Vụ chết người mới nhất trong lúc bị công an Việt Nam tạm giam đã gây ra phẫn uất trong dư luận mấy ngày qua. Kể từ ngày 10/10 - ngày nạn nhân Đỗ Đăng Dư (17 tuổi) qua đời - một số người dân tại Hà Nội đã đến trước bệnh viện Bạch Mai, nơi nạn nhân được điều trị trong những ngày cuối đời, cùng với nhiều biểu ngữ để lên tiếng phản đối vụ gây chết người mà họ cho là do công an gây ra, đồng thời kêu gọi giúp đỡ cho gia đình nạn nhân. Ban Việt ngữ đài VOA phỏng vấn Luật sư Trần Thu Nam, người đã nhận lời miễn phí bảo vệ quyền lợi cho gia đình nạn nhân Đỗ Đăng Dư trong quá trình điều tra, xét xử vụ án.
Thiếu niên Đỗ Đăng Dư, 17 tuổi, bị Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội, bắt giam hôm 5/8 về hành vi ‘trộm cắp tài sản’, mà gia đình cho biết cụ thể là 2 triệu đồng của nhà hàng xóm.
Sau hai tháng tạm giam, ngày 4/10, gia đình Đỗ Đăng Dư nhận được điện thoại yêu cầu đến bệnh viện Bạch Mai gặp Dư gấp. Thông tin và hình ảnh đưa lên mạng xã hội ngay sau đó cho biết Đỗ Đăng Dư đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng với nhiều vết bầm tím trên cơ thể.
Tối 10/10, Đỗ Đăng Dư đã qua đời tại bệnh viện Bạch Mai.
Cái chết của Đỗ Đăng Dư đã khiến cho nhiều người dân bức xúc. Hình ảnh trên mạng Facebook cho thấy một số người đứng trước bệnh viện Bạch Mai đêm 10/10 với các biểu ngữ ghi ‘Đả đảo công an giết cháu: Đỗ Đăng Dư’ vào đêm em Dư qua đời.
Hôm sau (11/10), báo chí trong nước đồng loạt đưa tin Đỗ Đăng Dư bị bạn tù trong cùng buồng giam đánh vì ‘rửa bát bẩn’, dẫn đến tử vong sau đó.
Gia đình em Đỗ Đăng Dư đã nhờ Luật sự Trần Thu Nam tư vấn, đại diện trước pháp luật ngay khi em Dư còn đang được điều trị ở bệnh viên Bạch Mai. Theo thông tin từ LS. Nam, ông đã cùng với mẹ của em Đỗ Đăng Dư đến làm việc với công an Hà Nội vào cuối tuần qua và các bên đã đồng ý để cho giám định pháp y của quân đội thực hiện khám nghiệm tử thi. Nhưng LS. Nam đã không ký vào biên bản khám nghiệm tử thi vì lý do mà ông cho biết là ‘chỉ ghi những dấu vết bên ngoài thân thể mà không ghi các dấu vết bên trong khi phẫu thuật’.
Trước đó khi Đỗ Đăng Dư mới được đưa vào bệnh viện, một số thông tin trên mạng xã hội cho biết gia đình em Dư bị hạn chế thăm gặp em. Đối với thông tin này, LS. Trần Thu Nam trả lời:
LS. Trần Thu Nam: Cái đó cũng chỉ là nghe lại thôi. Thứ hai, có thể nó rơi vào hoàn cảnh là: Thứ nhất, lúc đó em Dư vẫn đang là bị can của vụ án trước (vụ ‘trộm cắp tài sản’) thì tiếp xúc của gia đình với bị can, theo luật Việt Nam, là bị hạn chế. Tuy nhiên vụ hạn chế tiếp xúc trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh (bị hôn mê, cấp cứu…) thì việc hạn chế cho gia đình tiếp xúc thì tôi cho đó là hành động phi nhân đạo. Bởi vì [trong trường hợp] có thể chết thì gia đình, người mẹ mong muốn được chứng kiến người con, rồi trong lúc cấp cứu chữa bệnh, người mẹ và gia đình cũng mong muốn biết tình trạng của con như thế nào thì đó là những mong muốn hoàn toàn hợp pháp và phải nên đáp ứng.
