ gần hết “cơ” của ông Trọng, thì chỉ có thể đặt tên cho chiến dịch đang phát động của ông là “đập muỗi diệt ruồi”.
Thậm chí ngay cả “ruồi” Trịnh Xuân Thanh cũng đã biến mất không để lại một dấu vết, tạo nên một thất bại quá hiển nhiên cho Tổng Bí thư Trọng. Nội bộ xáo xào. Ai đoán được thế lực chính trị nội bộ nào đã bắc cầu cho Trịnh Xuân Thanh để chống đảng và gây nên một cú scandal khiến điều được gọi là uy tín của tổng bí thư đương nhiệm bị sa sút đáng kể?
Your browser doesn’t support HTML5
Không những thế, một thất bại gián tiếp cũng vừa lộ diện: Đại sứ quán Đức đột nhiên tổ chức một cuộc họp báo vào ngày 28/9/2016 tại Hà Nội. Phó Đại sứ Wolfang Manig cho biết Việt Nam đã phát lệnh truy nã quốc tế đối với ông Trịnh Xuân Thanh thông qua Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế Interpol. Đến nay, vẫn chưa có thông tin chi tiết cho biết ông Thanh đang ở đâu. Mà khi chưa có thông tin chi tiết về việc ông Trịnh Xuân Thanh đang ở đâu thì vấn đề dẫn độ nhân vật này không được đặt ra.
Chắc hẳn câu trả lời của phía Đức đã khiến giới quan chức đảng, đặc biệt là ông Nguyễn Phú Trọng, tràn trề thất vọng. Có thể hiểu câu trả lời đó có hai ý: thứ nhất, không khẳng định sự hiện diện của Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức và do đó có thể hiểu ông Thanh đang có thể ở bất cứ nơi nào trên thế giới, kể cả… Việt Nam; thứ hai, không hứa hẹn bất cứ một động tác hỗ trợ tư pháp nào để giúp chính quyền Việt Nam tìm ra, hoặc nếu tìm được thì sẽ dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về Việt Nam.
Câu trả lời của phía Đức như thể vụ Trịnh Xuân Thanh là… chuyện nội bộ triều đình Việt Nam.
Thêm một bài học bỉ mặt cho những người “luôn quan tâm và bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam”: hẳn Chính phủ Đức không thể nào quên vụ một nghị sĩ Đức, ông Martin Patzelt, đã bị Bộ Công an Việt Nam gây khó khăn đến mức nào khi ông muốn tham dự phiên tòa sơ thẩm xử blogger bất đồng chính kiến Anh Ba Sàm tại Hà Nội vào tháng 3/2016. Khi đó, Hà Nội đã tung đội quân dư luận viên để phản ứng rằng các nghị sĩ Đức đã can thiệp vào chuyện nội bộ của Việt Nam.
Vậy thì hãy cứ để giới lãnh đạo Việt tự lo chuyện nội bộ của họ. Nỗi ám ảnh đối với chính quyền Việt Nam về thực tế giữa Việt Nam và Đức chưa có hiệp định dẫn độ đã trở nên hiện thực hóa một cách trần trụi.
Cách đây không lâu khi hùng hổ (hoặc miễn cưỡng) phát lệnh truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, Bộ Công an Việt Nam còn cho rằng cho dù không có hiệp định dẫn độ thì những quy định về tương trợ tư pháp quốc tế cũng có thể giúp Việt Nam nhận được Trịnh Xuân Thanh từ bàn tay Interpol hoặc cảnh sát một quốc gia nào đó. Một quan chức công an còn tự tin khẳng định với báo chí là Interpol có “kênh riêng” để bắt Trịnh Xuân Thanh.
Nhưng cho tới giờ, thực tế phũ phàng là trên danh sách truy nã quốc tế của Interpol vẫn không hề có cái tên Trịnh Xuân Thanh. Cũng không có bất kỳ tin tức nào về sự tồn tại của Trịnh Xuân Thanh trên thế giới, ngoài tin lan truyền trên mạng xã hội về Trịnh Xuân Thanh đang đánh bài ở… đảo Phú Quốc.
Your browser doesn’t support HTML5
Bỏ ruồi diệt hổ?
Ngay sau vụ tẩu thoát của Trịnh Xuân Thanh, động tác phải “tự cơ cấu” vào Đảng ủy Công an trung ương của Tổng Bí thư Trọng là một chỉ dấu lộ liễu về việc ông Trọng đã có thể không còn tin cậy lực lượng công an như “cánh tay sắt của đảng”, mà nôn nóng quyết định tự mình làm tất cả theo cách mà Tập Cận Bình đã ra oai với Bộ trưởng công an Chu Vĩnh Khang ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, cách thể hiện của Tập Cận Bình là nói ít làm nhiều, và làm ghê gớm. Còn với Tổng Bí thư Trọng, ngay với “ruồi” Trịnh Xuân Thanh mà còn không xử lý được, cho thấy “cơ” của ông yếu ớt đến thế nào.
