Các cuộc đàm phán giữa Liên minh châu Âu và Trung Quốc về một thỏa thuận đầu tư đã bị đình trệ ở giai đoạn cuối vì Trung Quốc đưa ra những đòi hỏi phụ trội về năng lượng hạt nhân, tạp chí Đức WirtschaftsWoche đưa tin hôm 23/12.
Vấn đề năng lượng hạt nhân đang gây tranh cãi giữa các nước EU bởi vì các khoản đầu tư này có thể đặt cấu trúc hạ tầng trong lĩnh vực nhạy cảm này dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Tạp chí WirtschaftsWoche (WW) trích dẫn các nguồn tin của EU cho biết:
“Trung Quốc muốn đầu tư vào các nhà máy điện hạt nhân ở châu Âu và sử dụng công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực này”,
Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc đã ra dấu hiệu với các đối tác châu Âu rằng họ coi công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực này là tiên tiến hơn, bản tin của WW cho biết.
Một số nước thành viên EU không muốn sử dụng năng lượng hạt nhân hoặc quyết định rút ra khỏi công nghệ này trong vòng vài năm tới.
Theo các quan chức Đức và EU, EU và Trung Quốc đặt mục tiêu đạt được một thỏa thuận đầu tư vào cuối năm nay để các công ty châu Âu tiếp cận thị trường Trung Quốc rộng rãi hơn.
Thỏa thuận toàn diện EU- Trung Quốc về đầu tư, đặt hầu hết các công ty EU ở vị trí bình đẳng tại Trung Quốc, có khả năng là một bước tiến lớn trong việc hàn gắn mối quan hệ Trung-Âu sau vụ bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc và chiến dịch đàn áp của Bắc Kinh đối với giới bất đồng chính kiến ở Hong Kong.
Thỏa thuận này, nếu có, có thể phức tạp hóa mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương với tân chính phủ Mỹ của Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden.
Ông Jake Sullivan, người được đề cử làm Cố vấn An ninh Quốc gia trong ê-kíp của ông Biden, đăng dòng tweet vào đầu tuần này, nói rằng Washington hoan nghênh các cuộc tham vấn sớm với các đối tác châu Âu về “mối quan tâm chung của chúng ta về cách hành xử của Trung Quốc liên quan tới kinh tế”.
Trung Quốc lo ngại bị phương Tây cô lập sau khi Hoa Kỳ đẩy mạnh cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, trong khi Brussels thực hiện các bước để giám sát chặt chẽ hơn đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực chiến lược tại châu Âu.
Theo các nhà ngoại giao phương Tây, các điểm bất đồng lớn khác cản trở việc ký kết hiệp định đầu tư liên quan đến phát triển bền vững và các vấn đề nhân quyền, chẳng hạn như vấn đề lao động cưỡng bức ở Trung Quốc.