Virus dịch tả lợn châu Phi (ASF) đang tiếp tục lây lan tại Việt Nam, gây lo ngại cho nhiều quốc gia trong khu vực đưa tới lệnh cấm sử dụng thịt heo và sản phẩm chế biến từ thịt heo nhập khẩu từ Việt Nam. Những ai vi phạm lệnh cấm sẽ bị phạt tiền và ngay cả bị tống giam.
VNA dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm thứ Hai 4/3 tuyên chiến với dịch bệnh này, ông nói cần phải chiến đấu chống virus dịch tả lợn châu Phi “như một kẻ thù chiến đấu”, với sự tham gia tích cực của các cơ quan và bộ ngành ở nhiều cấp độ khác nhau. Bản tin của soha.vn hôm 3/3 chạy hàng tít “Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục bùng phát, xác lợn chết trôi khắp sông”, phần nào nói lên tính nghiêm trọng của tình hình. Báo chí trong nước cho rằng một trong các biện pháp hữu hiệu để hạn chế tối đa tình trạng ‘bán chạy’ hay ‘giấu dịch’ là nâng mức hỗ trợ.
Theo trang mạng Xinhua của nhà nước Trung Quốc, virus dịch tả lợn châu Phi được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam vào đầu tháng Hai năm nay. Việt Nam trở thành nước thứ 3 bị lây lan cúm tả lợn châu Phi, sau Trung Quốc và Mông Cổ. Virus dịch tả lợn châu Phi đã được phát hiện tại Hà nội và Hải Phòng và 4 tỉnh miền Bắc: Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Thanh Hóa và Hải Dương.
..."Phải chiến đấu chống virus dịch tả lợn châu Phi “như một kẻ thù chiến đấu”, với sự tham gia tích cực của các cơ quan"Thủ Tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc
Sau khi chính quyền Việt Nam chính thức thông báo phát hiện một số ổ dịch tả lợn châu Phi , nhiều nước đã thi hành nghiêm ngặt lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ Việt Nam, kể cả các sản phẩm chế biến từ thịt heo.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đài Loan loan báo bất cứ hành khách Việt Nam nào nhập cảnh Đài Loan với các sản phẩm làm bằng thịt heo sẽ bị phạt vạ $6.500. Nếu tái phạm, số tiền phạt sẽ tăng lên tới 33.000, và hành khách sẽ bị cấm nhập cảnh nếu không trả toàn bộ số tiền phạt.
Hôm 27/2, một phụ nữ Việt Nam đã bị phạt $6.500 vì đã mang vào phi trường Đài Trung các sản phẩm làm bằng thịt heo.
Hãng Hàng Không Việt Nam cũng cảnh cáo hành khách chớ mang các sản phẩm thịt heo vào Nhật Bản và Úc.
Hành khách từ Việt Nam mang thịt sống hoặc thực phẩm đã qua chế biến vào Nhật Bản phải cung cấp giấy chứng nhận an toàn. Nếu không có, sẽ đối mặt với 3 năm tù giam hoặc phát vạ 1 triệu yen.
Tại Australia, một quốc gia vốn rất nghiêm ngặt trong việc bảo vệ nền nông nghiệp nội địa, hành khách phải khai báo tất cả mọi thực phẩm từ thực vật hoặc động vật, nếu không, sẽ bị phạt vạ AUD$420.000- tương đương với hơn USD $298.000.
Dubai, Anh quốc và Mongolia cũng ra lệnh cấm thịt heo và sản phẩm từ Việt Nam.
Theo Tổ chức Lương Nông LHQ, virus dịch tả lợn châu Phi không ảnh hưởng tới người. Cách duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh này là tiêu hủy lợn bệnh.