Chắc là họ sợ khi tiếp xúc sẽ chụp ảnh tung lên mạng, rồi có những cái gào khóc, thương xót gì đó… Nói chung là có một lý do gì đó mà họ hạn chế. Nhưng sau đó tôi biết là họ có cho tiếp xúc nhưng không nhiều, từng người một, không được thoải mái bởi vì nó liên quan đến quy định của bệnh viện.
VOA: Liên quan đến việc khám nghiệm tử thi mà luật sự có hiện diện, luật sư cho biết là đã không ký vào biên bản, xin luật sư giải thích lý do? Khi luật sư không ký, vụ việc sẽ đi tới đâu?
LS. Trần Thu Nam: Thực ra, khi luật sư không ký thì cái đó vẫn được coi là biên bản khám nghiệm. Ở đây có rất nhiều thành phần chứ không phải chỉ luật sư, có 2 người trong gia đình, Viện kiểm sát và điều tra viên, giám định viên, giám định pháp ý. Việc luật sư không ký chỉ thể hiện sự phản đối lại những điều họ chưa ghi đầy đủ vào biên bản đó thôi.
Hôm qua mới chỉ là biên bản khám nghiệm tử thi. Sau khi có biên bản khám nghiệm tử thi rồi thì cơ quan giám định mới rút ra kết luận giám định pháp y. Họ nói kết quả giám định pháp y sẽ nêu đầy đủ những dấu hiệu bên trong và nguyên nhân dẫn đến cái chết. Chúng tôi mong chờ việc đó. Nhưng thực sự mà nói, tôi hy vọng họ sẽ làm đúng bởi vì đây là giám định của quân đội thì kết luận nó khác với biên bản giám định tử thi. Bởi vì biên bản giám định tử thi này không phải do pháp y lập mà pháp y chỉ ký tên thôi. Biên bản khám nghiệm tử thi là do điều tra viên của vụ án lập, phải phân biệt như vậy.
Tuy nguyên nhân cái chết cũng quan trọng, nhưng ai gây ra vết thương đó mới quan trọng hơn.
VOA: Dựa trên những tiến trình đã xảy ra trong vụ việc này, khả năng tìm ra người gây ra cái chết có cao hay không?
LS. Trần Thu Nam: Hiện nay họ đã tìm được rồi, nhưng đúng người đó hay không thì không ai chắc chắn được. Họ đã tìm ra được người tên Bình, sinh năm 1998, bị giam cùng phòng với Đỗ Đăng Dư, là người đánh Dư bằng tay, chân và đập vào đầu. Họ đã tìm được và khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi. Nhưng còn có chính xác người đó đánh hay không thì phải trải qua quá trình điều tra, tranh tụng, xem xét hồ sơ tại tòa thì sẽ đối chất, xem đúng bị can đó đánh hay không.
VOA: Được biết một số luật sư khác cũng lên tiếng về vụ việc này?
LS. Trần Thu Nam: Trong vụ việc này, tôi có cử thêm một luật sư nữa, đó là Luật sư Lê Văn Luân. Bản thân tôi cũng muốn đưa thêm một số luật sư vào nữa để các luật sư quen thuộc với những vụ việc mang tính chất xã hội [cùng tham gia] và để tiếng nói của luật sư nhiều hơn để bảo vệ sự đúng đắn, nghiêm minh và công bằng của pháp luật.
Tôi cũng muốn các luật sư khác tham gia. Luật sư Ngô Ngọc Trai đã liên hệ với tôi cũng đã liên hệ với Luật sư Nguyễn Hà Luân nữa. Có thể sắp tới sẽ có thêm, nhưng việc tham gia có hợp pháp hay không thì phải hỏi ý kiến phía gia đình bị hại là nhà em Đỗ Đăng Dư nữa xem có đồng ý hay không. Nếu họ đồng ý thì các luật sư sẽ tham gia, còn nếu không đồng ý thì tôi sẽ tham gia một mình hoặc cùng với LS. Lê Văn Luân.
VOA: Cám ơn luật sư đã dành thời gian cho đài VOA.