Thời của những kẻ nhỏ bé

Thời của những kẻ nhỏ bé

Trong bài “Một kiểu cách mạng mới” đăng ngày 22 tháng 2 năm 2011, tôi nêu lên một số đặc điểm nổi bật trong các nổi dậy tranh đấu cho tự do và dân chủ ở Trung Đông và Bắc Phi gần đây: một, thực sự mang tính quần chúng; hai, không gắn liền với một đảng phái hay một ý thức hệ nào cả; và ba, cũng không có cả lãnh tụ. Trong bài này, tôi xin khai triển thêm đặc điểm thứ ba ấy.

Nhiều nhà bình luận chính trị trên thế giới cho đó là sự khác biệt căn bản giữa sinh hoạt chính trị của thế kỷ 21 này với thế kỷ 20 vừa qua; đồng thời, đó cũng là món quà có ý nghĩa nhất mà internet đã mang lại cho nhân loại.

Trước, cuộc cách mạng nào cũng gắn liền với những tên tuổi lớn, đầy những huyền thoại, và có sức cuốn hút mãnh liệt đối với quần chúng. Ở nửa đầu thế kỷ 20, có Lenin ở Nga, sau đó, Mao Trạch Đông ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh ở Việt Nam, Fidel Castro ở Cuba, Gamal Abdel Nasser ở Ai Cập, Mustafa Kemal Ataturk ở Thổ Nhĩ Kỳ, Mahatma Gandhi ở Ấn Độ. Trong những thập niên cuối của thế kỷ 20 có Nelson Mandela ở Nam Phi, Lech Walesa ở Ba Lan, Václav Havel ở Tiệp Khắc, Aung San Suu Kyi ở Miến Điện, v.v...

Còn bây giờ, trong cuộc cách mạng được mệnh danh là “cách mạng hoa nhài” ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi, những hình ảnh nổi bật nhất, được giới truyền thông chú ý nhất và xem như là biểu tượng của các cuộc nổi dậy, là những ai?

Đó là:

Thứ nhất, Mohamed Bouazizi, 26 tuổi, làm nghề bán trái cây ở Tunisia. Anh thuộc loại người ít học, nghèo nàn và không có tham vọng chính trị gì cả. Anh sống bằng một cái nghề rất ư khiêm tốn và chỉ mong được sống qua ngày. Vậy thôi. Đến lúc bị cảnh sát bức bách và nhục mạ đến mức không thể chịu đựng được nữa, anh cũng chẳng biết làm cách gì khác hơn là tự hại bản thân mình: tự thiêu. Nhưng ngọn lửa thiêu cháy đó đã được lan truyền đi khắp nơi qua internet, thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh trong cả nước Tunisia, cuối cùng, làm đổ nhào chế độ độc tài Zine el-Abidine Ben Ali; hơn nữa, còn lan sang tận Ai Cập.

Thứ hai, Khaled Said, 28 tuổi, một chuyên viên về computer, bị cảnh sát Ai Cập bắt và đánh chết khi anh tìm cách tung lên mạng hình ảnh một số cảnh sát ăn cắp cần sa. Bạn bè anh đã nhanh chóng tung bức ảnh thân thể bầm dập của anh lên internet, và cũng giống như Mohamed Bouazizi ở Tunisia, Khaled Said đã trở thành mồi lửa làm bùng cháy cuộc cách mạng ở Ai Cập, cuối cùng, thiêu rụi cả sự nghiệp kéo dài cả ba chục năm của Tổng thống Hosni Mubarak.

Thứ ba, Wael Ghonim, 31 tuổi, kỹ sư computer, trưởng phòng tiếp thị của Google ở Trung Đông và Bắc Phi. Xúc động trước cái chết thảm thương của Khaled Said, Ghomin đã lập trang Facebook “Tất cả chúng ta đều là Khaled Said” được rất đông thanh niên và sinh viên theo dõi. Cảm thấy nguy hiểm, cảnh sát Ai Cập bắt anh. Việc bắt bớ ấy đã làm dấy lên làn sóng tranh đấu không những tại Ai Cập mà còn cả khắp thế giới qua nhiều tổ chức quốc tế khác nhau. Cuối cùng, chính quyền Ai Cập buộc phải thả anh. Nhưng lúc ấy đã quá muộn. Cuộc cách mạng dân chủ ở Ai Cập đã tiến đến cao trào, không ai có thể ngăn chận được nữa.