Động tác phải “tự cơ cấu” vào Đảng ủy Công an trung ương của Tổng Bí thư Trọng cũng dẫn đến một kết luận quan trọng: Ủy ban Kiểm tra trung ương với trưởng ban là Ủy viên Bộ Chính trị Trần Quốc Vượng - người được xem là thân tín của Nguyễn Phú Trọng - đã không thể so sánh dù chỉ một phần nhỏ với Ủy ban Kỷ luật trung ương của Vương Kỳ Sơn - người thân tín của Tập Cận Bình. Từ tháng Sáu đến nay, dàn chuyên viên của Ủy ban Kiểm tra trung ương ở Việt Nam đã không lần ra được bất kỳ manh mối nào về bằng chứng tham nhũng của Trịnh Xuân Thanh ở PVC.
Mà cơ quan gần như duy nhất có khả năng “làm hồ sơ” về Trịnh Xuân Thanh chỉ còn là Bộ Công an.
Nhưng Bộ Công an lại thuộc quyền và lệnh của ông Tô Lâm. Sau vụ Trịnh Xuân Thanh ung dung đào thoát ngay trước mũi công an, có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng đã không còn có thể tin tưởng vào đội quân “còn đảng còn mình” này.
Vấn đề đặt ra là nếu các cơ quan nghiệp vụ của Bộ Công an không chịu, hoặc không thật sự nhiệt tình trong việc “làm hồ sơ” vụ Trịnh Xuân Thanh, Tổng Bí thư Trọng sẽ lấy đâu ra cơ sở để ít nhất cũng truy tố vắng mặt Thanh?
Chưa kể đến việc “truy nã quốc tế” đối với Trịnh Xuân Thanh đang vấp phải một rào cản lớn về tư pháp quốc tế. Có thông tin cho biết Trịnh Văn Thảo của PVC – ME, người đã trốn ra nước ngoài từ năm 2012 và đã bị Bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế, cho tới nay vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu, thậm chí cái tên Trịnh Văn Thảo còn không xuất hiện trong cả danh sách truy nã quốc tế của cơ quan Interpol.
Quá nhiều cái khó để Tổng Bí thư Trọng “thí điểm” vụ Trịnh Xuân Thanh. Chiến dịch “chống tham nhũng” của ông cũng bởi thế sẽ có nguy cơ lớn bị tan vỡ từ trong trứng nước.
Vậy phải làm sao để gỡ rối?
Nếu vụ Trịnh Xuân Thanh bế tắc, liệu ông Trọng sẽ tính toán để ra ngón đòn nào khác trong tâm thế có thể ví như “cả giận mất khôn”? Sẽ bỏ qua “ruồi” để đánh thẳng vào “hổ” chăng?
“Hổ” nào?
Khúc ngoặt bất ngờ
Những ngày cuối tháng 9/2016, cây viết Huy Đức bất ngờ tung lên mạng xã hội 2 bài “THANH hay THĂNG” và “Tảng băng nổi”. Đây có lẽ là loạt bài báo rất đáng chú ý, xét về tính tín hiệu chính trị cho cuộc thanh trừng trong nội bộ đảng CSVN sẽ bùng nổ không bao lâu nữa.
Vài tháng trước khi bắt đầu nổ ra vụ Trịnh Xuân Thanh, tác giả Huy Đức cũng đã đề cập đến nhân vật Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị và đương kim Bí thư thành ủy TP HCM, trên facebook cá nhân của mình, nhưng chỉ ở dạng status và ngắn gọn.
Đây là lần đầu tiên Huy Đức đề cập trực tiếp với chiều sâu về Đinh La Thăng với rất nhiều chi tiết được tung ra một cách có hệ thống về những vụ việc được coi là có dấu hiệu tham nhũng của ông Thăng thời ở Tập đoàn dầu khí (PVN).
Hai bài “THANH hay THĂNG” và “Tảng băng nổi” về thực chất là loạt bài điều tra án kinh tế. Trong đó, vụ Tổng công ty Xây lắp dầu khí (PVC), nơi mà Trịnh Xuân Thanh làm lỗ hơn 3.200 tỷ đồng, chỉ là chuyện nhỏ. Câu chuyện lớn hơn nhiều là Đinh La Thăng PVN.
