Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hôm 18/7 nói ông ủng hộ việc đưa những người thực hiện cuộc đảo chánh tại Thổ Nhĩ Kỳ ra trước công lý, nhưng ông cảnh báo chớ nên 'đi quá xa' trong việc vãn hồi trật tự trong nước.
Tại một cuộc họp báo sau khi gặp các đối tác EU ở Brussels, Ngoại trưởng Kerry nói: "Chúng tôi đứng về phía giới lãnh đạo dân cử tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng chúng tôi cũng mạnh mẽ kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hãy duy trì tình trạng yên bình và ổn định trên cả nước."
Ông nói tiếp: "Chúng tôi cũng yêu cầu chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hãy giữ những tiêu chuẩn cao nhất trong việc tôn trọng những định chế dân chủ của nước này và nền pháp trị. Chúng tôi chắc chắn sẽ ủng hộ việc mang những kẻ đã thực hiện cuộc đảo chánh ra trước công lý nhưng chúng tôi cũng dè dặt về những hoạt động vượt ra ngoài các giới hạn này."
Thông tấn xã Anadolu do nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ điều hành loan tin là có 8.777 sĩ quan bị ngưng chức và 6.000 nhân viên tư pháp và quân sự bị bắt giữ tiếp theo âm mưu đảo chánh hôm 15/7 làm cho các nhà lãnh đạo thế giới đã lên tiếng cảnh báo về những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có thể phương hại tới trật tự dựa trên hiến pháp.
Người đứng đầu chính sách ngoại giao của EU, bà Federica Mogherini, nói nền pháp trị "cần được bảo vệ vì lợi ích của đất nước." Bà Mogherini đưa ra bình luận này tại một hội nghị các bộ trưởng ngoại giao EU được tổ chức tại Brussels hôm 18/7.
Đàn áp tiếp tục
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hứa sẽ trừng phạt những người Thổ Nhĩ Kỳ dính líu đến âm mưu đảo chánh. Ông Erdogan nói: "Tại mọi cấp bậc của chính phủ, giai đoạn quét sạch virút này sẽ tiếp tục. Giống như virút ung thư, virút này lây lan trong chính phủ."
Truyền thông nhà nước cho biết một phụ tá của tổng thống Erdogan nằm trong số những người bị bắt, và một lệnh bắt giữ đại tá Ali Yazici, một phụ tá quân sự cao cấp của ông Erdogan đã được ban bố. Hiện chưa rõ ông Yazici giữ vai trò gì trong cuộc đảo chánh bất thành.
Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag nói nhà cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã đẩy nhanh việc bắt bớ những người có liên hệ đến âm mưu đảo chánh trong đó có một số thẩm phán, sĩ quan và binh sĩ. Những người bị bắt gồm chỉ huy trưởng Binh đoàn Ba, Đại tướng Erdal Ozturk. Ông này có thể bị truy tố về tội phản nghịch.
Các giới chức quân sự cao cấp khác đã dùng máy bay trực thăng bay sang Hy Lạp và xin tị nạn chính trị. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một số sĩ quan đào thoát được biết nằm trong số những người chủ mưu lập kế hoạch cho cuộc đảo chánh.
Án tử hình được cứu xét
Ngày 17 tháng 7, nói chuyện với những người đòi áp dụng án tử hình cho những người chủ mưu đảo chánh bên ngoài tư gia của ông tại Istanbul, Tổng thống Erdogan nói việc áp dụng án tử hình không thể được trì hoãn: "Chúng ta không thể làm ngơ trước yêu cầu này."
Bài diễn văn của ông bị ngắt quãng bởi những lời kêu gọi thường xuyên từ đám đông "chúng tôi muốn án tử hình." Ông Erdogan đã trả lời: "Chúng tôi đã nghe những yêu cầu của các bạn. Trong một nền dân chủ, những gì người dân muốn, sẽ được."
Ông Erdogan nói ông sẽ thảo luận với những đảng phái đối lập nhưng "chúng tôi sẽ không trì hoãn quyết định này một thời gian dài bởi vì những người âm mưu đảo chánh phải trả giá."