Trước cuộc cách mạng hoa nhài ở Tunisia và Ai Cập, một phụ nữ vô danh ở Iran, Neda Agha-Soltan, cũng suýt làm sụp đổ chính phủ Mahmoud Ahmadinejad khi cô bị cảnh sát đánh chết ngoài đường phố vào ngày 20 tháng 6 năm 2009. Cho đến nay, không ai biết chắc lý do tại sao cô bị cảnh sát đánh chết: Cô tham gia một đoàn biểu tình hay chỉ là khách bàng quan tình cờ đi ngang qua đó? Nhưng hình ảnh cô quằn quại dưới trận đòn ác nghiệt của cảnh sát đã được nhiều người qua đường chụp và tung lên mạng khiến dân chúng căm phẫn và tạo nên những cuộc biểu tình rầm rộ ở Iran.

Tất cả những người trở thành trung tâm của các cuộc cách mạng, hoặc đã hoàn thành (ở Tunisia và Ai cập) hoặc còn dang dở (ở Iran) đều có một số điểm chung:

Một, họ đều còn trẻ và hoàn toàn vô danh trước đó.

Hai, họ tuyệt đối không có tham vọng hay toan tính gì về chính trị cả.

Ba, với những mức độ khác nhau, họ đều là những nạn nhân của các chính quyền bạo ngược.

Tuy vậy, tất cả đều trở thành những hình ảnh trung tâm, góp phần làm bùng nổ cách mạng (trường hợp của Mohamed Bouazizi, Khaled Said và Neda Agha-Soltan) hoặc đẩy cách mạng đến chỗ toàn thắng (trường hợp của Wael Ghonim). Dù còn sống hay đã chết thì họ cũng không hề là “lãnh tụ”, bất kể ở phạm vi hay với tầm vóc nào. Mà, thật ra, nói cho cùng, ngay cả khi cách mạng đã thành công, người ta cũng không hề thấy bóng dáng một lãnh tụ nào.

Có thể nói, khác với mọi cuộc cách mạng khác trong lịch sử, cuộc cách mạng hoa nhài ở Trung Đông và Bắc Phi gần đây và có lẽ, hiện nay nữa, đều xuất phát từ và hoàn tất bởi những con người hoàn toàn vô danh. Nhiều nhà nghiên cứu chính trị cho rằng, với các biến động ấy, chúng ta đang giã từ một kỷ nguyên - kỷ nguyên chính trị gắn liền với các vĩ nhân (big-man theory of politics) để bước vào một kỷ nguyên mới trong lịch sử - kỷ nguyên của những người nhỏ bé (small-person era of history).

Thật ra, kỷ nguyên ấy đã manh nha và có thể được nhìn thấy ngay ở các quốc gia dân chủ và phát triển nhất. Như Mỹ, chẳng hạn. Chiến thắng của Barack Obama vào năm 2008 cũng là chiến thắng của những con người nhỏ bé: thay vì vận động sự tài trợ của các đại công ty và đại tư bản như tất cả các ứng cử viên khác, Obama và ủy ban tranh cử của ông đã khôn khéo, qua các phương tiện truyền thông hiện đại, từ email đến facebook và twitter, vận động quần chúng rải rác khắp nơi. Số tiền mỗi người đóng góp rất khiêm tốn, trung bình chỉ khoảng 80 đô la. Nhưng có đến trên ba triệu người hiến tặng. Nhân lên: hơn nửa tỉ! Trở thành kỷ lục trong lịch sử tranh cử tại Mỹ. Trong cuộc vận động tranh cử vào năm 2012 sắp tới, có lẽ ông cũng tiếp tục theo đuỗi chiến lược ấy nhưng với một mục tiêu nhiều tham vọng hơn: đạt được khoảng một tỉ đô.

Nhờ đâu những con người nhỏ bé ấy làm nên lịch sử?

Câu trả lời hầu như ai cũng xác nhận: internet!

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.