Những dẫn chứng mang tính tài liệu nội bộ mà Huy Đức nêu ra trong loạt hai bài này dường như chưa từng được công bố và thuộc loại “gan ruột”. Không ít ý kiến cho rằng phải là một cấp rất cao “xì” tin tức thì tác giả Huy Đức mới có được nguyên liệu để “chế biến”.
Your browser doesn’t support HTML5
Những bài viết của Huy Đức đã dẫn đến những câu hỏi tiếp dẫn: Vì sao trước đây, thậm chí vào thời gian nóng bỏng trước Đại hội XII, đã không có hoặc gần như không tồn tại các thông tin về “tiêu cực Đinh La Thăng” thời PVN? Vì sao chỉ đến lúc này và trùng với chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng mới xuất hiện những thông tin như vậy, mà lại từ Huy Đức chứ không phải ai khác? Phải chăng một cơ quan nào đó đã “găm” những thông tin có ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị này để chỉ tung ra đúng thời điểm và nhằm mục đích “làm nhân sự”?
Có thể hình dung, hai bài viết trên đang hướng Cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an sang một “quy trình” mới: PVN.
Vào tháng 8/2016, C46 đã bắt hụt Trịnh Xuân Thanh và không biết có muốn ôm mối hận hay không. Nhưng sau đó, cơ quan này đã phải bắt đệ tử của Trịnh Xuân Thanh là Vũ Đức Thuận, người mà có tin cho biết được Đinh La Thăng sử dụng làm trợ lý tại Thành ủy TP HCM chỉ mới vào giữa năm 2016.
Cần nhắc lại, vào tháng 10/2015, gần 3 tháng trước khi diễn ra Đại hội XII, cây viết Huy Đức đã tung lên mạng xã hội bài “Em vợ thủ tướng & siêu lừa Dương Thanh Cường”, mổ xẻ chi tiết về vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm, em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, mà Huy Đức xem là "mắt xích" quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỷ đồng). Sau đó, người ta chứng kiến việc Thủ tướng Dũng phải làm bản giải trình 12 điểm cho Bộ Chính trị, và sau Đại hội XII thì không biết tướng Liêm ở đâu.
Ngay sau đó là bài “Ai bảo kê cho Trầm Bê” cũng của tác giả Huy Đức…
Còn bây giờ, một khả năng có thể là loạt bài của Huy Đức là điểm mở đầu cho một chiến dịch truyền thông “chống tham nhũng” nhằm mục tiêu kết thúc số phận của “hổ” Đinh La Thăng và còn có thể đụng chạm đến vài nhân vật đứng sau ông Thăng.
Nếu Bộ Công an “chiều” Huy Đức, hướng điều tra mới về PVN sẽ được củng cố và “hợp thức hóa” trên cơ sở đã có dư luận, không phải chỉ là dư luận đồn đoán mà là dư luận rất chi tiết.
Giờ đây, nếu Tổng Bí thư Trọng cũng “chiều” Huy Đức và hùng hổ quăng lên bàn Thường vụ đảng ủy công an trung ương những bài báo mang tính chất “dư luận phản ánh” của tác giả Huy Đức về “Đinh La Thăng thời PVN”, thì số phận bí thư thành ủy và có thể cả ủy viên Bộ Chính trị của ông Đinh La Thăng có thể nói sẽ “cháy”.
Your browser doesn’t support HTML5
Theo đó và gần một năm sau khi Nguyễn Tấn Dũng “ráng làm người tử tế”, Đinh La Thăng có thể là “con hổ” đầu tiên bị chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng và cựu chủ tịch nước Sang “làm thịt”.
Và nếu tương lai gần này xảy ra theo “đúng quy trình”, người ta có thể nhớ lại việc Tập Cận bình đã thẳng tay triệt hạ ủy viên Bộ Chính trị Bạc Hy Lai ở Trùng Khánh như thế nào, mở đầu cho những cú đánh ghê gớm tiếp theo vào Bộ Công an và Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Chỉ có điều, tương lai “nhái Tập Cận Bình” của Nguyễn Phú Trọng có được hiện thực hóa hay không lại phụ thuộc phần lớn vào việc cơ quan nào sẽ muốn giúp và có khả năng giúp ông Trọng “chống tham nhũng”. Cho tới nay, cơ chế này vẫn hoàn toàn là một ẩn số, cũng như nhiều ủy viên Bộ Chính trị vẫn giữ im lặng bất thường xung quanh điều mà dư luận gọi là vụ “3T” (Thanh - Thuận - Thăng).
* Blog của nhà báo Phạm Chí Dũng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.