Thổ Nhĩ Kỳ chưa xử tử hình ai kể từ năm 1984, và án tử hình đã được bãi bỏ vào năm 2004 trong khuôn khổ của nỗ lực của nước này xin gia nhập Liên hiệp châu Âu.
Bộ trưởng Ngoại giao Áo Sebastian Kurz trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước trước cuộc họp với các đối tác châu Âu hôm 18/7 nói việc tái lập án tử hình sẽ "tuyệt đối không chấp nhận được."
Ngoại trưởng Kerry phủ nhận Hoa Kỳ có liên hệ đến âm mưu đảo chánh
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry bác bỏ những lời đồn đoán cho rằng Washington có liên hệ đến cuộc đảo chánh bất thành hôm 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Hôm 17/7 ông Kerry nói với đài CNN: "Chúng tôi nghĩ cáo buộc Hoa Kỳ có liên hệ đến vụ này là vô trách nhiệm."
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cáo buộc ông Fethullah Gulen, một giáo sĩ Hồi giáo ẩn dật hiện sống tại Pennsylvania là người đã dàn dựng vụ bạo lực và yêu cầu dẫn độ ông Gulen.
Tổng thống Erdogan thường xuyên đề cập đến "những kẻ chủ mưu" mà ông nói là đang tìm cách bẻ gãy đất nước ông, ám chỉ phương Tây nói chung, và rõ rệt hơn là Hoa Kỳ. Vào hôm 16/7, Bộ trưởng Lao động Suleyman Soylu cáo buộc Washington đứng đằng sau âm mưu đảo chánh.
Theo một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ thì trong một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Kerry công khai nói về bất cứ vai trò nào của Hoa Kỳ trong cuộc đảo chánh bất thành là "tuyệt đối sai lầm và phương hại tới mối quan hệ song phương của chúng ta."
Ông Kerry cũng nói với đài CNN là "Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức yêu cầu dẫn độ ông Gulen và ông đã nói với bộ trưởng ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hãy chính thức yêu cầu việc này, và rằng Hoa Kỳ không chứa chấp ai cả."
Giáo sĩ Gulen đã phủ nhận đứng đằng sau cuộc đảo chánh bất thành và cũng không biết người nào chịu tránh nhiệm trong vụ này.
Tang lễ
Trong khi đó vào hôm 17/7 hàng ngàn người đã tham dự đám tang của những người bị giết tại Istanbul và Ankara. Các lời cầu nguyện được xướng lên đồng thời tại 85.000 ngôi đền ở Thổ Nhĩ Kỳ vào giữa trưa ngày 17 tháng 7 để tưởng niệm những người thiệt mạng.
Tổng thống Erdogan hôm 17/7 đã khóc tại tang lễ người đứng đầu chiến dịch vận động tranh cử của ông và người con trai nhỏ tuổi của ông này, bị giết khi các binh sĩ nổi loạn nổ súng vào những người biểu tình tại cầu Bosporus ở Istanbul vào tối 15 tháng 7.
Ông dùng một khăn tay chậm nước mắt và quay sang bên cạnh rồi tiếp tục khóc.
Có những tin tức khác nhau về con số người thiệt mạng trong các vụ đụng độ khi âm mưu đảo chánh xảy ra. Tuy nhiên vào ngày 17 tháng 7 có 365 người được ghi nhận đã tử vong, trong đó có nhiều thường dân. Tình hình vẫn còn căng thẳng tại Istanbul, Ankara và một số tỉnh lỵ khác, và có báo cáo về những vụ bạo động lẻ tẻ.
Hoạt động của quân đội Mỹ
Hôm 17/7, Thổ Nhĩ Kỳ mở lại không phận cho các máy bay quân sự, cho phép Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo tái tục các cuộc không kích nhằm vào các phần tử hiếu chiến Nhà nước Hồi Giáo.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa không phận tiếp sau âm mưu đảo chánh.
Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, là một đối tác quan trọng trong những nỗ lực do Hoa Kỳ lãnh đạo nhằm đánh bại Nhà nước Hồi Giáo, và cũng là nước đã cho phép máy bay phản lực Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik để tấn công những phần tử cực đoan tại nước láng giềng Syria và Iraq.
Your browser doesn’t support HTML5